Ký sự pháp đình

Nỗi đau chạm đáy của nữ giảng viên giết chồng trong cơn giận

Trang Trần 14/08/2023 - 14:12

Mấy lần Lê Thị Ngọc Vân đưa tay vén mớ tóc mái ra phía sau nhưng nó vẫn xòa xuống che lấy mặt. Cũng giống như cuộc đời của cô lúc này, càng muốn làm điều tốt đẹp, càng muốn giữ lại điều tốt đẹp thì tất cả lại bung bét, thê lương.

Đến cùng tại sao lại như thế? Câu hỏi làm rối tung tất cả suy nghĩ của Lê Thị Ngọc Vân (SN 1982, trú phòng 601/A1 chung cư Vicoland, tổ 26, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) mà cô không tài nào có được câu trả lời thích đáng. Cô tìm mọi cách để bảo vệ các con, bảo vệ gia đình nhỏ của mình nhưng cuối cùng, cô lại trở thành người đàn bà tay trắng.

Khổ sở, đau đớn, nước mắt không tự chủ trượt dài trên khuôn mặt tiều tụy, Lê Thị Ngọc Vân chẳng màng lau bỏ. Mỗi lần hai chữ “giết chồng”, “đốt chồng” lọt vào tai là mỗi lần khiến Vân rùng mình, luống cuống. 

Lê Thị Ngọc Vân và anh Lê Ngọc Tiến (SN 1980) cùng quê Quảng Trị vào Đà Nẵng lập nghiệp. Cô là giảng viên của một trường đại học tư ở TP. Đà Nẵng, còn Tiến công tác tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Vân cho hay, Tiến là mối tình đầu của cô, yêu thương từ thời sinh viên, 5 năm mới cưới, đến nay họ đã có 20 năm bên nhau.

Ngay từ khi về chung một nhà, Vân và Tiến có quy tắc “nếu hai vợ chồng cãi nhau thì phải kết thúc bằng nụ cười chứ không phải nước mắt”. Gia đình Vân-Tiến chính là hình mẫu của bao người ao ước, tiếc rằng tất cả chỉ tồn tại trong quá khứ.

Từ năm 2012, Vân và chồng bắt đầu thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã về chuyện tình cảm. Theo lời Vân, chồng mình đã có người phụ nữ bên ngoài, là đồng nghiệp dưới quyền, điều này chồng đã thẳng thắn công nhận trước mặt cô.

Chưa bao giờ có cảm giác bị thất bại khiến Vân không cam lòng như thế. Những lời chồng nói, như độc châm- đâm thẳng vào tim khiến Vân đau đến tê dại. Đó cũng chính là nguồn cơn khiến “cơn điên” trong Vân nổi loạn.

kspd-trangtran.-nu-giang-vien-mang-toi-giet-chong-va-noi-dau-cham-day-1-.jpg
Nếu biết buông bỏ, có lẽ cuộc đời của nữ giảng viên Lê Thị Ngọc Vân đã khác.

Vụ việc đau lòng được thể hiện trong cáo trạng, vào tháng 1/2023, anh Tiến có ý định ly hôn nên Vân mang quần áo của 2 con và các giấy tờ quan trọng của gia đình, qua nhà em ruột (trú chung cư gần đó) để gửi.

Sáng 30/1, Vân đi ô tô từ nhà đến cửa hàng xăng mua hơn 4 lít xăng đựng trong can nhựa, mang về nhà. Khoảng 12 giờ 30’ cùng ngày, chồng Vân đi làm về, sau khi ăn cơm với chồng tại phòng khách, rồi cùng chồng vào phòng ngủ. Cả hai cãi nhau về tranh chấp quản lý, phân chia tài sản.

Trong lúc cãi nhau, Vân ra bếp lấy can nhựa đựng xăng, mở nắp mang vào phòng ngủ đe dọa chồng và đổ xăng xuống nền nhà làm hai bàn chân của Vân dính xăng. Vân đóng nắp can xăng rồi mang ra bếp để trên bồn rửa chén, cả hai tiếp tục cãi nhau. Vân bật lửa làm xăng dưới nền phòng ngủ bốc cháy. Vân đứng bên ngoài, mặt đối diện cửa phòng ngủ nên khi xăng cháy làm Vân bỏng nhẹ 2 chân.

Vân đóng cửa phòng ngủ lại rồi chạy sang phòng ngủ thứ hai trong căn hộ. Anh Tiến đang ở trong phòng ngủ thứ nhất không thể chạy ra ngoài nên bị xăng đốt cháy. Xăng cháy trong phòng kín làm kính vỡ gây tiếng nổ lớn, rơi ra ngoài chung cư, khói bốc lên, người dân nghi cháy nên cắt điện, phá cửa căn hộ của Vân nhưng không được.

Đến 13 giờ 30’ cùng ngày, Vân mở cửa để hàng xóm vào dập lửa, lúc này anh Tiến đã chết. Theo giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP. Đà Nẵng, anh Tiến chết do ngạt khí, bỏng nhiệt.

Vậy là Vân trở thành hung thủ giết chồng chỉ sau cơn giận được bồi thêm ngọn lửa. Ngày xét xử, Vân được ngồi để trả lời thay vì đứng bởi vết thương do bỏng ở chân. Sau mỗi câu trả lời, Vân chọn cách nhắm mắt lại, như thể cố dùng “bóng tối” đó để che đậy sự đau đớn của mình.

Vân khai, bản thân là giảng viên ngành Công nghệ thông tin với thu nhập 25 triệu đồng/tháng, chưa kể dạy ngoài giờ, hàng tháng chồng chuyển cho cô 10-15 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình cô, cơ bản là đã ổn định.

Từ khi nghi ngờ rồi biết chồng có nhân tình, cô bắt đầu bị khủng hoảng tinh thần. “Ngày xảy ra vụ việc, khi hai vợ chồng cãi nhau, bị cáo ra ngoài uống nước 3 lần để giữ bình tĩnh. Bị cáo hỏi chồng “anh nói sống với nhau thì phải tin tưởng, trong khi anh xác nhận có mối quan hệ với người khác” nghĩa là sao?, thì chồng đã có nhiều lời lẽ xúc phạm nhân phẩm của bị cáo. Anh Tiến đòi phá hết, đốt hết, nên bị cáo ra lấy can xăng vào, nói anh đốt đi…”, Vân giãi bày.

Cũng theo lời Vân, do cô vấp chân trúng can xăng nên can xăng đổ, ướt chân, Tiến dúi đầu cô xuống và chửi bới, trong lúc phẫn nộ, không thể kiểm soát cảm xúc, cô đã đi ra uống nước và lấy bật lửa.

“Tôi sẽ chết cho anh xem, tôi chết trước mặt anh cho anh xem”, bị cáo cầm bật lửa vừa nói như vậy. Bị cáo chỉ muốn đe dọa, bị cáo không ý thức nhấn vào bật lửa, rồi nhấn hồi nào không biết, bị cáo thực sự không xác định giết chồng…”, Vân bật khóc nức nở.

Điều khiến Vân đau đớn nhất đó là cả cuộc đời này cô chọn cách hy sinh tất cả để cho các con có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc nhưng đến cùng cô chẳng còn gì. Bản thân mang tội giết chồng, đến quyền nuôi con cũng bị… pháp luật tước bỏ, điều này thực sự đã đẩy nỗi đau của một người phụ nữ như Vân chạm đáy.

Từ một giảng viên đứng lớp được học trò kính trọng, đồng nghiệp mến thương, lửa giận đã đốt cháy hết tất thảy những gì Vân có. Vân từ chỗ “giàu có” về mọi thứ, phút chốc đã trở thành kẻ bần cùng.

Nếu như trước đó, người chồng “không chung thủy” đối với Vân là oán, là hận thì giờ này cô lại oán hận chính bản thân mình. Cho dù lý do dẫn đến cái chết của chồng là “bất đắc dĩ”, là “bất khả kháng”, là gì đi chăng nữa… nhưng nếu Vân biết điểm dừng, biết giữ lại những gì cần giữ, biết buông bỏ đúng lúc, đúng cách thì có thể mọi chuyện đã khác, rất khác.

Nói lời sau cùng, Vân đã khóc rất nhiều. Cô xin lỗi cha mẹ nội, ngoại hai bên cùng các con. Vân cũng xin lỗi nhà trường, các em sinh viên, đồng thời chấp nhận yêu cầu về việc bồi thường cho gia đình nạn nhân theo quy định pháp luật, bán tài sản để cho con ăn học.

Vân tự nhận “bị cáo trở thành vết nhơ trong ngành giáo dục”, là người con, người mẹ tồi, có chết cũng không hết tội. Vân khẩn cầu cha mẹ, người thân thay vợ chồng cô nuôi các con khôn lớn.

Lê Thị Ngọc Vân biết rằng mức án Chung thân về tội “Giết người” mà cô nhận ngày hôm nay so với sự mất mát mà người thân cô gánh chịu chẳng sá gì, nhưng cô bất lực vì bản thân không có khả năng để đem mọi thứ đặt lại ví trí ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau chạm đáy của nữ giảng viên giết chồng trong cơn giận