Nhiều nữ Thẩm phán đã trăn trở, thao thức, dành hết tâm lực, trí tuệ để góp phần gìn giữ sự bình yên cho các bản làng.
Tôi đã từng đến nhiều Tòa án ở vùng cao biên giới, gặp nhiều nữ Thẩm phán hết lòng với đồng bào. Họ không chỉ làm công việc xét xử được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mà còn trăn trở, thao thức, dành hết tâm lực, trí tuệ của mình để góp phần gìn giữ sự bình yên cho các bản làng.
Ấm áp tình người
Từ xưa đến nay, Điện Biên luôn là điểm nóng về ma túy. Có nhiều bản, nhiều làng ở mảnh đất nằm tận cùng cực tây Tổ quốc này mà chỉ cần gọi tên đã gợi lên cho người ta những ký ức, kỷ lục đau buồn. Trong cuộc mưu sinh nghiệt ngã, đã có rất nhiều đồng bào vì thiếu hiểu biết pháp luật mà để “cơn bão trắng” cuốn đi. Con mất cha, vợ mất chồng, bản làng tiêu điều xơ xác. Bên cạnh đó, cũng còn không ít gia đình phải lâm vào cảnh ly tán, đảo điên vì những hủ tục như tảo hôn, đa thê hay ma tà, bùa ngải.
Chị Dua trong một buổi đi tuyên truyền pháp luật
“Ở một số bản làng vùng sâu, vùng xa của Tuần Giáo, trình độ hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Trong mấy năm gần đây, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của các cơ quan ban ngành từ huyện đến tỉnh đã và đang cố gắng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để góp phần xóa đi những phong tục, tập quán, những suy nghĩ mê muội, tăm tối đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào. Thế nhưng, thảng hoặc người ta vẫn phải chứng kiến những vụ án đáng tiếc xảy ra bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Những vụ án kiểu này thường tạo cho những người thực thi pháp luật như chúng tôi rất nhiều trăn trở, tiếc nuối, đớn đau”, chị Nguyễn Thị Thương, nguyên Chánh án TAND huyện Tuần Giáo, Điện Biên chia sẻ.
Đến giờ, chị Thương vẫn nhớ như in phiên tòa xét xử bị cáo Sùng Thị Sùa ở Quài Cang về tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Chồng Sùa nghiện, quanh năm suốt tháng không chịu làm ăn, chỉ lo trộm cắp vặt để chích hút. Đồ đạc trong nhà từ thóc gạo, xoong nồi đến con trâu cày cũng lần lượt bị y đem bán hết để lấy tiền mua ma túy. Xót của, Sùa lần tìm được chỗ ma túy chồng cất giấu, mang “bán bớt” đi một tí gọi là “thu hồi” được đồng nào hay đồng ấy để mua gạo cho con. Trong lúc đem bán, Sùa bị bắt.
Phiên tòa xét xử diễn ra, hàng trăm con mắt ái ngại đổ về phía người đàn bà gầy guộc, lam lũ, chỉ vì nông nổi, thiếu hiểu biết pháp luật mà xảy ra cơ sự. Hai bố mẹ đi tù, ba đứa con Sùa vẫn lơ ngơ chơi ngoài sân tòa án. Chúng quá bé nhỏ để hiểu được khái niệm “đi tù” là gì, và chúng cũng không nhìn thấy được những tháng ngày cơ cực đang chờ đợi mình phía trước. Khi được mọi người hỏi han, đứa lớn nhất chỉ lí nhí trả lời: “Mẹ hứa mua cho cháu váy mới mà mãi chưa thấy…!”. Chứng kiến cái bi kịch của gia đình này, cộng với sự ngô nghê, trong trẻo của đứa trẻ, đã làm lay động toàn bộ những người có mặt trong phiên tòa hôm đó.
Chị Thương kể: “Cả ba đứa trẻ con Sùa đều gầy gò, đen đúa, quần áo rách bươm. Từ ngày mẹ bị bắt, chúng sống vạ vật nhờ bà con hàng xóm, bữa đói nhiều hơn bữa no. Kết thúc phiên tòa hôm ấy, mấy anh chị em trong cơ quan mỗi người góp một ít tiền và quần áo để cho lũ trẻ. Sau đó tôi còn liên hệ với chính quyền xã và một số cơ quan đoàn thể để tìm cách hỗ trợ lũ trẻ về lâu dài”. Chính vì luôn có sự tận tâm như thế, nên đối với nhiều gia đình ở Tuần Giáo, họ xem chị Thương chả khác gì người thân trong gia đình. Chị bảo, được đồng bào tin yêu, quý trọng, đó là cái được lớn nhất trong cuộc đời làm Thẩm phán của mình.
Thao thức với vùng cao
Không chỉ được biết đến như là một “điểm nóng” về ma túy của cả nước, ở Điện Biên còn có không ít gia đình phải lâm vào cảnh ly tán, đảo điên vì những hủ tục như tảo hôn, đa thê hay ma tà, bùa ngải. Vậy làm sao để giảm bớt những nỗi đau, làm thế nào để hàn gắn được những cặp vợ chồng đang sắp sửa chia li? Câu hỏi ấy luôn day dứt chị Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Điện Biên Đông, trong suốt nhiều năm.
Chị Ngân bảo, cái khó nhất của người cán bộ Tòa án vùng cao là phải cố gắng để làm sao vừa giữ được sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật, vừa giữ được sự tin yêu, nể phục của đồng bào. Muốn làm được như thế thì những người cán bộ như chị phải thường xuyên lăn lộn xuống địa bàn, tích cực tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật đến mỗi người dân.
Hơn nữa, do được phân công trực tiếp giải quyết các vụ án dân sự và hôn nhân gia đình nên chị Ngân luôn chú trọng, đề cao việc chủ động đi sâu, đi sát xuống địa bàn để nắm được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Bởi theo chị, do Điện Biên Đông là huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức về pháp luật của đồng bào còn rất nhiều hạn chế, nên nhiều khi những mâu thuẫn phát sinh từ lý do rất đơn thuần. Vậy nên, ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, chị luôn trăn trở với suy nghĩ là làm sao phải tìm cho được nguyên nhân chủ yếu phát sinh mâu thuẫn để kịp thời vận động, thuyết phục và hòa giải.
Chị Ngân chia sẻ: “Các vụ án dân sự và hôn nhân gia đình thường phức tạp, nó đòi hỏi không chỉ giải quyết công bằng hay thấu đáo mà phải hợp lý, hợp tình. Nhất là vùng cao, do ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa cộng đồng làng xã nên người ta rất xem trọng chữ Tình. Vậy nên, trong các vụ án này, nhiều khi cái Tình cũng phải giải quyết cho ổn thỏa, nếu không những dư âm hay ảnh hưởng về sau này sẽ rất lớn. Đôi khi, tôi thấy mình giống như một hòa giải viên”.
Đến giờ, chị Ngân vẫn còn nhớ lần mình được giao thụ lý một vụ ly hôn ở xã Pú Nhi. Hạnh phúc của cặp vợ chồng người Mông đó đứng trước nguy cơ tan vỡ chỉ vì sự “say nắng” của người chồng. Sau khi tìm hiểu nguồn cơn sự việc, chị quyết tâm gặp cho kỳ được người chồng để làm công tác vận động. Biết trước thời tiết miền núi mưa nắng thất thường nên chị chủ động đi rất sớm, nào ngờ mới được nửa đường thì sấm chớp đì đùng, rồi mưa kéo về xối xả. Đường sạt lở, xung quanh lại không hề có nhà dân để xin trú ngụ, một mình giữa hoang vu chín suối mười đèo, chị khóc.
Chị Nguyễn Thị Thương: “Mình làm được cái gì cho đồng bào thì cố làm thôi”
Đã mấy lần chị Ngân định quay về, thế nhưng khi nghĩ đến cảnh 6 đứa trẻ của cặp vợ chồng ấy sẽ phải “tan đàn, xẻ nghé” vì bố mẹ ly hôn, chị lại quyết tâm đi tiếp. Vừa đi vừa đẩy xe, phải gần 7 giờ tối mới đến nơi. Ban đầu, anh chồng nhất định không đồng ý hòa giải, kiên quyết xin tòa xử cho được ly hôn. Song, bằng lý lẽ lúc mềm mỏng, lúc cứng rắn, chị đã thuyết phục được anh ta quay về với vợ. Đêm đó, chị Ngân đã phải ngủ nhờ ở nhà một người quen trong bản…
“Giờ thỉnh thoảng vợ chồng ấy gặp tôi, chỉ cười ngượng ngịu: “Cảm ơn cán bộ, nhờ có cán bộ mà bọn mình không bỏ nhau, không đi lấy chồng/vợ mới”. Nhìn họ quây quần, ríu rít như thế, mình cũng vui lây”, chị Ngân tâm sự.
Trăn trở với đồng bào
“Đồng bào khổ quá. Nghèo ăn, nghèo cả chữ. Kẻ xấu mang tiền ra để dụ dỗ, lừa phỉnh thế là lao đầu vào con đường phạm tội. Nhìn những thanh niên người Mông, người Thái vì thiếu hiểu biết mà đổ đời vào ma túy thì mình phải nghĩ ra cách gì đó để cứu họ, để “đánh thức” họ chứ? Chẳng lẽ để họ chìm lút trong u mê, lầm lạc mãi như thế hay sao?”, Thẩm phán Vàng Thị Dua, Phó Chánh án TAND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, trăn trở.
Cũng chính vì cái khát vọng muốn “đánh thức”, muốn xua đi những phong tục tập quán, những thói quen cổ hủ, lạc hậu, u tối, mê muội của đồng bào từ thưở hồng hoang, sau nhiều đêm suy nghĩ, chị Dua quyết định phải làm một điều gì đó cho quê hương, dù nhỏ thôi cũng được. Thế là mỗi lần chính quyền, hoặc các cơ quan đoàn thể của địa phương tổ chức các chuyến đi tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng sâu vùng xa, chị đều “nằn nì” xin đi cho bằng được.
“Đường đi khó đâu chỉ vì ngăn sông cách núi. Mà chỉ sợ lòng người ngại núi e sông”. Tính đến giờ, sau hơn 25 công tác, chị Dua đã tham gia khoảng trên 200 buổi tuyên truyền lớn nhỏ với hàng ngàn lượt người nghe. Bàn chân của nữ Thẩm phán người Mông này đã đặt lên hầu khắp các bản làng, từ Mường Lay cho đến Mường Nhé, Nậm Pồ. Có đợt cao điểm phòng chống ma túy, chị còn “xắn quần, xắn áo” cùng với lực lượng chức năng của tỉnh, của huyện băng rừng lội suối đi tìm phá những nương thuốc phiện rực rỡ, mênh mông. Phá xong, anh em lại dốc ngược mình leo núi quay về bản, vào từng gia đình, vận động họ nói “không” với ma túy; rồi gặp từng “con nghiện”, khuyên nhủ họ đi cai.
Còn nhớ đợt đầu năm 2011, một số đồng bào người Mông ở Huổi Khon, Mường Nhé nghe theo lời của kẻ xấu đứng lên tụ tập, biểu tình chống phá chính quyền, đòi thành lập quốc gia riêng. Sự kiện đó làm chấn động cả nước. Ròng rã hàng tháng trời sau đó, chị Dua cùng các cán bộ từ Trung ương đến địa phương kiên trì “3 bám, 4 cùng” với đồng bào để làm công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục. Với những hiểu biết và kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều năm làm công tác trong ngành Tòa án, nữ Thẩm phán Vàng Thị Dua đã góp phần không nhỏ trong việc vỗ yên lòng dân, khiến họ không còn bị lung lạc bởi những luận điệu sai trái, trở về với cuộc sống đời thường. Kể từ đó đến nay, Huổi Khon đã yên bình...
Thật khó để có thể tính hết được những khó khăn mà chị Thương, chị Ngân, chị Dua hay nhiều nữ Thẩm phán khác ở vùng cao đã phải vượt qua và càng khó để đong đếm được công sức chị đã bỏ ra trong suốt quá trình công tác. Cấp trên ghi nhận, đồng nghiệp nể phục, bằng khen, giấy khen xếp đầy ngăn tủ, song có lẽ cái được lớn nhất đối với các chị là sự yêu mến, tin tưởng của người dân. Bởi đối với đồng bào, họ trân quý lắm những tấm lòng biết nghĩ cho đồng bào mình thật nhiều và thật ấm như thế.