Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên có những phát ngôn bị cho là “điên rồ” về truyền thông Mỹ, nhưng thực ra ông đang có những chiến lược truyền thông rất rành mạch và khôn ngoan.
Thật lạ khi truyền thông mỹ lại đang “mang ơn” một người luôn tỏ ra nghi ngờ về các nhà báo và cáo buộc nhiều tờ báo đưa tin giả mạo. Nhưng đó là sự thật.
Với nhiều người, thì Tổng thống Trump là người không hề có chiến lược truyền thông bài bản mà chỉ có những tuyên bố “điên rồ và vớ vẩn”. Tuy nhiên, BBC cho rằng, tất cả những tuyên bố đó đều nằm trong chủ đích của ông Trump. Và chúng được thể hiện rất rõ qua 2 nguyên tắc.
Theo BBC, chiến lược với truyền thông được thể hiện rõ nhất của ông Trump là đánh lạc hướng theo kiểu “vất con mèo chết lên bàn” (A dead cat on a table). Kĩ thuật này rất đơn giản. Đó là khi bạn và tôi đang nói chuyện, đột nhiên có ai đó ném một con mèo chết lên bàn. Khi đó, chúng ta sẽ ngừng câu chuyện mà chúng ta đang nói. Thay vào đó, chúng ta sẽ nói về con mèo chết vừa bị ném ra bàn.
Và ví dụ điển hình nhất cho cái gọi “con mèo chết” đó là việc ông Trump tuyên bố đã bị ông Obama nghe lén. Sau khi tuyên bố đó được đưa ra, truyền thông xôn xao cho rằng ông Trump thiếu bằng chứng. Ngay sau đó, cáo buộc của ông Trump cũng xuất hiện tràn lan trên các tờ báo.
Lúc này, sẽ chẳng còn mấy tờ báo quan tâm đến những câu chuyện bất lợi khác cho ông Trump như câu chuyện về mối quan hệ giữa ông Trump với Nga nữa. Mà chỉ tập trung vào vấn đề liệu có phải ông Obama đã nghe lén hay không?
Ông Trump chuyển từ “kẻ thù” thành “vị cứu tinh” của giới truyền thông
Nguyên tắc thứ 2 là ông Trump đã sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp trực tiếp tới người dân Mỹ, không cần qua báo chí, đặc biệt là khi ông cho rằng nhiều hãng tin lớn của Mỹ đang đưa tin không công bằng về ông.
Có lẽ ông Trump đã nghĩ rằng, tại sao phải trả lời phỏng vấn một đối tượng có định kiến với mình trong khi mình có tới 26,3 triệu người theo dõi trên Twitter và hơn 20 triệu người theo dõi trên Facebook.
Cũng theo BBC, ông Trump thực chất là đang giúp tăng lượng người đăng kí, lượng truy cập hay doanh thu cho đủ các loại ấn phẩm truyền thông như báo in, truyền hình, đài phát thanh hay các trang tin ở Mỹ.
Trước đó, cũng đã có quan điểm cho rằng, nhiều hãng tin, tờ báo đang bước vào thời kỳ “hái ra tiền” khi được ông Trump mắng chửi.
Dù vô tình hay cố ý thì những tuyên bố và hành động của ông Trump cũng đang đem lại lợi ích cho truyền thông Mỹ. Bởi vậy, biết đâu, đến một lúc nào đó, những hãng tin, tờ báo bị ông chỉ trích lại quay sang yêu mến ông.
Ví dụ điển hình cho mối tương tác trên là số lượng người đăng kí đọc The New York Times đang tăng mạnh khi ông Trump liên tục chỉ trích tờ này.
So với cùng kì năm ngoái, doanh thu thuần của The New York Times tăng tới vài triệu USD. Tờ báo này có thể vẫn phát triển nếu ông Trump không tranh cử và đắc cử Tổng thống Mỹ, nhưng với tốc độ trên thì không còn cách giải thích nào khác ngoài sự xuất hiện của ông Trump.
Dean Baquet, Tổng biên tập của tờ The New York Times cho biết, ông Trump đã giúp tờ này "vạch rõ nhiệm vụ của mình". Ông khẳng định thêm, sau một thập kỉ tự vấn lương tâm, truyền thông đã nhận ra rằng, nhiệm vụ mới của nó hóa ra lại tương tự như nhiệm vụ cũ. Đó là: đào sâu, tìm tòi và đưa tin công bằng.
Cũng từ đây, một câu hỏi đã được đạt ra là liệu giữa ông Trump với giới truyền thông có thỏa thuận ngầm hay không? Và ông Mark Thompson, cựu Tổng giám đốc của BBC hiện đang là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tờ The New York Times cho hay, ông không nghĩ The New York Times sẽ hợp tác với ông Trump nhưng nhờ những phát ngôn của ông Trump, số lượng độc giả sẵn sàng trả tiền để đọc The New York Times đang tăng mạnh.
Và cũng theo Mark Thompson, có thể ông Trump đang là “vị cứu tinh”, chứ không phải là kẻ thù của truyền thông.