Làm ăn thua lỗ, Vân bèn nghĩ kế lập thêm công ty mới rồi “dựng” công nhân của mình lên làm giám đốc để lấy tư cách pháp nhân lừa vay vốn ngân hàng, chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng.
Xét thấy hành vi của các bị cáo đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Lê Thị Hồng Vân, 47 tuổi (ở quận Hoàng Mai) chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, năm 2015, Vân đã bị Tòa án Quân sự Thủ đô xử phạt 14 năm tù cũng về tội danh này.
Các đồng phạm khác là Lê Quốc Dương, 45 tuổi (ở quận Hoàng Mai) 30 năm tù; Phạm Minh Thái, 36 tuổi (ở huyện Thanh Trì) 16 năm tù; Dương Mạnh Hà, 42 tuổi (ở quận Thanh Xuân) 10 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng truy tố, năm 2006, Vân thành lập Công ty Âu Mỹ và giữ vai trò làm giám đốc chuyên về buôn bán và sản xuất kinh doanh inox. Sau đó, Vân tiếp tục lập ra Công ty Việt Mỹ và “dựng” Thái (một công nhân của mình) trở thành giám đốc. Tiếp đó, chị ta “mượn” tư cách pháp nhân Công ty Tam Tinh do Dương Mạnh Hà làm giám đốc, để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn các ngân hàng.
Do đã có quan hệ tín dụng từ trước do làm hồ sơ vay vốn để thanh toán hàng mua nội địa và mở L/C (thư tín dụng) vay thanh toán quốc tế tại các ngân hàng như LienVietPostBank, PGBank,...nên Vân khá thân thiết với cán bộ của các ngân hàng này. Vì vậy, khi chị ta dùng bất động sản, nhà xưởng, phương tiện, máy móc, hàng hóa hình thành từ vốn vay mang đi thế chấp vay tiền thì được các cán bộ ngân hàng nhiệt tình giúp đỡ.
Khoảng cuối năm 2011, mặc dù việc kinh doanh thua lỗ, nhưng Vân vẫn ký khống hợp đồng mua hàng inox với Công ty Việt Mỹ, Tam Tinh và 3 công ty của Lê Quốc Dương (em ruột Vân) - Tổng giám đốc Công ty châu Âu nhằm lập khống hồ sơ đầu vào.
Lê Thị Hồng Vân và các đồng phạm tại phiên xét xử
Với các hợp đồng mua hàng thật giữa Công ty Âu Mỹ với nhiều công ty khác, Vân sử dụng Hợp đồng mua bán hàng, hóa đơn, phiếu nhập kho... để làm hồ sơ thế chấp tài sản. Khi nhận hàng về, Vân mang bán luôn cho các công ty khác hoặc đưa vào sản xuất (trước khi ngân hàng giải ngân) và chỉ để lại kho của công ty lượng hàng thật là 974.251 kg inox dùng làm tài sản đảm bảo thế chấp cho tất cả 8 ngân hàng đã vay vốn.
Do việc lập khống inox đầu vào và bán các tài sản thế chấp trước khi giải ngân, nên lượng hàng hóa trong kho không đủ khối lượng như trong bản hợp đồng. Giữa năm 2012, Vân nhờ Lê Quốc Dương chở đến kho của Công ty Âu Mỹ 364 cuộn inox giả. Sau đó, chị ta cho hàng inox giả (rỗng ruột) trộn lẫn với hàng thật và đưa vào làm tài sản thế chấp vay vốn các ngân hàng.
Tại phiên tòa, bị cáo Dương khai, Công ty Châu Âu có nhập khẩu thép, inox, mua trong nước để phục vụ sản xuất và làm tài sản thế chấp nhưng số lượng ít. Kinh doanh thua lỗ kèm nhu cầu vay vốn lớn, bị cáo thành lập ra 3 công ty khác để lấy tư cách pháp nhân.
Thực tế, giữa các công ty này và Công ty Âu Mỹ, Công ty Việt Mỹ, Công ty Tam Tinh, Công ty Châu Âu không có việc mua bán hàng hóa với nhau. Do hàng hóa bị thiếu hụt, bị cáo nảy sinh việc làm inox giả để bù đắp số hàng thiếu hụt.
Các bị cáo Thái, Hà cũng khai nhận, ký vào khế ước nhận nợ, hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng mua bán, xuất hóa đơn đều theo chỉ đạo của Vân. Toàn bộ số tiền các ngân hàng giải ngân được chuyển thẳng về Công ty Âu Mỹ để Vân sử dụng.
Đối với các cán bộ ngân hàng, cơ quan điều tra xác định họ không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thất thoát tài sản thế chấp nên không đề nghị xử lý.
Bằng thủ đoạn gian dối đó, Vân đã chiếm đoạt của 7 ngân hàng hơn 197,7 tỷ đồng.