Tòa tuyên án

Tuyên án cựu Giám đốc ngân hàng lừa đảo hàng chục tỷ đồng

Hải Nam 28/12/2024 - 14:12

TAND tỉnh Quảng Nam vừa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Hải Đăng - cựu Giám đốc Phòng giao dịch Nam Phước, Ngân hàng An Bình ở Quảng Nam và các đồng phạm về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Theo đó, với thủ đoạn vay tiền làm đáo hạn ngân hàng, Hà Hải Đăng (Sinh 1989, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cùng với sự giúp sức của Nguyễn Văn Dũng (Sinh 1979, trú huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), Nguyễn Thị Hiền (Sinh 1972, trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) và Nguyễn Thiên Ân (Sinh 1994, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã chiếm đoạt của 11 bị hại với tổng số tiền hơn 18,5 tỷ đồng.

Cáo trạng nêu rõ, năm 2017, Hà Hải Đăng giữ chức vụ Giám đốc Phòng giao dịch Nam Phước, Ngân hàng An Bình. Từ năm 2019 đến năm 2022, ngoài công việc chính tại ngân hàng, Đăng đầu tư mua bán bất động sản tuy nhiên bị thua lỗ nên mượn tiền của người này trả cho người khác. Số nợ ngày càng tăng, Đăng nảy sinh thủ đoạn làm đáo hạn cho khách hàng vay vốn tại ngân hàng để chiếm đoạt trả các khoản nợ cá nhân.

ld1(1).jpg
Bị cáo Hà Hải Đăng tại thời điểm bị bắt giữ

Cụ thể: tháng 5/2023, Đăng vay của ông N.T.A. (trú huyện Duy Xuyên) 850 triệu đồng để làm đáo hạn ngân hàng với lãi suất 200.000 đồng/100 triệu đồng/ngày. Sau khi vay tiền, Đăng sử dụng để trả nợ cá nhân.

Khi không trả được số tiền vay, Đăng thỏa thuận với ông A. sẽ trả mỗi tháng 50 triệu đồng tiền gốc và 6 triệu đồng tiền lãi. Đến kỳ trả nợ, ông A. đòi nợ thì Đăng chỉ trả được cho ông A. hơn 175 triệu đồng.

Đáng nói, từ 20/10/2023 đến ngày 1/12/2023, lợi dụng đang làm việc tại ngân hàng, Đăng 4 lần vay 2,6 tỷ đồng của ông A. làm đáo hạn ngân hàng. Đến ngày 7/12/2023, Đăng trả cho ông A. số tiền hơn 635 triệu đồng, còn chiếm đoạt hơn 2,67 tỷ đồng.

Tương tự, ngày 4/11/2023, Đăng gọi điện thoại cho ông L.C.A. (SN 1967, trú huyện Quế Sơn, Quảng Nam) hỏi vay hơn 1 tỷ đồng để làm đáo hạn ngân hàng cho khách. Chiều 10/11/2023, Đăng gọi cho ông A. vay thêm 1,8 tỷ đồng. Đến thời hạn trả nợ, Đăng trả cho ông A. 64,8 triệu đồng, còn chiếm đoạt hơn 2,76 tỷ đồng.

Ngoài ra, được sự giúp sức của Nguyễn Văn Dũng, Đăng chiếm đoạt thêm 1,2 tỷ đồng của ông L.C.A; chiếm đoạt 1,55 tỷ đồng của bà L.T.H.K.; 1,1 tỷ đồng ông L.V.H. và 800 triệu đồng bà V.T.B.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hiền, do thường xuyên vay tiền của Ngân hàng An Bình nên có quen biết với Đăng. Chiều 8/12/2023, Đăng cần tiền trả nợ nên gọi điện cho ông A. nói dối có người cần vay tiền đảo hạn ngân hàng thì ông A. đồng ý. Sau đó, Đăng nói Hiền gọi điện cho ông A. vay 900 triệu đồng, hẹn 2 ngày sẽ trả.

Tin lời Đăng, ông A, chuyển tiền cho Hiền. Sau khi vay được tiền, Hiền chuyển 900 triệu đồng cho Đăng. Đến thời hạn trả nợ, ông A. gọi điện cho Đăng hỏi về hồ sơ giải ngân đáo hạn của Hiền thì Đăng nói dối là hồ sơ còn thiếu thủ tục nhằm kéo dài thời hạn trả nợ.

Với thủ đoạn vay tiền làm đáo hạn ngân hàng, Đăng đã chiếm đoạt của 11 bị hại với tổng số tiền hơn 18,5 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Đăng sử dụng trả nợ cá nhân. Ngoài ra, Đăng còn nhờ Dũng, Nguyễn Thiên Ân làm 4 giấy tờ giả để cung cấp cho các bị hại tin tưởng giao tiền để chiếm đoạt.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đăng tổng cộng 14 năm tù; bị cáo Dũng 10 năm tù cùng về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”; bị cáo Hiền 4 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị cáo Ân 2 năm tù về tội: “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên án cựu Giám đốc ngân hàng lừa đảo hàng chục tỷ đồng