Thanh Hóa có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều tuyến đê đã bị xuống cấp theo thời gian. Điều này khiến cho người dân phía trong đê hết sức lo lắng mỗi khi có mưa to, nước sông dâng cao. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang khẩn trương kiểm tra, rà soát, xử lý các tuyến đê xung yếu, sạt lở trước mùa mưa lũ năm 2024.
Thanh Hóa là một trong những địa phương có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước, tỉnh hiện có 1.008 km đê các loại; trong đó, đê từ cấp I đến cấp III dài 315km, đê dưới cấp III dài 693km. Trên các tuyến đê có 1.121 công trình cống, âu và 433 công trình kè bảo vệ với tổng chiều dài 253,76km.
Theo khảo sát, tuyến đê hữu sông Bưởi đoạn từ K11 + 260 - K11 + 830 xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc đã có diễn biến nứt mặt đê bê tông từ năm 2021. Huyện Vĩnh Lộc đã tiến hành xử lý ngay sau khi phát hiện.
Tuy nhiên, vừa qua do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa tăng cường yếu, kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 3.000m hoạt động mạnh, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, đoạn đê hữu sông Bưởi tiếp tục xảy ra tình trạng nứt mặt đê ở đoạn từ Km 11 + 260 - Km 11 + 830.
Ngay sau khi phát hiện, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa đã chỉ đạo Hạt Quản lý đê Vĩnh Lộc báo cáo và phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Long xử lý ngay sự cố nêu trên bằng biện pháp đổ bê tông vào các khe nứt nhằm bịt không cho nước mặt chảy trực tiếp vào khe gây ảnh hưởng đến thân đê và hạn chế việc phát triển nứt mặt đê bê tông trên tuyến.
Đến nay, sự cố nêu trên tạm thời ổn định, chưa có diễn biến phát triển thêm. Trong thời gian tới, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, Hạt Quản lý đê điều Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với các cấp có thẩm quyền xem xét phương án xử lý dứt điểm sự cố để đảm bảo an toàn tuyến đê và giao thông đi lại của người dân.
Trên địa bàn huyện Thạch Thành, thời gian qua tại vị trí K34+450 đến vị trí K35+850 là đoạn cong của sông Bưởi, thuộc thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực (dọc tuyến tỉnh lộ 523) xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Quá trình sạt lở rất nhanh và có diễn biến phức tạp, vùng sạt lở ngày càng mở rộng, nhiều vị trí mép sạt cách tuyến tỉnh lộ 523 chỉ 4 đến 6m đã và đang đe dọa, gây mất an toàn đối với tỉnh lộ 523, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn.
Bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, từ tháng 12/2023, Dự án Xử lý sự cố sạt lở bờ tả sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực (Thạch Thành) đã được triển khai thi công.
Đơn vị thi công chủ động khắc phục khó khăn, tập trung xe máy thiết bị chuyên dùng, nhân lực và tập kết vật liệu lên công trường, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tổ chức 3 mũi thi công đồng bộ các phần việc của dự án như: đúc cấu kiện bê tông, thả đá rối chân kè, đổ bê tông tường chắn đất, hoàn trả các tuyến đường thi công,... Đến đầu tháng 6/2024, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân phấn khởi trước khi lũ về.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn hàng trăm km đê, kè chưa đạt cao trình quy hoạch phòng chống lũ cần được nâng cấp xây dựng trong thời gian tới.
Tại tuyến đê tả sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung (một trong những tuyến đê có cao trình thấp hơn quy hoạch tại Thanh Hóa), qua quan sát, bề mặt đê đã được bê tông hóa nhưng hiện nay có nhiều vị trí bị nứt, lớp mặt bê tông bong tróc nhiều chỗ. Mặt trạch, mặt đê tả sông Lèn hiện tại thấp hơn cao trình đê thiết kế từ 0,28m đến 1,25m nên chưa đảm bảo việc chống lũ.
Cứ mỗi khi mùa mưa tới, hàng vạn nhân khẩu được bảo vệ bởi dải đê chính này đang thấp thỏm trước cảnh đê xuống cấp và chiều cao thấp hơn nhiều so với các tuyến đê khác.
Hơn nữa, cũng tại tuyến này, rất nhiều hộ dân nuôi cá lồng, cá lăng như nhà tôi có 5 ô, khoảng 2,5 vạn con (loại nhỏ), loại cá này có giá trị kinh tế cao nên mùa mưa lũ đến gần, các gia đình rất lo vì toàn bộ kinh tế tập trung vào đây cả.
Phó Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại Trịnh Văn Thọ, cho biết: “Thực trạng đê tả sông Lèn hiện nay thấp hơn cao trình nước lũ quy hoạch, đê từng bị tràn và bị vỡ. Năm 2007-2008, Nhà nước đã đầu tư kè lại nhiều đoạn xung yếu. Đê tả sông Lèn hiện là đê cấp III, vừa qua gói thầu số 7 nhằm nâng cấp hơn 600m đê xung yếu đã được phê duyệt. Nếu đê gặp sự cố, nước lũ sẽ ảnh hưởng tới 5 xã xung quanh, nên việc đầu tư nâng cấp đê là rất cần thiết”.
Còn theo ông Nguyễn Thành Lâm - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Hà Trung, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay nhiều đoạn đê, kè chưa đạt cao trình thiết kế: “Tuyến đê tả sông Lèn qua xã Lĩnh Toại ngày xưa có sạt lở, năm 2007 nước lũ lên cao tràn mặt đê nhưng đã được kè bảo vệ.
Toàn bộ đê qua xã vẫn ổn định, riêng cao trình đỉnh đê thì nhiều vị trí thiếu so với quy hoạch. Việc thiếu cao trình đỉnh đê không chỉ ở đê tả sông Lèn, mà tồn tại ở rất nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Về phía hạt, chúng tôi luôn có phương án hộ đê để ứng phó với tình huống lũ lớn, sạt lở”.
Thiên tai ngày một thất thường, khắc nghiệt và cực đoan. Bão to, lũ lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không còn giữ đúng quy luật tự nhiên. Đó là những khó khăn rất lớn đối với công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như công tác chủ động đối phó của các cấp, các ngành, các địa phương.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, các loại hình thiên tai cực đoan, nhất là mưa lớn vượt tần suất, bão và lũ ngày càng xuất hiện với tần suất nhiều hơn, khó dự báo hơn, việc đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai càng giữ vai trò quan trọng. Cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn ngừa những tình huống đáng tiếc xảy ra liên quan đến mất an toàn đê điều.
Đối với các tuyến đê từ cấp I đến cấp III, cao trình cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ lịch sử đã xảy ra. Tuy nhiên, so với cao trình thiết kế trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn 131,5km đê có cao trình thấp hơn quy hoạch; 63,07km mặt đê còn hẹp, chưa đảm bảo chiều rộng tối thiểu; 123,91km đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê.
Một số đoạn đê sát sông đang có diễn biến sạt lở cần theo dõi, như: Đê hữu sông Mã (đoạn qua thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa); đê tả sông Lèn (đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung); đê hữu sông Lèn (đoạn qua xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc)… Ngoài ra, có 22 công trình đê từ cấp I đến cấp III đang được đầu tư nâng cấp, tu bổ, tổng chiều dài 14,6km, tỷ lệ khối lượng thực hiện ước đạt từ 20% - 90%.
Đối với đê dưới cấp III, cao trình các tuyến đê cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ. Tuy nhiên, so với cao trình thiết kế theo quy hoạch tỉnh, vẫn còn 228,36km đê chưa đảm bảo; 57,31km đê chưa đủ chiều rộng mặt đê tối thiểu; 28,53km đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê. Nhiều đoạn đê đang có diễn biến sạt lở, như: Đê tả sông Hoạt (đoạn qua thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung); đê tả sông Càn (đoạn qua huyện Nga Sơn); đê tả sông Yên (đoạn qua huyện Nông Cống)...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương xây dựng 34 phương án bảo vệ trọng điểm đê năm 2024, gồm: 2 trọng điểm đê cấp tỉnh loại I; 32 trọng điểm đê cấp huyện.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, đặc biệt là các vị trí đang có diễn biến hư hỏng để sẵn sàng xử lý ngay từ giờ đầu. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình tu bổ, nâng cấp đê điều, đảm bảo chất lượng, tiến độ, kịp thời đưa công trình vào hoạt động phục vụ phòng, chống lũ lụt năm 2024…