Nói bậy: Cả làng... "toét mắt"?

Nhật Minh| 30/03/2016 14:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân bàn chuyện nói bậy, một chuyên gia giảng dạy văn hóa doanh nghiệp đã phải ngao ngán thốt lên, ồ thì rằng là, “Hóa ra cũng chỉ… “cá mè một lứa”!"...

Giữa năm 2015, một bài báo giật tít gây shock “Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội”. Choáng. Hoang mang. Tức giận. Sôi máu… Người Hà Nội “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” sao lại có thể bị gắn với “cái thứ xấu xí” như vậy chứ?! Đất Thủ đô ngàn năm văn hiến mà lại bị báo động nạn… “mất dạy” ư?

Ấy thế nhưng…

Nói bậy: Cả làng...

Nói tục tràn lan. Ảnh minh họa

Cá mè một lứa

Một dạo, hiện tượng văng tục, chửi bậy trong học sinh trở thành vấn đề nóng trên báo chí. Ngồi quán trà đá, hay “lướt” facebook khoảng dăm phút, nhiều người sẽ thấy “bội thực” khi nghe các em chửi như hát hay. Hàng loạt bài viết tổng hợp, phân tích, bình luận, phỏng vấn chuyên gia về vấn nạn, song mọi thứ cũng chỉ dừng lại ở đó, dù cho nguyên nhân được lý giải, một vài biện pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa được đưa ra.

Lứa học trò chúng tôi vẫn thường nhắc lại câu chuyện về một cô giáo dạy cấp 3 nổi tiếng “chửi học sinh như chửi con” trong mỗi lần họp lớp. Bữa nọ, cô đang say sưa giảng bài, bỗng nhiên nghe thấy tiếng xì xào cuối lớp. Hai cậu bạn tranh cãi nhau, rồi bỗng nhiên tuôn ra vài từ khó nghe. Cô gọi lên, yêu cầu hai cậu nhắc lại những gì vừa nói. Im lặng. 5 phút trôi qua. Giận quá, cô xả một tràng. Và tất nhiên, kèm theo đó là những lời chẳng lấy gì làm… thơm tho.

RPGS. Văn Như Cương, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, hay PGS.TS. Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học đã phải thẳng thắn thừa nhận văng tục, chửi bậy một hiện tượng phổ biến, và lỗi một phần nằm ở người lớn cũng như xã hội.

Lại một công ty nọ, ông giám đốc ra quy định “ứng xử văn minh, lịch sự, cấm nói tục, chửi bậy” tại nơi làm việc. Bộ phận hành chính kiêm phụ trách văn hóa - đời sống có nhiệm vụ bắt lỗi - xử phạt. Hình thức phạt là cho chú Pi (lợn đất) ăn, số tiền tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ. Chuyện hài hước xảy ra khi một lần, trước cuộc họp có cả đối tác tham gia, ông giám đốc tranh luận hăng quá và… “lỡ lời”.

Gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, đặc biệt là facebook ra đời, đã trở thành một phương tiện truyền thông đắc lực đưa “bún mắng, cháo chửi” trở thành “thương hiệu”. Nhiều người thậm chí có thể kể một cách rành rọt địa chỉ, tên chủ quán, thậm chí còn tìm đến ăn thử để… thỏa trí tò mò.

Một chuyên gia giảng dạy văn hóa doanh nghiệp đã phải ngao ngán thốt lên, ồ thì rằng là, “Hóa ra cũng chỉ… “cá mè một lứa”! Anh học cao cũng chả khác dân phụ hồ. Bà 60 cũng chả “kém” đứa con nít”.

Nói bậy: Cả làng...

Trên mạng xã hội Facebook có rất những hội thích... nói tục.

Lệch chuẩn, dị biệt được “nâng cấp”

Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, chửi thề, chửi bậy thực chất là một phần ngôn ngữ hữu ích có thể giúp chúng ta bày tỏ những tình cảm mạnh mẽ hoặc phản ứng với những tình huống căng thẳng cao độ. Trước kia, tiếng chửi thường gắn với đời sống người lao động. Là hành vi lệch chuẩn, song tiếng chửi được dùng để thể hiện sự “phản kháng” bằng ngôn ngữ của tầng lớp “thấp cổ bé họng” khi bị “đè đầu cưỡi cổ”. Cũng có một thời, chửi trở thành cái “mốt” của tầng lớp chức sắc, xem nói tục, chửi bậy là… quần chúng, gần gũi, thân mật, giản dị, ấm cúng…

Nhiều người cho rằng, khi xã hội ngày càng văn minh, phát triển thì hành vi ứng xử giữa người với người cũng lịch sự, văn hóa hơn. Thế nhưng có vẻ như tiếng chửi “bình dân” cũng được “nâng cấp” phần nào. “Xu hướng” nói tục chuyển dần từ ngoài chợ rau, chốn hàng tôm, hàng cá, vào nhà hàng, khách sạn... Ranh giới sang hèn bị xóa nhòa.

Một số người ăn mặc lịch sự, comple, cravat chỉn chu, đạo mạo dõng dạc tuyên bố “Chửi là hành vi của kẻ vô học, vô văn hóa”, nhưng sau đó lại sẵn sàng “chửi” đồng nghiệp không khác gì ngoài chợ, thậm chí còn dẫn đến ẩu đả, chém giết nhau.

Nói bậy: Cả làng...

Án mạng có thể xảy ra chỉ vì câu chửi bậy

Các ngôi sao, những người nổi tiếng trong giới showbiz vốn luôn ý thức phải tôn trọng khán giả, giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt công chúng thì “bỗng nhiên” muốn “sống thật với cảm xúc của mình”. Đánh chửi ngoài đường, chửi nhau trên báo, trên mạng xã hội, v.v… và v.vv… Ấy thế nhưng, điều kỳ lạ là, khi nghe idol (thần tượng) của mình buông lời tục tĩu, fan (người hâm mộ) lại vỗ tay hưởng ứng, khen sống thật (!?)

Kết

Năm 2015, khi UBND TP. Hà Nội “tuyên chiến” với nạn nói tục, chửi bậy, nhiều  người lên tiếng chỉ trích, cho đó là việc “nhảm”. Đầu năm nay, Bộ Xây dựng lại ra Thông tư 02, trong phần phụ lục Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư có nội dung cấm: “Gây mất an ninh, trật tự, nói tục, chửi bậy, sử dụng truyền thanh, truyền hình hoặc các thiết bị phát ra âm thanh gây ồn ào làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư”. Mặc dù chỉ còn ít ngày nữa quy định này sẽ được chính thức áp dụng (từ 2/4), nhưng câu chuyện về cấm nói tục, chửi bậy lại khiến dư luận dậy sóng từ quán trà đá vỉa hè đến khu chung cư, dân công sở…

Theo PGS. Trịnh Hòa Bình, “Ở đời rất cần các quy tắc. Nhưng có điều các quy tắc phải ra đời và đạt được sự đồng thuận của xã hội và xuất phát từ nhu cầu cuộc sống”. Vì thế, xin không bàn đến tính đúng sai, khả thi hay không khả thi của quy định - bị nhiều người coi là “kỳ quặc” này.

Nói bậy: Cả làng...

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ trò chơi: tự viết ra cảm nghĩ của mình ra một tờ giấy và đưa lại cho nhóm trưởng? Vậy thì, hãy thử một lần đặt mình vào vị trí người nghe khi “được” chửi, “được nghe” những lời nói bậy bạ, tục tĩu từ người thân quen, hay những người xa lạ, và mô tả lại một cách cụ thể “cảm giác của bản thân”!

“Cấm nói tục, chửi bậy là một quy định đánh vào ý thức của mỗi cá nhân, vì thế việc đưa ra các hình thức xử lý một cách bài bản, hợp lý là khá khó, cần cân nhắc cẩn trọng và có văn bản hướng dẫn rõ ràng. Tuy nhiên, xin đừng đem câu “toét mắt là tại hướng đình” để bao biện cho hành vi xấu của số đông. Nếu có thể áp dụng quy định cấm nói tục, chửi bậy trong một cộng đồng nhỏ, thì dần dần nó sẽ trở thành thói quen, cũng như đến đèn đỏ thì phải dừng, ra đường phải đội mũ bảo hiểm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nói bậy: Cả làng... "toét mắt"?