Bị cáo Đinh La Thăng: "Tôi không cố ý làm trái, không có tội"

Mạnh Hùng| 22/06/2018 17:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau phần luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo, chiều nay (22/6), phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án thiệt hại 800 tỷ đồng vốn góp của PVN vào OceanBank tiếp tục diễn ra ở phần tranh tụng.

Mở đầu phiên tòa chiều nay, trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Đinh La Thăng đã cho rằng, bị cáo không đồng tình với quan điểm của đại diện Viện KSND. Bị cáo Thăng nói: “Viện Kiểm sát đã nêu đều lặp lại ở phiên sơ thẩm, hoàn toàn thiếu căn cứ, mang tính quy chụp, không công bằng, không công tâm, không khách quan … và có thể nói là không có lương tâm”.

Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng đã đưa ra một số quan điểm, trong đó theo bị cáo để xem xét đánh giá vụ án, trước tiên phải xem xét điều kiện vụ việc cách đây 10 năm trong điều kiện kinh tế lúc đó.

Bị cáo Thăng nói: "Trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ xây dựng PVN, PVN được đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Do sự thay đổi chính sách nhằm đảm bảo kinh tế vĩ mô nên PVN đã dừng thành lập Ngân hàng; điều này dẫn tới hệ lụy, toàn bộ chi phí đầu tư để thành lập ngân hàng phải được xử lý, giải quyết. Với trách nhiệm người đứng đầu, tôi và HĐQT phải có trách nhiệm xử lý".

Bị cáo Đinh La Thăng:

Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa cho mình

Bị cáo Thăng giữ nguyên quan điểm tự bào chữa ở phiên sơ thẩm là việc PVN đầu tư vào OJB là đúng chủ trương, đúng pháp luật, được sự đồng ý của Thủ tướng bằng văn bản trước khi thực hiện. Ngay khi Chính phủ có Nghị định 09 trong đó có nội dung HĐQT được quyền quyết định đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhưng PVN vẫn làm văn bản xin phép Thủ tướng, được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.

Cũng theo bị cáo Thăng, việc đầu tư này hoàn toàn có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho PVN và đem lại lợi ích cho đất nước. Năm 2009 - 2013 đều được chia cổ tức. Đó là sự đầu tư đúng pháp luật và có hiệu quả; hoàn toàn không phải tiền ảo, đó là tiền thật được vào tài khoản của PVN.

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Thăng đề nghị VKS xem xét lại trách nhiệm của cá nhân. Bị cáo cho rằng đã chuyển công tác từ tháng 8/2011, khi đó, mọi việc đều tốt đẹp, cổ tức đầu tư vào Oceanbank được chia hết đến năm 2013. Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước vẫn đánh giá OJB là ngân hàng xếp loại A (loại tốt).

Bị cáo Đinh La Thăng:

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Bị cáo Đinh La Thăng nhấn mạnh về nguyên nhân mất vốn là do Ngân hàng Nhà nước mua OJB với giá 0 đồng. Vì vậy, theo bị cáo không ai cảnh báo OJB sẽ mất vốn trong thời gian tới. Bị cáo Thăng cho rằng, quan điểm của VKS là không có căn cứ, thiếu thực tế, bản thân không cố ý làm trái, không có tội và đề nghị HĐXX tuyên tôi vô tội.

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng việc chọn ngân hàng nhỏ để đầu tư góp vốn là chủ trương của cả HĐQT. Điều này thể hiện rõ trong danh sách các ngân hàng mà PVN đã bàn bạc, thỏa thuận góp vốn. Thực tế chỉ có thỏa thuận với ngân hàng nhỏ thì mới có thể đạt được yêu cầu của PVN là tiếp nhận cơ sở vật chất và con người hiện có của ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt để lại.

Theo luật sư Thiệp, tại thời điểm này, tuy OJB là một ngân hàng nhỏ nhưng không bị xếp hạng là ngân hàng yếu kém. Như vậy việc chọn ngân hàng nhỏ để góp vốn không phải là ý cá nhân của Đinh La Thăng.

Bị cáo Đinh La Thăng:

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng

Về việc góp vốn, luật sư Thiệp nêu rõ: Đinh La Thăng đã có báo cáo Thủ tướng tại văn bản xin thôi không thành lập Ngân hàng Hồng Việt mà chuyển sang góp vốn. Việc góp vốn vào ngân hàng là một trong các ngành nghề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 199 ngày 29.8.2006 và tại Điều lệ về tổ chức và hoạt động của PVN ban hành kèm theo Quyết định số 36 ngày 14.3.2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, luật sư Thiệp cũng cho rằng, việc tăng vốn điều lệ của OJB là do yêu cầu của hoạt động kinh doanh và cũng là yêu cầu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước. PVN là thành viên góp vốn, tất yếu phải có nghĩa vụ cùng thực hiện; việc tăng vốn theo đúng quy trình.

Ngày 20/5/2010, Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản số 100 gửi HĐQT PVN đề nghị chấp thuận tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng. Với sự thận trọng, Đinh La Thăng đã có bút phê, đồng ý tăng vốn nhưng cần có phương án cụ thể. Theo luật sư Thiệp, hành động của Đinh La Thăng là hoàn toàn đúng đắn.

Cũng trong phần bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX tuyên bố Đinh La Thăng không phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kính tế gây hậu quả nghiêm trọng vì chưa đủ căn cứ pháp lý.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, không có mối liên hệ nhân quả giữa các hành vi bị coi là cố ý làm trái với hậu quả thiệt hại xảy ra. Nguyên nhân PVN bị mất 800 tỷ đồng góp vốn tại OJB là do Ngân hàng Nhà nước quyết định bắt buộc mua 0 đồng với OJB.

Theo đó, luật sư Hoài đề nghị HĐXX không buộc Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự (600 tỷ đồng).

Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật thông tin diễn biến tại phiên tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Đinh La Thăng: "Tôi không cố ý làm trái, không có tội"