Nhiều năm liền, tập thể TAND TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang được Chánh án TANDTC tặng Cờ Thi đua của hệ thống TAND cùng nhiều danh hiệu thi đua cao quý khác. Có được những thành tích nêu trên, không thể không kể đến vai trò của nữ Thẩm phán Lư Thị Châu Ngọc.
Theo chị Ngọc, từ 1/10/2012 đến khi tham dự kỳ thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi” (31/3/2016) chị đã trực tiếp giải quyết, xét xử 274 vụ án; bình quân giải quyết 6,52 vụ/tháng (bình quân mỗi Thẩm phán ở đây giải quyết 4,69 vụ/ tháng), không có vụ, việc nào bị hủy.
Để làm được điều đó, các vụ án được phân công xét xử, chị luôn giải quyết đảm bảo công bằng, đúng quy định của pháp luật, không để tình trạng oan sai, lọt người, lọt tội, không có vụ án nào bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy do lỗi chủ quan, không có vụ án để quá hạn luật định. Bên cạnh đó, không có bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, khó thi hành, các bản án hình sự áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo cho các bị cáo đều đảm bảo đúng quy định. Tỷ lệ giải quyết các vụ án hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Ngọc luôn tâm niệm, Thẩm phán là một nghề cao quý nên bản thân luôn trân trọng nghề nghiệp của mình, thường xuyên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghiêm túc thực hiện các quy tắc ứng xử của Tòa án. Bên cạnh đó, chị Ngọc cho rằng, sự phối hợp giữa Thẩm phán và Thư ký trong công tác giải quyết án là một trong những nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ giải quyết án. Không những thế, giai đoạn hiện nay, Thẩm phán phải khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết án.
Trong công tác giải quyết án, chị Ngọc luôn chú trọng đến công tác hòa giải, luôn quan tâm lắng nghe ý kiến trình bày của các đương sự, tạo điều kiện cho đương sự trình bày những bức xúc, những mâu thuẫn của các bên và vận dụng những quy định của pháp luật để đương sự thấy được những vi phạm của mình. Từ đó, có cơ sở để các đương sự tự hòa giải với nhau. Chị Ngọc bộc bạch.
Thẩm phán Lư Thị Châu Ngọc
Cũng theo chị Ngọc, Châu Đốc là một đơn vị TAND thuộc vùng biên giới, phức tạp, đặc biệt các tệ nạn xã hội nhất là nạn ma túy xảy ra thường xuyên. Vì thế, với nhiệm vụ được giao làm công tác xét xử các loại án, nếu không nắm chắc các cơ sở pháp lý và có những giải pháp hữu hiệu thì sẽ không đảm bảo được tiến độ và chất lượng công tác giải quyết án. Chính vì vậy ngay từ đầu năm, chị luôn đề ra các kế hoạch, biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án mà vẫn đảm bảo chất lượng và đúng thủ tục luật định. Trong quá trình giải quyết đều quán triệt và tuân thủ nguyên tắc “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nói riêng, nền pháp chế xã hội chủ nghĩa nói chung được đặt lên hàng đầu.
Nói về phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án, chị Ngọc cho rằng, đối với án hình sự phải nghiên cứu thủ tục tố tụng trước, sau đó mới nghiên cứu phần nội dung, quá trình nghiên cứu có ghi chép lại những nội dung quan trọng. Cần lưu ý, những vụ án phức tạp thì chủ động đề xuất lãnh đạo đưa ra tập thể trao đổi, nếu vụ án có nhiều quan điểm khác nhau thì tham khảo ý kiến của cấp trên để tìm ra hướng giải quyết đúng đắn nhất. Về kỹ năng điều khiển phiên tòa, chị tâm niệm Thẩm phán phải luôn điềm tĩnh, nghiêm trang, linh động xử lý tình huống. Những vụ án hình sự có phần bồi thường thì giải thích tạo điều kiện và cơ hội để bị cáo, bị hại thỏa thuận bồi thường, luôn đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa để xác định sự thật của vụ án.
Qua nhiều năm xét xử, Thẩm phán Ngọc nhận thấy, nhiều tranh chấp phát sinh từ sự thiếu hiểu biết pháp luật cũng như sự thiếu thông cảm lẫn nhau giữa người dân. Vì thế, khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị rất chú trọng đến công tác giải thích pháp luật, công tác hòa giải và coi đây là một biện pháp quan trọng để thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong đơn vị. Việc phân tích, giải thích pháp luật cho đương sự được thực hiện ngay từ giai đoạn xử lý đơn và xuyên suốt quá trình tố tụng.
Phương châm của chị Ngọc đối với mỗi Thẩm phán là: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Cũng theo chị Ngọc, nhiều đương sự sau khi được Tòa án kiên trì phân tích, giải thích pháp luật đã tự nguyện rút đơn hoặc tự hòa giải với nhau. Có lẽ đây là phương pháp giải quyết án nhanh chóng, hiệu quả mà vẫn giữ được hòa khí giữa các bên đương sự. Do đó, hòa giải có thể được tiến hành nhiều lần nếu Thẩm phán nhận thấy có khả năng các bên đạt được thỏa thuận, cố gắng tạo sự thông cảm, hiểu biết giữa các bên thông qua việc giải thích thấu tình đạt lý, chị Ngọc khẳng định.
Với những tâm niệm và nỗ lực đó, từ năm 2012 đến 2015, năm nào chị Ngọc cũng đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Bằng khen, Giấy khen của Chánh án TANDTC và Chánh án TAND tỉnh An Giang.