Nỗ lực vì sự bình yên trên mỗi cung đường

Gia Bảo| 14/03/2019 08:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tai nạn giao thông thực sự là hiểm họa nhức nhối, đang hàng ngày đe dọa cuộc sống bình yên, tàn phá những thành quả phát triển kinh tế - xã hội mà con người đạt được. Sau mỗi vụ TNGT là sự khủng hoảng sâu sắc cả về vật chất lẫn tinh thần cho mỗi người.

Nhiều mô hình hay, cách làm mới

Bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), giảm thiểu TNGT từ lâu đã trở thành vấn đề xã hội mang tính chất toàn cầu. Hậu quả mà TNGT gây ra là vô cùng to lớn, không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản mà còn đem lại những tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội. Vấn đề giảm thiểu TNGT, thiết lập và giữ ổn định TTATGT là bài toán nan giải đặt ra cho hầu hết các quốc gia, đòi hỏi các chính phủ phải cùng chung tay, thiết thực hành động vì mục tiêu chung bảo đảm tính mạng con người là trên hết.

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đi lại và vận chuyển của người dân ngày càng gia tăng, bên cạnh đó là sự bùng nổ của phương tiện giao thông cơ giới thì việc duy trì mức độ kéo giảm TNGT là thách thức không nhỏ. Trong thời gian vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cũng như Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền pháp luật ATGT, chủ động phối hợp với các đơn vị, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như phối hợp với các Đài truyền hình, Đài phát thanh tăng cường thời lượng, tin, bài tuyên truyền hoạt động bảo đảm TTATGT dịp trong các dịp cao điểm. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT và phê phán các hành vi vi phạm thường gặp như vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy.

Nỗ lực vì sự bình yên trên mỗi cung đường

CSGT tỉnh Hưng Yên tăng cường tuần tra, kiểm soát

Nhiều mô hình hay, cách làm mới trong công tác tuyên truyền ở các tỉnh, thành phố được áp dụng, tiêu biểu như: Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Yên Bái, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... triển khai tổ chức ký cam kết bảo đảm trật tự ATGT đến các gia đình, cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, học sinh, sinh viên. Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Phú yên, Quảng Ngãi, Điện Biên, Hưng Yên duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền về “Phòng, chống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”, “Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông” bằng nhiều hình thức, trực quan sinh động; Đắk Nông tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động về pháp luật giao thông đến nhân dân ở vùng sâu, vùng xa; An Giang nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán các hành vi vi phạm ATGT trên hệ thống đài phát thanh - truyền hình. Đồng Tháp với mô hình tuyên truyền, giáo dục cho người đến đăng ký xe và người vi phạm về TTATGT đến thực hiện quyết định xử phạt, tổ chức tuyên truyền cá biệt đối với thanh niên có biểu hiện vi phạm về TTATGT và cho ký cam kết…

Xuống từng khu phố để tuyên truyền

Xác định nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông hầu hết là do ý thức chủ quan, tùy tiện của người tham gia giao thông, do vậy, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Hưng Yên đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho mọi người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và công nhân tại các doanh nghiệp ven các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Nhân rộng và duy trì hoạt động của các Tổ tự quản và Thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, Phòng CSGT còn tăng cường tối đa lực lượng thường xuyên có mặt trên các tuyến giao thông, nhất là các tuyến đường trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn giao thông và trật tự công cộng để làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông như: không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chạy quá tốc độ quy định, đi sai làn đường, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia…

Đồng thời, các lực lượng chức năng của tỉnh Hưng Yên cũng liên tục tuần tra, kiểm soát, xử lý xe ô tô chở quá tải, xe ô tô vi phạm cơi nới thùng chở hàng, xe ô tô hết niên hạn sử dụng và xử lý vi phạm nồng độ cồn. Để thực hiện hiệu quả, các đơn vị đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, từ việc kiểm tra công khai đến việc thành lập các tổ công tác, hóa trang, trinh sát để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, ATGT và trật tự công cộng.

Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, ở Ninh Thuận, một số huyện còn cử cán bộ xuống từng địa bàn, tổ chức vận động người dân ký cam kết bảo đảm ATGT. Ví như ở huyện Ninh Phước, để việc ký cam kết có hiệu quả, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về nội dung Luật Giao thông đường bộ đến tận trường học, khu dân cư trên địa bàn. Trong đó, đã tổ chức nhiều đợt chiếu phim ở các xã trọng điểm thường xảy ra TNGT như Phước Vinh, Phước Hải, An Hải. Nhiều địa phương đã xây dựng, phát động các mô hình về đảm bảo trật tự ATGT như: Tổ tự quản ATGT, đoạn đường tự quản…

Phát huy vai trò của các tộc họ tự quản, Ban công tác Mặt trận của huyện Ninh Phước cũng đã vận động các vị chức sắc, tôn giáo, trí thức, người có uy tín trong cộng đồng lồng ghép các nội dung về ATGT trong các buổi sinh hoạt để giáo dục con em mình tham gia tích cực. Từ những nỗ lực trên, đến nay, đã có 100% thôn, khu phố tổ chức phát động và ký cam kết đảm bảo ATGT, 28.948 hộ ký cam kết, đạt tỷ lệ 90%. Ngoài ra, ban giám hiệu các trường học còn tổ chức cho giáo viên, học sinh ký cam kết xây dựng Cổng trường trật tự ATGT...

Ông Lê Khắc Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận) cho biết: “Từ khi tham gia ký cam kết, số vụ tai nạn, va chạm giao thông ở thị trấn giảm nhiều ở các trục đường chính; các đối tượng thường vi phạm được gia đình giáo dục, nhắc nhở chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông”.

Nỗ lực vì sự bình yên trên mỗi cung đường

Phòng CSGT tỉnh Lai Châu hướng dẫn lái xe ký cam kết bảo đảm ATGT

Vận động tới từng lái xe

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn thảm khốc do xe khách, xe tải gây ra khiến không ít người thấy hoang mang, lo lắng. Nguyên nhân hầu hết do lái xe chủ quan, đi lấn làn, vượt quá tốc độ quy định gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Phòng CSGT, Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông vận tải), Bến xe khách tỉnh tổ chức ký cam kết bảo đảm ATGT (ATGT) trong dịp Tết Nguyên đán với các lái xe và phụ xe của 33 nhà xe vận chuyển hành khách tại Bến xe khách của tỉnh.

Theo đó, lái, phụ xe của 33 nhà xe vận hành các tuyến đường dài nội tỉnh, một số tỉnh lân cận ký cam kết với 11 nội dung liên quan đến giữ vững an ninh, ATGT khi điều khiển xe. Cụ thể như nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Khi lưu hành phương tiện có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định. Đi đúng tốc độ làn đường, phần đường theo quy định. Không uống rượu bia, không sử dụng chất ma túy khi điều khiển phương tiện. Chở đúng số lượng hành khách theo quy định. Không chở hàng hóa dễ cháy, nổ, độc, hại và bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Phối hợp với lực lượng CSGT khi có vụ việc xảy ra...

Một lãnh đạo của Phòng CSGT, Công an tỉnh Lai Châu cho biết việc ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông này được thực hiện từ nhiều năm nay. Cứ vào dịp tết Nguyên đán, Phòng đều phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ký cam kết với lái, phụ xe của các nhà xe. Qua đó tuyên truyền, hướng dẫn đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn cho người và phường tiện khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, trật tự xã hội.

Nỗ lực vì sự bình yên trên mỗi cung đường

An Giang tổ chức tuyên truyền về ATGT đến các trường học

Còn ở An Giang, nhằm đảm bảo ATGT cho học sinh, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, trong đó tập trung chủ yếu vào hoạt động đảm bảo ATGT cho HS đến trường. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học thực hiện “Tháng cao điểm ATGT cho HS, sinh viên (SV) đến trường”. Đồng thời, yêu cầu cha, mẹ HS ký cam kết và giám sát thực hiện cam kết chấp hành quy định ATGT cho HS, đặc biệt là phải đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em khi đi môtô, xe máy; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường học.

Đồng thời, Công an tỉnh cũng phối hợp với các nhà trường, cơ sở giáo dục để tuyên truyền và giáo dục pháp luật ATGT cho HS, SV; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm lòng, lề đường và hành lang ATGT trên các tuyến đường gần các trường học; tổ chức, phân luồng giao thông trên các tuyến đường trọng điểm trong giờ đến và tan trường; dừng xe, kiểm tra nhắc nhở HS, cha, mẹ HS chấp hành quy định về ATGT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT liên quan đến trẻ em, đặc biệt là hành vi người lớn chở trẻ em đi môtô, xe máy, xe đạp điện không đội MBH. Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị, xã hội tiếp tục phối hợp triển khai các chương trình tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tực giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vì sự bình yên trên mỗi cung đường