Câu chuyện nữ sinh trường chuyên mặc nhầm quần bạn bị nhà trường ép nhận tội ăn cắp và buộc em phải rời khỏi trường đã làm xôn xao dư luận tại tỉnh Khánh Hòa.
Sau bản án “ép cung”, em nữ sinh này đã mua thuốc về định tự tử vì bị mang tiếng xấu. Tuy nhiên đến nay vấn đề trên xẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ. Quá bức xúc, gia đình đã làm đơn kêu cứu gửi đến báo chí nhờ “giải oan”.
Quyết định có mang tính sư phạm?
Chúng tôi đã tìm đến tận nhà em T. ở huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) để xác mình vụ việc. Mở đầu câu chuyện, ông Trần Văn Phận - ba của T. cho biết sự việc đã trôi qua một thời gian nhưng gia đình ông vẫn đau đớn và rất ấm ức bởi sự việc được nhà trường xử lý như kiểu hành xử trong giang hồ ngay trong môi trường giáo dục.
Theo ông Phận, con gái ông là em T.T.N.T từng là học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Khánh Hòa. Gần cuối HK I năm học 2012 – 2013, em T đã phải chuyển khỏi trường vì tội ăn cắp. Sau cú sốc này, T đã tìm đến cái chết nhưng được gia đình phát hiện kịp thời. Trong đơn cầu cứu, T thuật lại: cuối học kỳ I năm học 2012 - 2013, T. có mặc nhầm quần áo đồng phục thể dục và một quần đồng phục đi học của bạn ở cùng khu nội trú của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và đã trả lại, đồng thời xin lỗi... Tuy nhiên, từ sự việc này mà nhà trường đã kỷ luật và “buộc” em T. phải chuyển trường. Giờ đây, nhiều người, trong đó có cả bạn bè em T. cũng nghĩ em ăn cắp đồ bị đuổi khỏi trường chuyên.
Em T. cho biết thêm, khi em phát hiện mình mặc nhầm quần của một bạn học sinh khác trong phòng và trong đống đồ của em cũng có xếp nhầm một chiếc quần khác của bạn, em đã gửi lại và trực tiếp xin lỗi bạn, mong tha thứ. Hôm đó, sau khi xin lỗi và trả lại đồ nghĩ rằng mọi chuyện đã ổn và buổi chiều em đi học bình thường. Nhưng sau đó thầy quản lý nội trú gọi em lên gặp cô hiệu phó tên Trần Thị Thanh Nhã tường trình sự việc. Theo yêu cầu của cô Nhã, T. đã làm bản tường trình sự việc, trong đó em T. ghi rõ em đã mặc nhầm đồ thể dục và lấy nhầm đồ bạn hiện đã trả lại đồ và xin lỗi. Tuy nhiên, cô Nhã không đồng ý nội dung trong bản tường trình ghi “mặc nhầm đồ” mà yêu cầu em T. buộc phải ghi “ăn cắp đồ” trong bản tường trình. Nhiều lần yêu cầu như vậy, T. vẫn không đồng ý và phản đối nên cô Nhã cho về lớp. Cũng theo T, sau đó (kể cả trong giờ học hoặc sau giờ học) nhiều lần cô Nhã lại gọi T. lên tiếp tục tường trình và viết lại tường trình với một yêu cầu duy nhất là buộc em này phải viết “ăn cắp đồ” chứ nhất quyết không chịu để nội dung “mặc nhầm đồ”. Theo T., sau đó cô Kim Thu - cũng một Phó hiệu trưởng nhà trường gọi em lên và cùng ngồi cạnh cô Nhã “buộc” T. phải viết tường trình với nội dung “ăn cắp đồ” của bạn. Dù vậy T. vẫn không đồng ý và phản đối chỉ có nhầm lẫn chứ không ăn cắp. Hai cô Phó hiệu trưởng đều không đồng ý em T. viết tường trình “mặc nhầm đồ” nên đưa ra nhà trường xem xét kỷ luật em về tội ăn cắp.
Ngày 1/8, Sở GD-ĐT Khánh Hòa, Ban giám hiệu hai trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và trường THPT Nguyễn Thái học đã làm việc với gia đình em T., sau khi gia đình gửi đơn “cầu cứu” báo chí.
Nói về điều này, ông Phận phân bua: sau khi nhà trường họp hội đồng kỷ luật (gia đình không được tham gia) ông Trương Văn Điềm, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn gọi điện thông báo tới gia đình cho biết ông đã quyết định kỷ luật em T. và qua điện thoại yêu cầu gia đình làm đơn ngay để xin chuyển trường cho em T., nếu không học bạ của em sẽ bị ghi hạnh kiểm yếu. Ông Phận nhiều lần xin nhà trường để em T. tiếp tục học tại trường nhưng nhà trường không phản ứng gì. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng sau, khi mà đến đầu tuần tới sẽ thi học kỳ I thì ngày thứ 6 (tuần đó) nhà trường thông báo lại gia đình phải làm đơn xin chuyển trường cho T., đồng thời quả quyết nếu không chuyển trường cho em thì sau khi thi học kỳ tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, học bạ em T. sẽ bị ghi hạnh kiểm yếu… Không kịp trở tay, ông Phận đành làm đơn đến gặp ông Điềm nhờ “ký khẩn” để xin chuyển trường cho con.
Sáng chuyển trường, chiều thi học kì
Theo ông Phận, sáng ngày thứ 2 một ngày gần cuối HKI, T. vẫn còn ở trường Lê Quý Đôn đi học. Gia đình thay T. đến nộp đơn xin em về trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Diên Khánh) thì được nhà trường thông báo, chiều nay trường tổ chức thi HKI, em T. phải thi học kỳ ngay trong buổi chiều cùng ngày, nếu không sẽ không kịp. Như vậy, dù ngày đó không có một số thầy cô ở trường nhưng tôi phải nhờ đến cô giáo chủ nhiệm em T. đến từng nhà các thầy cô bộ môn để xin vô điểm vào sổ để làm cơ sở xin chuyển trường”. Gia đình cùng con “cuốn đồ” rời khỏi nội trú vội vã từ Nha Trang về quê để con kịp thi học kỳ. “Quá oái ăm. Ban Giám hiệu trường Lê Quý Đôn không chỉ ép buộc mà còn đẩy con tôi vào một thế không thể trở tay. Nếu con tôi sai phạm thì cũng để cháu sửa sai, vì đó là môi trường giáo dục, đó là trường học thì học trò được dậy dỗ để trưởng thành. Đằng này…”, ông Phận bỏ lửng câu nói.
Cũng theo gia đình em T., khi mới chuyển về học tại Trường Nguyễn Thái Học, em vẫn bị sự hiểu lầm của một số bạn trong lớp (cho rằng em bị đuổi học vì ăn cắp). “Cháu đã có ý định tự tử, may mà người quen báo nên gia đình ngăn chặn được và phát hiện trong cặp của cháu có 6 viên thuốc ngủ. Cháu đi học phải canh giờ để vừa đúng giờ vào lớp là chạy vội vào lớp ngay, vì sợ giao tiếp với bạn bè”, bà Mai mẹ em T. cho biết.
Theo cô Võ Thị Bích Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp của T. tại Trường chuyên Lê Quý Đôn, T. là học sinh ngoan, chưa hề vi phạm gì, luôn cố gắng trong học tập, xếp loại giữa học kỳ I (khi còn học ở Lê Quý Đôn) hạnh kiểm tốt. Cô Thủy cho biết đã rất nhiều lần phản đối chuyện em T. bị bắt ghi biên bản “ăn cắp đồ” và trong ngày họp Hội đồng kỷ luật em T. cô tiếp tục phản đối, nhiều thầy cô khác cũng phản đối nhưng bất thành... Cô Thủy cho biết, trong buổi họp Hội đồng kỷ luật em T. tại trường Lê Quý Đôn, một đại diện Hội phụ hunh học sinh được tham dự, sau khi nghe tường trình vụ việc để xét kỷ luật em T. đã phản ứng, cho rằng em này không đáng bị xử lý kỷ luật. “Vị đại diện Hội phụ huynh học sinh nhà trường này đã khóc rất nhiều, xin không thi hành kỷ luật đối với em T. vì cho rằng như vậy là không đáng và quá nặng. Nhưng Ban Giám hiệu nhà trường vẫn quyết định thi hành kỷ luật với học trò mình, yêu cầu em T. chuyển trường nếu không muốn ghi hạnh kiểm yếu vào học bạ”, cô Thủy thuật lại.
Sau khi gia đình gửi đơn cầu cứu đến báo chí nhờ hỗ trợ “giải tiếng oan” ăn cắp cho con, ngày 1.8 ông Trương Văn Điềm, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trả lời báo chí rất vòng vo: lúc nói em T. ăn cắp, lúc nói em này không ăn cắp. Đến cuối cùng ông giải thích trong các biên bản của nhà trường không có từ nào nói là em T. ăn cắp, mà chỉ nói là “hành vi sai”. Theo ông Điềm, nhà trường họp hội đồng kỷ luật và theo quy chế thì có thể em T. sẽ bị ghi vào học bạ hạnh kiểm “yếu” và phải chuyển trường. Khi được hỏi “Nhà trường không công nhận em T. ăn cắp thì tại sao lại có thể đánh giá em hạnh kiểm yếu?”, ông Điềm nói: “Nói cầm nhầm nhưng một bộ thì được chứ đây ngoài bộ quần áo thể dục còn có quần tây nữa. Quyết định chuyển trường đối với em T. là để cho em khỏi bị ảnh hưởng trong học bạ. Hơn nữa, em ở lại trường thì các bạn xôn xao về việc trên cũng sẽ ảnh hưởng đến em, vì trường không nói em ăn cắp nhưng bạn bè thì lại nói, em sẽ mặc cảm”. Đề cập đến việc em T. từng có ý định tự tử, ông Điềm thừa nhận đã “không lường được điều này”.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nơi em T. đã rất khó khăn mới thi tuyển được đầu vào năm ngoái.
Có mặt tại buổi làm việc này, em T. khóc rất nhiều. “Đến bây giờ em vẫn không hiểu tại sao mình lại phải rời khỏi trường”, T. nói. Trong khi đó, theo cô Lê Thị Kim Sương, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thái Học kết thúc năm học vừa qua, điểm TB cả năm của T. 8.2, đạt danh hiệu học sinh giỏi và được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường.
Đơn kêu cứu của gia đình T. gửi đến báo chí và bảng điểm năm học 2012 - 2013 của T. đạt 8.2, xếp loại giỏi; em cũng được xếp loại hạnh kiểm tốt.
Ông Phan Văn Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa chủ trì buổi làm việc này cho rằng dù trong biên bản của trường và hồ sơ vụ việc không nói là em T. ăn cắp, nhưng việc em T. phải rời trường chuyên khiến nhiều người dễ ngộ nhận. Ông Dũng yêu cầu Trường Lê Quý Đôn có trách nhiệm thông báo trước toàn trường theo đề nghị của gia đình em T. là học sinh này mặc nhầm đồ của bạn chứ không phải ăn cắp; em T. không bị đuổi học mà chuyển về học tại Trường THPT Nguyễn Thái Học. Theo ông Dũng, Sở Giáo dục - Đào tạo Khánh Hoà sẽ tiếp tục làm việc với trường Lê Quý Đôn để xử lý vụ việc. Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa để tìm câu trả lời thỏa đáng nhất, ông Tứ cho biết sau khi nhận thông tin từ gia đình em T. đã có ý kiến yêu cầu thanh tra, kiểm tra lại vụ việc này nếu có sai phạm bên nào sẽ xử lý theo sai phạm đó.