Hãng sản xuất phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong" bị khởi kiện

Đoàn Nga| 11/02/2015 19:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cho rằng chi tiết Bác Hồ rút chiếc khăn mặt trên dây phơi làm ám hiệu khi có báo động là dựa trên chi tiết trong tác phẩm “Vụ án ở Hồng Kong năm 1931” của mình mà hãng phim Hội nhà văn Việt Nam không xin phép nên ông Khoan đã khởi kiện.

TAND thành phố Hà Nội vừa tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Khoan (ở quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) đối với Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam.

Ông Khoan khởi kiện Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam liên quan đến bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong” do hãng phim này sản xuất.

Bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong” được hãng phim Hội nhà văn Việt Nam sản xuất, kịch bản do nhà văn Hữu Mai viết. Nội dung bộ phim kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở Hồng Kong.

Trong phim có tình tiết Bác Hồ rút chiếc khăn mặt trên dây phơi làm ám hiệu khi có báo động. Theo đơn khởi kiện của ông  Khoan, tình tiết chiếc khăn mặt có trong tác phẩm “Vụ án ở Hồng Kong năm 1931” do ông là tác giả.

Ông Hữu Mai viết cuốn sách “Người của muôn nhà”, sau đó Hãng phim Hội Nhà Văn Việt Nam hợp tác với ông Hữu Mai sản xuất phim có sử dụng tình tiết này mà không xin phép, không trả thù lao cho ông Khoan, không đưa tên ông vào nguồn tư liệu kịch bản.

Ông Khoan khởi kiện yêu cầu giám đốc hãng phim Hội nhà văn Việt Nam phải thừa nhận bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong” đã sử dụng tư liệu trong cuốn sách của ông. Ngoài ra, ông còn yêu cầu hãng phim Hội nhà văn Việt Nam phải bồi thường số tiền tổn thất tượng trưng là 1,5 triệu đồng.

Hãng sản xuất phim

Đơn kiện của ông Nguyễn Văn Khoan

Theo đại diện ủy quyền của ông Nguyễn Văn Khoan cho rằng chi tiết Bác Hồ sử dụng chiếc khăn mặt là chi tiết có thật trong lịch sử. Chỉ có ông Khoan sử dụng tình tiết này trong tác phẩm của mình chứ trước đó, chưa có tác phẩm nào đăng tải chi tiết này.

Không đồng tình với ý kiến nêu trên, đại diện Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam cho rằng chi tiết chiếc khăn mặt là tư liệu lịch sử, nhà văn Hữu Mai có thể nghe từ nhiều nguồn khác nhau chứ không sử dụng trong cuốn sách của ông Khoan.

Nếu ông Khoan chứng minh được rằng chi tiết chiếc khăn mặt do ông Khoan hư cấu, không có trong lịch sử thì mới có thể khẳng định ông Hữu Mai đã lấy cắp ý tưởng của ông Khoan.

Theo HĐXX, năm 1999, nhà văn Hữu Mai viết tác phẩm “Người của muôn nhà” và đã được cấp quyền sỡ hữu tác phẩm. Năm 2000, Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam và nhà văn Hữu Mai đã hợp tác sản xuất bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong” và công chiếu năm 2003. Bộ phim đã được các cơ quan nhà nước cấp phép.

Trong bộ phim, tình tiết Bác Hồ rút chiếc khăn mặt khỏi dây phơi khi có báo động, tức trên dây phơi không còn chiếc khăn mặt. Còn trong tác phẩm của ông Khoan, khi có báo động, Bác Hồ không rút chiếc khăn ra khỏi dây phơi mà chỉ dịch qua một bên.

Hai tác phẩm thể hiện hai cách sử dụng khác nhau. Vì vậy, không có cơ sở cho rằng ông Hữu Mai đã sử dụng ý tưởng trong tác phẩm của ông Khoan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãng sản xuất phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong" bị khởi kiện