Phiên tòa sơ thẩm xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm diễn ra từ ngày 8/1 đến hôm nay 22/1, sẽ được TAND TP Hà Nội tuyên án. Quá trình diễn biến phiên tòa những ngày vừa qua đã được báo chí đánh giá là tích cực, được tiến hành theo đúng tinh thần CCTP.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa (Ảnh: Hải Đăng)
Sáng nay (22/1), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên bản án sơ thẩm trong vụ án thất thoát gần 120 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); tham ô hơn 13 tỷ đồng tại Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch (thuộc Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC).
Phiên tòa sơ thẩm xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm diễn ra từ ngày 8- 22/1.
Ông Đinh La Thăng bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với khung hình phạt 10 - 20 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) bị truy tố về cả 2 tội trên có khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định PVC thực hiện và ký gói thầu EPC số 33 trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỉ sai mục đích gây thiệt hại gần 120 tỉ đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng.
Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỉ đồng chia nhau sử dụng cá nhân.
Chiều 11/1, trong phần luận tội, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại toà đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Đinh La Thăng 14-15 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước…". Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, bị đề nghị chung thân về tội "Cố ý làm trái…" và "Tham ô tài sản". Bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên tổng giám đốc PVN) bị đề nghị 12-13 năm tù. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 28 năm tù.
Trước khi HĐXX bước vào phần nghị án, nói lời sau cùng vào sáng 17/1, bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm với cương vị người đứng đầu. Cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân, cựu Chủ tịch PVN mong HĐXX xem xét cho ông được ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, người thân, sau đó chấp hành án phạt tù. Ngoài ra, ông Thăng mong HĐXX xem xét cho các bị cáo không có động cơ cá nhân, vi phạm vì sự quyết liệt với công việc. "Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho tất cả các bị cáo đó", cựu Chủ tịch PVN nói.
Trước khi tòa tuyên án, 9 trong số 10 bị cáo bị truy tố tội Tham ô tài sản thừa nhận hành vi phạm tội, mong tòa xem xét tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình. Riêng Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc nhận 4 tỷ đồng tiêu Tết và cùng một số bị cáo sử dụng chung 1,5 tỷ. Ân hận vì tạo ra dư luận không tốt, bị cáo Thanh cũng gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo đó, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án cho các bị cáo với tội danh như sau:
Tội cố ý làm trái:
1. Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) 14-15 năm tù.
2. Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC) 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái, chung thân về tội tham ô. Tổng hình phạt hai tội là chung thân.
3. Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) 12-13 năm tù.
4. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN) 10-11 năm tù.
5. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN) 10-11 năm tù.
6. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC) 8-9 năm tù về tội cố ý làm trái, 18-19 năm tù về tội tham ô. Tổng hình phạt từ 26-28 năm tù.
7. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) 10-11 năm tù.
8. Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN) 7-8 năm tù
9. Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2) 2-3 năm tù cho hưởng án treo.
10. Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2) 2-3 năm tù cho hưởng án treo.
11. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC) năm tù 8-9 năm tù.
12. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC) 7-8 năm tù.
13. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) 6-7 năm tù.
14. Trương Quốc Dũng (nguyên phó TGĐ PVC) 17-18 tháng tù.
Tội tham ô tài sản:
15. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC) 18-19 năm tù.
16. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC) 13-14 năm tù.
17. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) 13-14 năm tù.
18. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng) 8-9 năm tù.
19. Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) 30-36 tháng cho hưởng án treo..
20. Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch) 30-36 tháng cho hưởng án treo.
21. Lê Xuân Khánh (Nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
22. Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, tại phiên đối đáp ngày 15/1, đại diện VKS đã bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ cho một số bị cáo; đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt so với mức án đề nghị đối với các bị cáo: Lương Văn Hoà, Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Ngọc Quý.
Sau những ngày diễn ra Phiên tòa sơ thẩm xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm vừa qua, dư luận trên báo chí được thông tin rất tích cực, nổi bật với các đánh giá về phiên tòa như sau: Tạo thuận lợi cho tất cả các bên tham gia tố tụng: Quá trình xét xử có thể thấy rõ dấu ấn cải cách tư pháp trong suốt giai đoạn xét hỏi, tranh tụng công khai tại phiên tòa. Các cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi theo luật định để những người tham gia tố tụng được trình bày đầy đủ, dân chủ và toàn diện những quan điểm cá nhân, cùng hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý. Khi nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) đã cảm ơn Hội đồng xét xử điều hành phiên tòa một cách dân chủ, công khai, khách quan; khẳng định phiên tòa được tiến hành đổi mới theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 và tinh thần cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước. Điều chỉnh kịp thời, phù hợp với diễn biến phiên tòa: Qua quá trình xét hỏi và tranh tụng, Viện Kiểm sát cũng đã có những thay đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với lời khai của các bị cáo và diễn biến thực tế tại phiên tòa. Cân nhắc toàn diện những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, Viện Kiểm sát đã chủ động điều chỉnh mức án đề nghị và giảm một phần trách nhiệm dân sự đối với một số bị cáo. Cụ thể, đối với bị cáo Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC), ngoài các tình tiết giảm nhẹ được nêu trong luận tội của Viện Kiểm sát, bị cáo Hiển còn có tình tiết giảm nhẹ là tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án; bị cáo Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) với vai trò phạm tội có mức độ; bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) và Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt là thái độ tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật giải quyết sớm vụ án. Do vậy, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho các bị cáo so với mức đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát… Vai trò nổi bật của các luật sư: Ngay từ khi bước vào phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, nhiều luật sư cảm ơn Hội đồng xét xử vì đã áp dụng mô hình phòng xử án theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư 01 của Tòa án nhân dân Tối cao về phòng xử án (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Theo đó, vị trí ngồi của các luật sư được sắp xếp đối diện, ngang bằng với cơ quan công tố, như một hình thức xác định sự công bằng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Đặc biệt, tại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, lần đầu tiên Hội đồng xét xử đã triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ các nội dung về trình tự, thủ tục tố tụng trong vụ án. Cụ thể, trong cáo trạng vụ án có nêu quá trình điều tra, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn bỏ trốn, gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra nên cần xem xét là những tình tiết "để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc". Tại phiên làm việc ngày 10/1, cho rằng nhận định bị cáo Trịnh Xuân Thanh "không thành khẩn khai báo" của cơ quan điều tra ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ, luật sư của bị cáo này đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập điều tra viên đến tòa. Chấp thuận lời đề nghị này của luật sư, ngay sau đó, Hội đồng xét xử đã triệu tập điều tra viên tới phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Đây là một trong những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (quy định tại Điều 296) mà Bộ luật Tố tụng hình sự trước đó không quy định. Áp dụng các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã được tiến hành theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, công tâm, khách quan, dân chủ, tôn trọng quyền con người, đảm bảo tối đa nguyên tắc “suy đoán vô tội” cho các bị cáo. |