Hồ sơ Panama - tập hợp 11,5 triệu tài liệu mật từ Hãng luật Mossack Fonseca Panama do Liên đoàn Phóng viên Điều tra Quốc tế ICIJ công bố đã và đang làm nóng dư luận toàn thế giới đặc biệt là các nước có cá nhân và công ty được nhắc đến trong hồ sơ Panama

Mối nghi ngờ các hành vi rửa tiền, chuyển giá, trốn thuế và các hoạt động tín dụng đen khiến cơ quan chức năng của các nước đã lập tức vào cuộc. Việt Nam có tên cá nhân và công ty trong danh sách này.

Panama xa mà gần

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Duy Hưng và bà Đàm Bích Thủy (từ trái qua phải) đều khẳng định việc có tên trong Hồ sơ Panama do liên quan đến các hoạt động đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp đã hoặc đang quản lý.

Đã có 189 tổ chức, cá nhân tại Việt Nam được công bố liên quan đến Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu. Ơn giời, cho đến thời điểm này không có VIP nào và cũng không có nhân vật và công ty tầm cỡ mà “vua biết mặt, chúa biết tên” có mặt trong hồ sơ Panama. Hơn thế nữa, theo các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, những thông tin về các tổ chức, cá nhân trong Hồ sơ Panama đều có nguồn thu nhập chính đáng, với số lượng tiền gửi không nhiều.

Mặc dầu vậy, theo các chuyên gia ngân hàng tài chính, từ vụ 189 tổ chức cá nhân của Việt Nam nằm trong Hồ sơ Panama, tất cả các nước trong đó có Việt Nam đều có động thái xem xét lại chính sách thuế. Được biết, chẳng hạn ở Mỹ, từ năm 2003 đã đưa ra đạo luật FATCA tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ. Theo đó Mỹ yêu cầu các tổ chức định chế tài chính ở nước ngoài khi có người dân Mỹ mở tài khoản giao dịch thì phải khai báo với cơ quan Thuế của Mỹ, nếu không sẽ phải chịu chính sách phạt nặng hoặc cấm vận định chế tài chính này từ cơ quan thuế. Được biết, đã có một số ngân hàng lớn của Việt Nam đang tuân thủ luật FATCA của Mỹ khi thông báo với phía Mỹ khi có doanh nghiệp, công dân Mỹ mở tài khoản giao dịch tại các ngân hàng ở Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa, cách “quản“ của Mỹ đáng để chúng ta học hỏi áp dụng.

Nhân vụ hồ sơ Panama, các chuyên gia khuyến nghị cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các định chế tài chính với các cơ quan thuế. Theo đó, các khoản thu nhập lớn, bất ngờ cần được khai báo và minh bạch nguồn gốc. Điều này nhằm hạn chế được hiện tượng lách thuế. Đây cũng là cách thức phổ biến mà các nước đã và đang làm. 

Việt Nam không phải là ngoại lệ khi đã có các động thái thể hiện sự quan tâm đến hồ sơ Panama. Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục phòng chống tham thũng của Thanh tra Chính phủ cho rằng đây là kênh  thông tin tham khảo phục vụ công tác chống tham nhũng. Tổng cục Thuế thành lập một tổ đặc nhiệm chuyên trách nhằm rà soát hồ sơ thuế và báo cáo tài chính có liên quan của các cá nhân và doanh nghiệp có đăng ký hồ sơ mã số thuế tại nước ta mà có tên trong hồ sơ Panama.

Trong bối cảnh tự do hóa và toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, theo pháp luật hiện hành các doanh nghiệp Việt Nam thành lập cơ sở ở nước ngoài, thực hiện các giao dịch kinh tế tài chính với các đối tác nước ngoài là hoàn toàn bình thường và ngày càng gia tăng tần suất cùng giá trị nhằm tận dụng các lợi thế về chênh lệch thuế suất và các ưu đãi khác để có lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên các hoạt động này dễ trở thành phi pháp nếu các công ty đa quốc gia, các liên doanh hoặc cá nhân vận dụng nhiều cách thức luân chuyển dòng vốn zích zắc qua nhiều công đoạn, nhiều quốc gia và qua các công ty “ma”, nhất là các công ty được thành lập tại các thiên đường thuế, kê khai hạch toán gian dối nhằm trốn thuế ở chính quốc. Dòng vốn “bẩn” được đầu tư hoăc luân chuyển mờ ám … gây méo mó thị trường, góp phần gia tăng cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và doanh nghiêp khác.

Hãy còn quá sớm để đưa ra “phán quyết” về có hay không có “rửa tiền”, “lách thuế” của các cá nhân và doanh nghiệp ta có tên trong hồ sơ này! Tuy nhiên, câu nói bất hủ của J. Phu xich cách nay 80 năm: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác” vẫn còn nguyên giá trị!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Panama xa mà gần