Mấy năm gần đây, giao thông đường thủy ngày càng phát triển, kéo theo tình trạng mất an toàn cũng như số vụ tai nạn có chiều hướng gia tăng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho loại hình giao thông này.
Chủ quan, thiếu ý thức tuân thủ an toàn
Trong các phương thức vận tải, vận tải bằng đường thủy nội địa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giao thông vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý ở nước ta. Phải thừa nhận rằng, vận tải đường thủy nội địa đang giữ đà tăng trưởng ổn định, đặc biệt là sự phát triển “nóng” của tuyến vận tải ven biển với tỷ lệ tăng trưởng rất cao, trên 250%. Đây là hạt nhân tích cực trong việc “chia lửa” cho vận tải đường bộ, cũng như phát triển vận tải theo chiến lược chung của ngành GTVT. Thế nhưng, tỉ lệ nghịch với sự phát triển ấy, an toàn giao thông cho loại hình vận tải này lại chưa được sự quan tâm đúng mức. Đặc biệt là sự chủ quan, thiếu ý thức tuân thủ an toàn của cả chủ phương tiện lẫn hành khách.
Ngoài đảm nhiệm chức năng hoạt động giao thông vận tải, đường thủy nội địa còn là địa điểm để khai thác về du lịch, nuôi, trồng, đánh, bắt thủy hải sản, tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội. Có nhiều địa phương người dân chọn địa bàn sông nước làm nơi cư trú, làm việc, sinh hoạt. Chính sự chênh lệch về trình độ chuyên môn, nhiều người được đào tạo cơ bản, có bằng cấp học vấn và chứng chỉ chuyên môn cao, nhưng cũng có nhiều người tham gia giao thông, làm việc trên đường thủy nội địa có học vấn thấp, điều khiển phương tiện theo thói quen “cha truyền con nối”.
Chính vì thực trạng này mà nhiều người điều khiển phương tiện thuỷ khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa không chấp hành các quy định của Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, trong giao thông đường thủy, vai trò của người lái tàu, lái ghe rất quan trọng vì họ mang trọng trách đảm bảo sự an toàn cho hành khách, cho bản thân họ và cả cho những người cùng tham gia giao thông đường thủy khác. Đôi khi, việc vi phạm xảy ra như... cơm bữa, đặc biệt là tình trạng chở quá số người theo quy định. Điều đó khiến tàu, ghe luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Bởi một con tàu có sức chịu đựng khoảng 10 người, nhưng người lái tàu lại đẩy lên 20 hoặc 30 người, thì rõ ràng sức chịu đựng của con tàu nó quá giới hạn của nó. Khi gặp sóng to, gió lớn thì sẽ rất gây chao đảo cũng như nguy cơ đắm tàu rất là cao…
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2018, cả nước xảy ra 83 vụ TNGT đường thủy, làm chết 46 người, làm bị thương 06 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 16 vụ, tăng 1 người chết, giảm 10 người bị thương. Trong số các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn này thì do tránh vượt sai quy định chiếm đến 46,83%; 22,78% là do đâm vào chướng ngại vật, 15,19% do vi phạm quy định về điều kiện an toàn của phương tiện, 3,79% do nguyên nhân khác... Các con số này phản ánh một thực tế, tình trạng mất an toàn giao thông trên các tuyến đường thuỷ nội địa hiện nay đa phần là xuất phát từ ý thức chủ quan, không tuân thủ những quy tắc đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ.
Cùng với sự chủ quan của người tham gia giao thông thì cũng phải thừa nhận rằng chính sự lỏng lẻo trong quản lý của các địa phương đã khiến cho tình hình tai nạn giao thông liên quan đến đường thuỷ liên tục gia tăng trong thời gian qua. Phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, thậm chí cũ nát song vẫn tham gia giao thông và đưa đón số lượng khách lớn.
Phải mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy
Thực tế, trong những năm qua, số phương tiện quá hạn sử dụng, phương tiện hoán cải không đúng quy định, phương tiện cũ nát, phương tiện chưa đăng ký còn nhiều và vẫn lén lút chuyên chở hàng hóa, chở người trên các tuyến đường thủy, nhất là trên các tuyến sông nhỏ, trong khi việc đào tạo thuyền viên, người lái và hoạt động của các bến thủy tại một số địa phương cũng có nhiều bất cập. Điều đó, làm phát sinh tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, hiện tượng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy diễn ra ở hầu hết các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các khu vực qua đô thị, khu dân cư nơi có đường thủy nội địa đi qua, gây nhiều cản trở đối với hoạt động vận tải và tiềm ẩn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; đặc biệt là việc khai thác cát, sỏi trái phép làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông; uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành, lĩnh vực khác và cuộc sống của người dân.
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành
Để đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nội địa đang ở mức đáng báo động như hiện nay thì theo nhiều chuyên gia, việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa bằng những hình thức, biện pháp sát thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng và dân trí từng nơi. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài, tránh “đánh trống bỏ dùi” như thời gian qua.
Chính nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường thủy của người dân còn nhiều hạn chế là nguyên nhân dẫn tới gia tăng tai nạn giao thông đường thủy thời gian gần đây. Vì vậy, để kiểm soát và giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí đến mức thấp nhất thì cần thiết phải tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa 3 Cục (Cục Đường thủy nội địa, Cục CSGT, Cục Đăng kiểm Việt Nam) để đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát, kiên quyết không cấp phép rời cảng, bến đối với các phương tiện vi phạm chở khách quá số người quy định, chở vượt trọng tải cho phép, thiếu trang thiết bị bảo đảm an toàn.
Một vấn đề khác cũng cần phải chấn chỉnh và thực hiện tốt hơn. Đó là công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Hiện công tác thanh tra, kiểm tra mới chỉ tập trung ở một số địa bàn, một số nhóm đối tượng, trên các tuyến trọng điểm và trong thời gian cao điểm mà chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục. Tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn xảy ra.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát
Đó là chưa kể đến tình trạng tàu thuyền vận chuyển, khai thác cát sỏi trái phép xảy ra phổ biến ở hầu hết các địa phương đã làm ảnh hưởng rất lớn đến ATGT đường thủy. Ví như tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ trong vòng 1 năm (2018), Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc) đã phát hiện, bắt giữ 14 vụ khai thác cát trái phép. Trong đó, thụ lý, giải quyết 1 vụ, tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định xử phạt 2 trường hợp với số tiền hơn 72 triệu đồng, tịch thu 42,84m3 cát đen; bàn giao cho các đơn vị: Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TP. Hà Nội, Công an các huyện Yên Lạc, Sông Lô, Vĩnh Tường giải quyết theo thẩm quyền 13 vụ; phát hiện và xử lý 205 trường hợp vi phạm về ANTT với số tiền hơn 400 triệu đồng. Khi tham gia đoàn liên ngành của UBND tỉnh về kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, đội đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt 18 trường hợp với số tiền hơn 100 triệu đồng.
Nhằm phát triển và bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”. Mục tiêu của Đề án là xác định, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người tham gia giao thông và người dân sống dọc các tuyến đường thủy nội địa; tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, phương tiện đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.
Xung quanh Đề án này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải lưu ý khi đề xuất các giải pháp thực hiện cần gắn với công tác dự báo, đặc biệt dự báo về số lượng phương tiện, thuyền viên và người điều khiển phương tiện để đạt được mục tiêu của Đề án; đồng thời, chú trọng rà soát các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, quy định về mức và hình thức xử phạt, như: có tịch thu được phương tiện là tang vật, có hành vi vi phạm hay không; mức xử phạt vi phạm hành chính, các quy định về xử lý hình sự các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa đã đủ sức răn đe chưa…; các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, bao gồm các điều kiện hoạt động của phương tiện và thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy nội địa; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng cần rà soát các quy định có liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kiểm tra, kiểm soát hành trình của phương tiện và tuần tra, kiểm tra hoạt động của phương tiện thủy nội địa; các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đến an toàn giao thông đường thủy nội địa; xác định luồng, tuyến, các điểm đen về an toàn giao thông để điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết.