Pháp đình

Nữ giám đốc và những kịch bản lừa đảo

Gia Ân 31/12/2024 - 16:32

Nợ nần chồng chất, Phạm Thị Vân đã lên kế hoạch lừa đảo nhiều người để chiếm đoạt tiền tỷ. Hành vi của bị cáo đã đẩy các bị hại vào cảnh lao đao, khốn khổ. Ngày ra tòa, nữ giám đốc lừa đảo nhiều lần khóc nức.

Chiêu thức lừa đảo của nữ giám đốc

Phạm Thị Vân (SN 1975, trú phương Khương Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) là giám đốc của một công ty xây dựng, bất động sản. Vân được nhiều người biết đến là nữ giám đốc thường đi làm việc thiện. Khoảng năm 2022, Vân khoe mình có mối quan hệ rộng, có thể giúp làm “sổ đổ” cho ai có nhu cầu.

Khoảng đầu năm 2022, gia đình chị Trương Thị N. (SN 1984, trú xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) có nhu cầu chuyển đổi hơn 17.000 m2 đất, từ đất rừng sản suất sang đất ở nên đã liên hệ với Phạm Thị Vân. Vân nói muốn làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì tự bỏ tiền ra làm và giá là 5 tỷ đồng, nhưng bớt cho 500 triệu đồng.

bc-van.jpg
Bị cáo Phạm Thị Vân bật khóc tại phiên xử.

Sau đó, Vân hẹn chị N. ra Hà Nội để đưa tiền. Ngày 9/5/2022 chị N. đã ra Hà Nội để đưa trước cho Vân 500 triệu đồng. Lúc này, Vân có viết một “hợp đồng cọc” đưa cho chị N. với mục đích để nạn nhân tin tưởng.

Một thời gian sau, Vân chụp ảnh Giấy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Văn phòng đăng ký đất đai - UBND huyện Nghĩa Đàn gửi qua Zalo cho chị N. Đồng thời, Vân đưa ra thông tin là đang làm thủ tục, nay yêu cầu chị N. chuyển tiền thêm để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Do tin tưởng nên chị N. đã 13 lần chuyển cho Vân tổng số tiền gần 3,2 tỷ đồng.

Đến tháng 2/2023, Vân tiếp tục nói chị N. ra Hà Nội gặp để kiểm tra phôi “bìa đỏ”. Lúc này, chị N. đã cùng 2 người thân ra gặp Vân.

Tại đây, Phạm Thị Vân đưa cho gia đình chị N. 1 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có chữ ký, con dấu do Vân lấy trên mạng đem đi in màu.

Đồng thời, Vân đưa ra thông tin gian dối đã chuyển đổi, sắp có “bìa đất” và yêu cầu chị N. chuyển thêm 400 triệu đồng, sau 15 ngày sẽ có “bìa đỏ”. Tin tưởng nên chị N. đã chuyển thêm 200 triệu đồng.

Sau khi nhận tiền của chị N. đối tượng này không thực hiện như cam kết mà dùng số tiền đó để trả nợ, tiêu xài cá nhân hết. Một thời gian sau, chị N. phát hiện mình đã bị lừa nên yêu cầu Phạm Thị Vân trả lại tiền, tuy nhiên người này không chịu trả. Đến khi chị N. cho biết sẽ tố cáo ra công an thì Vân mới trả lại 1 tỷ đồng.

Ngày 15/8/2023 chị N. đã làm đơn tố cáo Phạm Thị Vân tới công an. Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền mà Vân đã lừa đảo chị N. là gần 3,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phạm Thị Vân còn có hành vi lừa đảo một bị hại khác với thủ đoạn lừa “chạy án”. Cụ thể, cuối năm 2019, bà Lê Thị Hồng V. (SN 1972, trú quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) có con gái bị bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Do muốn tìm người giúp con gái được giảm nhẹ tội nên thông qua một số người, bà liên hệ với Vân. Phạm Thị Vân cam kết có thể “chạy” được án với chi phí 500 triệu đồng. Để gia đình bà V. tin tưởng, Vân còn quả quyết, nếu không “chạy” được sẽ hoàn lại tiền.

Tin tưởng, bà V. đã nhiều lần chuyển đủ 500 triệu đồng cho Vân. Sau khi nhận đủ tiền, Vân lại nói với bà V. “muốn nhanh phải đưa thêm 100 triệu đồng”.

Do đó, bà V. đã đưa thêm tiền cho Vân. Tuy nhiên, sau đó con gái bà V. đã bị tòa tuyên 7 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Biết mình bị lừa, bà V. làm đơn tố cáo Vân tới công an.

Giọt nước mắt muộn màng

Với hành vi trên, Phạm Thị Vân bị truy tố và đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa mới diễn ra, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội.

Nữ bị cáo khai, trước đây làm kinh doanh về lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Do làm ăn thua lỗ nên bị cáo nảy sinh ý định lừa đảo nhiều người.

Người phụ nữ này khoe bản thân có mối quan hệ rộng với lãnh đạo tòa án, thi hành án... có thể giúp “chạy án” hoặc chạy “sổ đỏ”. Nữ bị cáo này cho rằng “có vay có trả” nhưng chưa trả được hết nợ thì đã bị hại đã tố cáo tới cơ quan công an.

Tại phiên tòa, nữ bị cáo trình bày hoàn cảnh gia đình éo le, mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác, bản thân bị cáo phải bươn chải từ sớm để nuôi các em và người dì ruột lớn tuổi. Nữ bị cáo bật khóc khi nhắc tới người con út mới 13 tuổi nay phải sống xa mẹ.

Bị cáo thể hiện sự ăn năn hối lỗi và mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sự tha thứ của các bị hại để về với con vì không muốn con rơi vào tình cảnh xa mẹ từ nhỏ như mình.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Vân 16-17 năm tù.

Luật sư bào chữa của bị cáo đưa ra một số bằng chứng thể hiện thân chủ có đóng góp cho hoạt động từ thiện để đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tuy nhiên quan điểm này không được bị hại V. đồng tình. Bị hại này đề nghị HĐXX đưa ra mức án cao hơn đề nghị của đại diện viện kiểm sát. Bà cho rằng, việc cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội thời gian dài sẽ ngăn ngừa bị cáo thực hiện các vụ lừa đảo nhắm vào các nạn nhân khác.

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật, đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ; đồng thời, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương nên cần xử lý nghiêm để trừng trị, giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Phạm Thị Vân 17 năm tù. Về phần dân sự, tòa buộc bị cáo phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của 2 bị hại.

Lòng tham che mắt đã đẩy nữ bị cáo vào tù. Những giọt nước mắt ân hận của bị cáo đã trở nên muộn màng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ giám đốc và những kịch bản lừa đảo