Nữ giám đốc tự tử do nợ nần?

Hoàng Phong - Việt Hồng| 06/07/2014 12:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi ăn uống cùng gia đình tại nhà sàn, chị Thuận nói với chồng con là đi ra nhà ngoài để phơi quần áo. Một lúc lâu không thấy chị Thuận về, gia đình đi tìm kiếm thì phát hiện chị Thuận đã chết trong trạng thái treo cổ.

Cái chết bất thường

Theo nguồn tin từ công an huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) cho biết, đơn vị này đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc xung quanh cái chết của bà Nguyễn Phong Thuận (SN 1972, trú tại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình), giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Lạc Sơn được phát hiện chết trong tình trạng treo cổ ngay tại nhà.

Cụ thể sự việc, vào khoảng 22h sau khi ăn uống cùng gia đình tại nhà sàn, chị Thuận nói với chồng con là đi ra nhà ngoài để phơi quần áo. Một lúc lâu không thấy chị Thuận về, gia đình đi tìm kiếm thì phát hiện chị Thuận đã chết trong trạng thái treo cổ.

Nữ giám đốc tự tử do nợ nần?

Bà Thuận treo cổ tự vẫn tại nhà riêng

Trưởng công an xã Tân Lập, ông Bùi Văn Lưu cho biết, ngay khi nhận được tin báo, công an xã đã đến hiện trường để nắm bắt tình hình, đồng thời báo cáo lên công an huyện Lạc Sơn. Cơ quan công an đã khám nghiệm hiện trường khám nghiệm tử thi. Nhận định ban đầu là chị Nguyễn Phong Thuận chết do tự tử. Chị Thuận từng giữ chức Phó phòng giáo dục huyện Lạc Sơn, cách đây khoảng 2 năm chị được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.

Tự tử do túng quẫn nợ nần?

Ngay sau khi sự việc xảy ra, PV đã nhanh chóng có mặt tại địa phương để tìm hiểu những uẩn khúc xung quanh cái chết của vị nữ giám đốc này. Tại đây, dư luận có xôn xao về việc bà Thuận từng vay nợ một số tiền lớn, trong thời gian bà giữ chức Phó phòng giáo dục huyện Lạc Sơn. Thời gian gần đây, bà Thuận liên tục bị các chủ nợ tìm đến đòi nợ, thậm chí họ đã gửi đơn lên các cấp chính quyền.

Nhiều người dân còn cho biết, bà Thuận có vay một số tiền khá lớn để đầu tư làm ăn. Tuy nhiên, việc đầu tư làm ăn bị thua lỗ thảm hại vì vậy cuộc sống của bà Thuận những thời gian qua liên tục gặp nhiều biến động. Trong đó, điều khiến bà Thuận gặp áp lực nhất là việc đang trên cương vị giám đốc của Trung tâm bồi dưỡng chính trị mà lại bị nhiều người gửi đơn khiếu kiện nên đã quẫn trí chọn cách tự tử.

Để là sáng tỏ thông tin những lời đồn đại trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông ông Bùi Đức Nhật, Phó trưởng Công an huyện Lạc Sơn. Trong cuộc trao đổi ông Nhật cho biết, công an huyện Lạc Sơn cũng đã nhận được đơn của một số người gửi đến về vấn đề vay mượn tiền của bà Nguyễn Phong Thuận. “Do đang điều tra nên số tiền chị ấy nợ chúng tôi chưa thể cung cấp. Không ngờ lại xảy ra sự việc đáng tiếc này”, ông Nhật nói.

Trưởng công an xã Tân Lập, ông Bùi Văn Lưu khẳng định: “Theo thông tin công an xã Tân Lập nắm được chị Thuận có góp vốn xây dựng công ty cổ phần nên vay tiền của rất nhiều người nhưng làm ăn thua lỗ. Có người thì nói chị ấy vay 10 tỷ, có người nói chị ấy nợ 20 tỷ, nhưng con số cụ thể thì chúng tôi không nắm rõ. Cách hôm chị Thuận tự tử lần thứ nhất, đã có đơn của một số người gửi lên chính quyền tố cáo chị Thuận lợi dụng chức quyền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác và mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra”.

Còn về thời gian bà Nguyễn Phong Thuận mượn tiền tỷ của nhiều người cũng là lúc bà đang giữ chức vụ Phó phòng giáo dục huyện Lạc Sơn, trước khi được thăng chức lên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện này. Việc này khiến dư luận băn khoăn cho rằng, việc ký quyết định cho bà Thuận lên làm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện này có vấn đề? Và dù đã có đơn gửi lên UBND huyện tố cáo bà Thuận “lợi dụng chức vụ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” của người khác mà bà Thuận vẫn không bị xử lý?

Trao đổi với PV về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, ông Bùi Văn Hành cho rằng, việc vay mượn của bà Thuận khi còn làm Phó phòng giáo dục huyện thì UBND huyện không hề hay biết bởi cả chị Thuận lẫn người cho vay đều không báo cáo, đến khi vỡ nợ thì người dân mới đưa đơn kiện. Ngày trước là chị Thuận là Phó phòng giáo dục, đến khi Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cũ nghỉ hưu thì bên huyện ủy mới tiến cử chị Thuận. Còn người ký quyết định chuyển công tác cho chị Thuận là bí thư huyện ủy, phía UBND huyện không có thẩm quyền.
Là người trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm bà Thuận vào chức Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Lạc Sơn, ông Bùi Văn Nỏm, Bí thư huyện ủy huyện Lạc Sơn cho biết, khi ký quyết định thì bà Thuận đã được số phiếu bầu cao nhất và lúc đó, việc bà Thuận vay mượn tiền thì ngay cả phía Huyện ủy cũng không biết.

Đã từng một lần tử tử bất thành?

Trong cuộc trao đổi, ông Lưu cũng cho biết thêm, nguyên nhân vì sao chị Thuận tự tử thì cơ quan công an huyện đang điều tra làm rõ nhưng nhiều khả năng do nợ nần nên chị ấy quẫn trí tìm đến cái chết. Đây cũng chỉ là những nhận định ban đầu.

Để tìm hiểu sâu hơn về lối sống và mối quan hệ với mọi người của bà Thuận, tiếp xúc với nhiều người dân được biết, bàThuận rất chan hòa, sống tình cảm với mọi người nên chưa để mất lòng ai. Gia đình bà có điều kiện kinh tế khá, hai vợ chồng có một con trai SN 1996. Chồng thì có công ty riêng, có ô tô, gia đình bà Thuận có hai nhà, một nhà sàn và một căn nhà 2 tầng. “Ở địa phương, gia đình chị Thuận được đánh giá là hạnh phúc. Bản thân chị ấy làm Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, kinh tế khá nên người dân rất ngưỡng mộ”, một người dân cho biết.

Tuy nhiên lại có một thông tin, trước khi vụ việc bà Thuận tự tử thì cách đó chưa đầy 1 tháng, bà Thuận cũng đã có một lần tự tử bằng thuốc ngủ nhưng rồi được mọi người trong gia đình phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu nên đã may mắn sống sót. Nhưng thời điểm đó mọi người không hiểu được lí do vì sao bà Thuận lại định tử tự. Thông tin bà Thuận có ý định tự tử chỉ được người dân phong phanh biết sau đó vài ngày. Cho đến khi bà Thuận tự tử tại nhà riêng và sự việc người nhà phát hiện thì mọi người mới hiểu được phần nào lí do bà Thuận định tự tử bằng thuốc ngủ trước đó. Bà Hoa, một người dân hàng xóm của nạn nhân thì cho rằng, cho dù nếu có đúng việc bà Thuận nợ nần nhiều đi chăng nữa thì với cơ ngươi và điều kiện kinh tế của gia đình bà Thuận cũng có đủ khả năng để làm lụng và trả nợ cho mọi người trong thời gian không lâu. Việc bà Thuận quẫn trí tự tử là điều quá dại dột vì như vậy ngoài việc làm ảnh hưởng đến danh dự của chính bản thân bà cho dù đã chết thì người thân của bà Thuận cũng chịu nhiều điều tiếng với bà con lối xóm và những người trong cơ quan.

Cái chết còn nhiều uẩn khúc

Tuy nhiên những nhận định của người dân xung quanh cái chết của bà Thuận cũng chỉ là những nghi vấn ban đầu. Cái chết của bà Thuận cũng còn nhiều uẩn khúc, điều này sẽ được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Khi nguyên nhân cái chết của bà Thuận được làm sáng tỏ thì đó cũng là câu trả lời thỏa đáng nhất cho dư luận và đặc biệt là những thông tin về các khoản nợ khổng lồ mà nhiều người vẫn bàn tán sau cái chết của bà. Điều đáng nói là cái chết của bà Thuận đã khiến cho người thân trong gia đình vô cùng đau xót vì vậy hiện nay những lời đồn đoán của người dân càng xoáy thêm vào nỗi đau của gia đình nạn nhân.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ giám đốc tự tử do nợ nần?