Vụ tranh chấp HĐ thuê mặt bằng tại Vũng Tàu: Tòa án đề nghị thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích

PV| 06/03/2017 11:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

HĐXX TAND TP Vũng Tàu đã tuyên hợp đồng cho thuê mặt bằng và kết quả đấu giá cạnh tranh giữa hai công ty Đức Thịnh và Trần Phú vô hiệu theo quy định của BLDS. Theo đó, các bên phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng, kết quả đấu giá cạnh tranh và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” mà TAND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử sơ thẩm mới đây đã tuyên đề nghị thu hồi đất do doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích.

Theo hồ sơ vụ án, nguyên đơn là Công ty TNHH một thành viên Trần Phú (nay là Công ty cổ phần in Trần Phú) có địa chỉ tại 71-73 Hai Bà Trưng, TP Hồ Chí Minh. Bị đơn là Công ty TNHH chế bản-in-thiết kế dịch vụ Đức Thịnh, có địa chỉ tại 2/103 Nguyễn Gia Thiều, phường 6, quận 3 TP Hồ Chí Minh.

Theo trình bày của nguyên đơn: Ngày 1/12/2012, giữa Công  ty Trần Phú và Công ty Đức Thịnh có ký kết hợp đồng thuê mặt bằng tại địa chỉ số 83 Thùy Vân, phường 2, TP Vũng Tàu với diện tích đất đo đạc thực tế 2.829,3m2 để kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Thời gian thuê là 12 tháng (1/12/2012-30/11/2013), với giá 340 triệu đồng/năm. Công ty Đức Thịnh đã thanh toán đầy đủ số tiền thuê theo hợp đồng cho Công ty Trần Phú.

Tuy nhiên, sau khi hết hạn hợp đồng vào ngày 19/11/2013, bên thuê vẫn không thực hiện việc thanh lý hợp đồng như đã thỏa thuận.     

Vụ tranh chấp HĐ thuê mặt bằng tại Vũng Tàu: Tòa án đề nghị thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích

 Khu nhà nghỉ số 83 Phố Thuỳ Vân, Vũng Tàu - khu đất, nhà có hợp đồng xảy ra tranh chấp   

Trước đó, ngày 15/4/2013, Công ty Trần Phú có tổ chức đấu giá cạnh tranh đối với tài sản trên đất và vị trí lợi thế thương mại khu đất trên và Công ty Đức Thịnh đã trúng thầu với giá 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả đấu giá này bị hủy bỏ vì tài sản không thuộc tổ chức đấu giá.

Công ty Trần Phú đã khởi kiện vụ án ra tòa yêu cầu Công ty Đức Thịnh phải thanh toán tiền thuê nhà còn thiếu, tính từ tháng 12/2013 đến nay với số tiền 1 tỷ đồng, sau khi khấu trừ các khoản chi phí còn lại 750 triệu đồng.

Tuy nhiên, Công ty Đức Thịnh cho rằng, toàn bộ tài sản có trên đất là do Công ty Đức Thịnh xây dựng; trong tổng số diện tích 2.829,3m2 ở địa chỉ trên chỉ có 250 m2 đất của Nhà nước tạm giao Công ty Trần Phú năm 1983, diện tích còn lại do ông Đặng Hồng (Giám đốc Công ty Đức Thịnh) khai phá và nộp thuế sử dụng đất từ năm 1992 đến nay. Từ năm 1992, Công ty Đức Thịnh dưới nhiều hình thức liên kết kinh doanh, đã đầu tư nâng cấp dịch vụ nhà nghỉ trên diện tích đất trên và đóng tiền cho Công ty Trần Phú với hình thức ban đầu là chia lợi nhuận và sau này là trả tiền thuê đất. Tài sản trên đất là có từ năm 1992 đến nay và do ông Đặng Hồng và Công ty Đức Thịnh xây dựng.

Việc ký kết hợp đồng thuê mặt bằng cũng chỉ nhằm mục đích cho hoạt động kinh doanh của Công ty Đức Thịnh. Đồng thời ngày 15/4/2013 Công ty Đức Thịnh đã trúng đấu giá về việc chuyển nhượng lại mặt bằng tại địa chỉ 83 Thùy Vân và lợi thế thương mại. Do vậy, Công ty Đức Thịnh  không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trần Phú và có yêu cầu phản tố. Đó là, yêu cầu Tòa án tuyên bố các giao dịch như đã nói ở trên, bao gồm: về việc thuê mặt bằng, kết quả gói thầu đấu giá cạnh tranh ngày 15/4/2013 giữa hai công ty; Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Trần Vũ Khôi với Công ty Trần Phú ngày 27/5/2014 đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tọa lạc tại địa chỉ trên là vô hiệu. Công ty Đức Thịnh yêu cầu được tiếp tục quản lý, giữ gìn và kinh doanh khai thác đối với tài sản có trên có diện tích đất vì công ty đã tôn tạo và quản lý, sử dụng từ năm 1992 đến nay.

Qua quá trình xem xét hồ sơ, tài liệu chứng cứ và yêu cầu của các bên tại Tòa án cũng như xác nhận của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo cho thấy: Về nguồn gốc quyền sử dụng đất diện tích đất trên là của Nhà nước giao Cho công ty in Trần Phú quản lý và cho phép xây dựng làm nhà nghỉ cho công nhân, nhưng Công ty in Trần Phú không sử dụng đúng mục đích mà lại cho các thành phần khác thuê, chiếm dụng và tự ý chuyển nhượng trái pháp luật.

Năm 2016, khi tiến hành thanh tra việc sử dụng đất tại Công ty Trần Phú, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có kết luận: Căn cứ Luật Đất đai 2013, kiến nghị thu hồi diện tích đất nói trên của Công ty Trần Phú do sử dụng không đúng mục đích và không đúng quy định của pháp luât.

Căn cứ  vào hồ sơ thực tế và kết quả xác minh, TAND TP Vũng Tàu thấy rằng, năm 1991, diện tích đất 2.921m2 tọa lạc tại địa điểm trên đã được kê khai và cấp giấy chứng nhận đăng ký đất đai cho Nhà máy in Trần Phú dựa trên sự khai báo của người đi đăng ký và đo đạc thực tế. UBND phường 2 cũng xác nhận không lưu giữ hồ sơ thể hiện nguồn gốc đất của thửa đất trên. Biên bản kiểm kê đất đai hoa màu năm 1996 thì lại thể hiện nguồn gốc đất “do Nhà nước quản lý”.

Năm 2015, Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có văn bản xác định khu đất là do Nhà nước giao cho Công ty Trần Phú sử dụng, và Công ty Trần Phú thuộc diện phải thuê đất theo quy định nhưng không làm thủ tục thuê đất đai trong nhiều năm, nên không thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Công ty Trần Phú đã không sử dụng đất đúng mục đích là làm nhà nghỉ cho cán bộ công nhân viên của mình mà ký kết hợp đồng, hợp tác liên doanh với cá  nhân, tổ chức từ năm 1992 như: Phòng hậu cần-Công an Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đặng Hồng, Công ty TNHH Hoa Sen,..

Vì vậy, HĐXX đã kết luận: Toàn bộ diện tích đất 2.829,3m2 tọa lạc tại số 83 Thùy Vân, phường 2 là thuộc đất của Nhà nước mà chủ thể quản lý là UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty Trần Phú. Việc Công ty Trần Phú cho rằng toàn bộ diện tích đất trên là do Công ty Trần Phú mua của bà Trần Thị Đẩu từ năm 1983, không phải là đất Nhà nước giao là không có cơ sở. Bởi lẽ, Công ty Trần Phú không cung cấp được chứng cứ thể hiện việc mua bán với hộ bà Đẩu diện tích đất nói trên, cũng không có giấy tờ nào chứng minh hộ bà Đẩu là chủ sử dụng hợp pháp diện tích đất này.

HĐXX đã tuyên hợp đồng cho thuê mặt bằng và kết quả đấu giá cạnh tranh giữa hai công ty Đức Thịnh và Trần Phú vô hiệu theo quy định của BLDS. Và căn cứ vào Bộ luật này, khi giao dịch vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tuy nhiên, HĐXX cũng nhận định, diện tích đất trên là đất của Nhà nước, không thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty Trần Phú nên HĐXX không giao trả lại cho Công ty Trần Phú mà tạm giao Cho công ty Đức Thịnh tạm thời tiếp tục quản lý. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành các thủ tục thu hồi đối với diện tích đất  nói trên theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013. Và để bảo đảm quyền lợi cho Công ty Đức Thịnh đã có công quản lý, giữ gìn, tu tạo, trực tiếp sử dụng đất từ năm 1992 đến nay và căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất thiết thực, phù hợp với ngành nghề kinh doanh đã đăng ký… HĐXX kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sau khi thực hiện xong các thủ tục thu hồi đất thì giao lại cho Công ty Đức Thịnh sử dụng hợp pháp khu đất này. Đồng thời, yêu cầu Công ty Trần Phú phải trả lại Công ty Đức Thịnh số tiền 250 triệu đồng tiền ký quỹ dự thầu và tiền đặt cọc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tranh chấp HĐ thuê mặt bằng tại Vũng Tàu: Tòa án đề nghị thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích