Trong phiên xét xử giám đốc thẩm sáng 7/5, Hội đồng Thẩm phán TANDTC tập trung làm rõ nội dung kháng nghị của VKSNDTC về mâu thuẫn thời gian, quãng đường Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi và việc tại sao lại rút lời khai ban đầu của anh Đinh Vũ Thường.
Những nội dung trên nhằm đánh giá việc Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường thời điểm xảy ra vụ án mạng xảy ra hay là một người nào khác?
Tính toán khoa học để xác định thời gian
Sau khi Thư ký phiên toà đọc lại kháng nghị của VKSNDTC, Chủ toạ phiên toà cho biết VKSNDTC thay đổi cách dùng từ "xác định thời gian", thay vì thể hiện chính xác thành “khoảng thời gian”.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình- Chủ tọa phiên tòa sáng ngày 7/5
Tiếp đó, các thành viên Hội đồng Thẩm phán đặt ra nhiều câu hỏi với VKSNDTC và Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An. Nội dung câu hỏi xoay quanh căn cứ tính toán, xác định thời gian của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long an và VKSNDTC.
Đại điện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long cho biết, để ra được con số thời gian như kết luận, Điều tra viên và Kiểm sát viên mỗi người đã sử dụng một chiếc xe máy và chạy theo đoạn đường như lời khai của Hồ Duy Hải, tổng chiều dài là 7,5km, đi theo vận tốc 40km/h mất khoảng 15 phút (trên lý thuyết khoảng 11 phút).
Kết hợp với thời gian Hồ Duy Hải thực hiện các thao tác như nói trên, cơ quan điều tra tính toán về toán học, kết luận điều tra khoảng 19 giờ 30 phút bị can Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi là có sở khoa học vững chắc.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cho biết còn dựa trên lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường, nhân chứng gián tiếp là chị Ngân (người bán hoa quả) để khẳng định khoảng 19 giờ 30 phút Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án.
Theo đó, anh Đinh Vũ Thường khai khoảng 19 giờ 39 phút 22 giây có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bàn salon bưu điện cùng một người phụ nữ. Mặc dù nhân chứng Đinh Vũ Thường không nhận biết được Hồ Duy Hải, nhưng lời khai có nhiều tình tiết rất đặc biệt, như: Người thanh niên mặc áo sọc trắng, cúi mặt, trên tay cầm, bấm một vật gì có ánh sáng (điện thoại); trong bưu điện có một chiếc xe dream, bên trái gương chiếu hậu gọng ngắn…
Còn nhân chứng Ngân cho biết, có một người phụ nữ làm ở bưu điện ra mua hoa quả. Người phụ nữ này nói bưu cục có khách và chính người khách này đã đưa tiền cho để mua hoa quả.
Đại điện cơ quan điều tra nhấn mạnh, lời khai của các nhân chứng hoàn toàn phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải. Việc đánh giá chứng cứ, xác định thời gian là hết sức quan trọng, chi tiết, tỉ mỉ, dựa trên nhiều yếu tố, không phải chỉ ngồi tính toán như VKSNDTC đưa ra.
Vì sao rút lời khai ban đầu nhân chứng ra khỏi hồ sơ vụ án?
Tiếp đó, đại diện Hội đồng Thẩm phán đặt câu hỏi: Cơ sở nào để Tòa vẫn tiến hành xét xử vụ án khi không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường? Việc vắng mặt Thường tại phiên tòa có ảnh hưởng đến kết quả xét xử không? Đây cũng là vấn đề mà luật sư Trần Hồng Phong đã nêu lên và nhấn mạnh là rất quan trọng.
Đại diện Tòa sơ thẩm lý giải, khi thẩm tra vụ án có lấy lời khai nhân chứng Thường. Nhân chứng này khai phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải và lời khai của các nhân chứng khác. Việc vắng mặt Thường không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án, vì đã có lời khai trong quá trình điều tra.
Đại diện VKSNDTC chất vấn: Có lời khai ban đầu của nhân chứng Thường, tại sao không đưa vào hồ sơ vụ án?
Đại diện Cơ quan điều tra tỉnh Long An phát biểu tại phiên tòa
Đại diện cơ quan điều tra cho biết, thời điểm đó chưa bắt được Hồ Duy Hải. Ngày 19/1/2008, cơ quan điều tra lấy lời khai lần đầu tiên với Vũ Đình Thường. Thường khai là người xuất hiện tại hiện trường vào tối xảy ra vụ án. Khi đó, cơ quan điều tra xác định làm việc với Thường với tư cách là đối tượng tình nghi trong vụ án. Trong quá trình làm việc đã tập trung làm rõ về thời gian có mặt, nhân thân, nhận dạng, sau đó lưu hồ sơ AK.
Tiếp đó, Hội đồng Thẩm phán tiếp tục đặt câu hỏi: Cơ quan điều tra có kiểm tra danh sách điện thoại của bưu điện Cầu Voi hay không? Làm thế nào để xác định được đối tượng tình nghi?
Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An cho biết, trong quá trình truy xét đã căn cứ dữ liệu bộ nhớ điện thoại của bưu điện Cầu Voi, vào lúc 11h25' ngày 13/1/2008, có số điện thoại là 0909015712 gọi vào số điện thoại bàn của bưu điện. Từ cuộc điện thoại này, Điều tra viên truy ra, xác minh được số điện thoại đó là của Hồ Duy Hải.
Tổng kết lại vấn đề này, Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đại diện VKSNDTC còn băn khoăn về việc tính toán xem thời gian đó Hải có mặt hay không có mặt ở hiện trường; căn cứ thời gian các hoạt động của Hải tối hôm đó chưa hợp lý.
Việc xác định hung thủ không chỉ chứng minh bằng thời gian, mà theo cơ quan điều tra giải trình, còn bằng những chứng cứ khác. Do vậy phải tổng hợp chứng cứ thì mới chứng minh được vấn đề này. Thứ nhất là dữ liệu điện thoại. Thứ hai là thực nghiệm điều tra về khoảng thời gian Hải có mặt tại hiện trường là phù hợp.
Thứ ba là nhận dạng trong lời khai của nhân chứng Thường chưa xác nhận chính xác thanh niên đó là Hải vì hai người này không biết nhau, không thể nhìn qua là nhận dạng được. Nhưng mô tả đặc điểm nhận dạng là tương đồng, đặc biệt có một chi tiết phù hợp lời khai của Hải là cầm điện thoại và anh Thường cũng nhìn thấy. Cùng với những tài liệu khác nữa đã khẳng định được Hải có mặt tại hiện trường thời điểm xảy ra vụ án.
Liên quan đến tài liệu luật sư Trần Hồng Phong cung cấp về lời khai của Vũ Đình Thường vào ngày 17/12/2011, Chủ tọa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị VKSNDTC đánh giá tính hợp pháp của văn bản này. Trước đó, luật sư Phong đề cập đến giấy xác nhận của nhân chứng Đinh Vũ Thường, trong đó nhân chứng khẳng định: Không được các cấp Tòa mời tham gia vụ án với tư cách nhân chứng. Trong khi đó, lời khai của Đinh Vũ Thường nói không nhận dạng được Hồ Duy Hải, nhưng trong cáo trạng nêu Thường đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại khu vực Bưu điện Cầu Voi buổi tối vụ án diễn ra. Theo đại diện VKSNDTC, tài liệu này phát sinh trong giai đoạn xét xử. Với phạm vi của xét xử giám đốc thẩm, không chỉ xem xét trong nội dung kháng nghị, mà còn đánh giá tất cả các vấn đề liên quan vụ án. Tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa cho rằng, chứng cứ này là bản photo, chưa có công chứng, không giám định chữ viết, chữ ký nên không đủ tin tưởng là chữ ký của ai. Nên không thể đưa ra để làm căn cứ xét xử được. Về mặt nội dung thì chứng cứ này không có gì mới so với nội dung kháng nghị của VKSNDTC. |