Trải qua gần 25 năm công tác, gắn bó với Tòa án, dù ở bất kỳ cương vị nào, Thẩm phán Bùi Thị Thảo cũng luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của TAND tỉnh Ninh Bình.
Tận tâm với nghề
Trong những ngày đầu tháng 3, có dịp trò chuyện với Thẩm phán Bùi Thị Thảo – Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Ninh Bình, chúng tôi vô cùng ấn tượng với chị bởi vẻ ngoài xinh đẹp, nữ tính nhưng vẫn toát lên sự cương nghị, bản lĩnh của một người Thẩm phán.
Kể về ngày mới bước chân vào Tòa án, chị Bùi Thị Thảo bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm trong nghề. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật tại Hà Nội, chị Thảo được tuyển dụng làm thư ký Tòa Hình sự TAND tỉnh Ninh Bình vào tháng 12/1999. Hồi đó, phương tiện đi lại khó khăn, ngày nào chị cũng phải đạp xe hàng chục cây số từ nhà đến nơi làm việc. Công việc thì nhiều, lương lại thấp nhưng chị vẫn cố gắng bám trụ, theo đuổi nghề mà mình đam mê.
Một năm sau, chị Thảo lập gia đình. Khó khăn chồng chất khó khăn khi cùng lúc chị vừa chăm con nhỏ lại vừa dành thời gian học nhiều lớp nghiệp vụ. Bên cạnh đó, chị còn nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do cơ quan và địa phương tổ chức. Tuy nhiên, với sức trẻ, sự nhiết huyết và tinh thần ham học hỏi, chị vẫn đảm đương vai trò của người phụ nữ trong gia đình và hoàn thành tốt mọi công việc cơ quan giao phó.
Thẩm phán Bùi Thị Thảo là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của TAND tỉnh Ninh Bình.
Đầu năm 2008, chị Bùi Thị Thảo được bổ nhiệm về làm Thẩm phán TAND TP Ninh Bình. Tháng 2/2016, chị giữ chức vụ Phó Chánh án TAND huyện Hoa Lư. Đến tháng 4/2018, chị làm Phó Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Ninh Bình rồi được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Tòa Hình sự vào tháng 7/2019.
Kể từ khi được bổ nhiệm Thẩm phán đến nay đã là 17 năm, chị Bùi Thị Thảo đã giải quyết khoảng hơn 650 vụ việc, với hàng trăm bản án được tuyên theo đúng pháp luật.
Riêng trong năm 2022, chị Thảo được phân công giải quyết 33 vụ án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm, tham gia xét xử 36 vụ án hình sự, trong đó làm Chủ tọa 13 vụ án hình sự sơ thẩm và 20 vụ án phúc thẩm; tham gia HĐXX sơ thẩm 4 vụ và phúc thẩm 32 vụ; đã giải quyết 33/33 vụ, đạt tỷ lệ 100%.
Cũng trong năm 2022, Thẩm phán Bùi Thị Thảo cùng tập thể lãnh đạo Tòa Hình sự giải quyết 130/130 vụ án với 244/244 bị cáo, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó 38 vụ án hình sự sơ thẩm với 135 bị cáo, 82 vụ án phúc thẩm với 109 bị cáo. Các vụ án đã xét xử đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Thẩm phán Bùi Thị Thảo chia sẻ: “Để đưa ra được phán quyết cuối cùng của một vụ án là bao tâm huyết, băn khoăn, trăn trở của người Chủ tọa phiên tòa, phải làm sao cho công tâm, vô tư và đúng pháp luật. Tính chất, thủ đoạn phạm tội của tội phạm ngày càng tinh vi, có nhiều bị cáo tham gia. Do vậy, trên cương vị người thẩm phán, tôi phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phải rèn cho mình một tinh thần thép. Bên cạnh đó, trong quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Chủ tọa cũng phải biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của những người tham gia tố tụng để giải quyết vụ việc một cách công minh, khách quan, đúng pháp luật”.
Thế nhưng đằng sau mỗi bản án lại là những khoảng lặng, có những lúc Thẩm phán luôn bị ám ánh với những tình tiết phức tạp, hành vi phạm tội giết người một cách man rợ của các bị cáo.
“Đến bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn bị ám ảnh về vụ chồng giết vợ đang mang thai xảy ra tại huyện Gia Viễn vào thời điểm năm 2018. Trong cuộc sống thường ngày, bị cáo và vợ thường xảy ra mâu thuẫn. Bị cáo thường xuyên đánh đập vợ. Đến khi vợ bỏ về nhà bố mẹ đẻ, thuyết phục vợ về nhà mình không được, bị cáo đã bực tức xông đến bóp cổ, sau đó dùng dây buộc rèm, dây sạc điện thoại thắt cổ vợ cho đến chết.
Đau xót biết bao khi lúc đó người vợ đang mang thai 7 tháng. Cùng một lúc kẻ làm chồng, sắp lên chức bố nhẫn tâm ra tay sát hại cả hai sinh mạng. Bị cáo đã bị trừng phạt bằng bản án thích đáng, thế nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ đối với gia đình nạn nhân. Xung đột trong gia đình có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho dù bắt nguồn từ nhiều vấn đề nhưng vẫn có cách giải quyết là sự thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng. Mỗi người phải biết tôn trọng tính mạng, thân thể, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của người khác. Bất kỳ ai thực hiện hành vi phạm tội đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, chị Thảo tâm sự.
Thẩm phán mẫu mực, tiêu biểu
Ngoài công việc chuyên môn, chị Bùi Thị Thảo còn là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tòa án (phụ trách tuyên giáo), Bí thư Chi bộ Tòa Hình sự, Ủy viên Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ TAND tỉnh Ninh Bình. Chị luôn động viên các cán bộ nữ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho chị em rèn luyện, thử thách qua công tác, trong cuộc sống và trong sinh hoạt hằng ngày.
HĐXX sơ thẩm do Thẩm phẩn Bùi Thị Thảo làm Chủ tọa phiên tòa
Nhận xét về Thẩm phán Bùi Thị Thảo, ông Vũ Hồng Việt – Chánh Văn phòng TAND tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chị Bùi Thị Thảo là một Thẩm phán có năng lực, trình độ và rất có tâm huyết với nghề. Mặc dù là phụ nữ, nhưng Thẩm phán Thảo luôn nỗ lực, cống hiến hết mình với công việc, các vụ án được giao đều được giải quyết trong hạn luật định, đúng quy định pháp luật, không có án bị huỷ, cải sửa do lỗi chủ quan. Năm 2020, Thẩm phán Bùi Thị Thảo vinh dự nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; vào năm 2021, nhận được danh hiệu Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân (giai đoạn 2019-2021)".
Bên cạnh công tác chuyên môn, Thẩm phán Bùi Thị Thảo còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng, hoạt động phong trào ở cơ quan cũng như tại địa phương. Chị thường xuyên có những đóng góp tích cực trong các phong trào, hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao của cơ quan, khuyến khích, cổ vũ, động viên kịp thời toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các hoạt động thi đua yêu nước.