Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo chuyên đề về cân đối thu chi NSNN. Bộ Tài chính sẽ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế, tránh thất thu NSNN.
Ngân sách địa phương tăng thu cao
Tại buổi họp báo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, năm 2015 dù ngân sách Trung ương hụt thu khoảng 31.000 tỷ đồng so với dự toán nhưng tổng thu NSNN năm 2015 vẫn tăng và vượt dự toán khoảng 17.400 tỷ đồng trong đó ngân sách địa phương tăng thu khoảng 47.400 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, số thu NSNN tăng nhờ vào tăng trưởng kinh tế (GDP) năm nay đạt khá, dự kiến khoảng 6,5%. Cùng với đó là chỉ số CPI thấp từ 1,5- 2%, có nghĩa là đầu vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế có lợi.
Lý giải việc việc hụt thu 31 nghìn tỷ đồng ngân sách trung ương , Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết do giá dầu thô giảm so với dự toán đầu năm từ mức 100 USD/1 thùng, nhưng thực tế năm nay chỉ khoảng 50- 55 USD/1 thùng. Bên cạnh đó, do việc thực hiện cam kết hội nhập ASEAN cũng là một phần tác động giảm thu NSNN.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong khi trình Quốc hội, Chính phủ có kiến nghị đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 10.000 tỷ từ phần đã thoái vốn từ doanh nghiệp Nhà nước để bù hụt thu ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu rõ quan điểm, sẽ tập trung các giải pháp làm sao thu đúng, thu đủ, thu kịp thời để đảm bảo cân đối NSTƯ, giảm dần số bù đắp 10.000 tỷ đồng này ở mức ít nhất.
Chống thất thu NSNN là nhiệm vụ đặt ra cho những tháng cuối năm
Hiện nay nợ đọng thuế của khu vực doanh nghiệp lên tới 76.000 tỷ đồng. Trong số nợ này, ngành Thuế tập trung vào khoản nợ 34.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp có khả năng nộp mà không chấp hành nộp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế, tránh thất thu NSNN. Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện Việt Nam có 506.000 doanh nghiệp tự khai tự nộp thuế. Báo cáo cập nhật cho biết, kết quả thanh tra 9 tháng, cơ quan thuế đã lập biên bản trên 8.000 tỷ đồng truy thu thuế và đã thu về ngân sách 5.000 tỷ đồng còn lại khoảng 3 nghìn tỷ đồng nữa ngành đặt quyết tâm phải thu.
Đề cập đến vấn đề nợ công, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, theo dự toán ngân sách hiện nay nếu tính đủ cả vốn vay ODA năm 2016 nợ công của Việt Nam là 63,2%. Ông Tuấn cho biết con số này vẫn trong ngưỡng an toàn.
Giải pháp phát triển kinh tế
Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN năm 2015, sẵn sàng ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, đảm bảo sự chủ động trong điều hành và giữ vững cân đối NSNN năm 2015, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng sau:
Thứ nhất, tập trung sức tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển SX-KD, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% đã đề ra, tạo điều kiện phát triển nguồn thu ổn định, vững chắc cho NSNN.
Thứ hai, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu từ nội địa và XNK ở mức cao nhất để bù cho số giảm thu từ dầu thô, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2015.
Thứ ba, tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định; trong đó tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách và 50% nguồn dự phòng của ngân sách các cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.
Thứ tư, quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo không vượt mức trần cho phép 65% GDP. Cơ cấu lại các khoản nợ công, tăng các khoản vay trung, dài hạn và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay. Tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm.
Thứ năm, tiếp tục nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo lộ trình. Tăng cường kiểm tra, thanh tra về giá.
Thứ sáu, khẩn trương triển khai thực hiện tốt Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bảy là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Biện pháp chống thất thu NSNN
Bộ Tài chính xác định tiếp tục tăng cường kỷ luật ngân sách thông qua việc chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan các cấp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp chống thất thu NSNN, kiểm soát chặt tình trạng chuyển giá... Bên cạnh đó là làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, xử lý nợ đọng, nhằm đảm bảo sự công bằng cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Trong lĩnh vực Thuế, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT, nhằm chống thất thu NSNN, kiểm soát tình trạng chuyển giá...
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo theo phương pháp phân tích rủi ro, tập trung thanh tra, kiểm tra vào các doanh nghiệp có nhiều rủi ro cao về thuế, các lĩnh vực còn nhiều dư địa thu và các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; kiểm soát chặt chẽ tình hình hoàn thuế GTGT, chống các hành vi gian lận về thuế. Hàng năm Bộ Tài chính đều giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp; chỉ tiêu thu hồi nợ đọng thuế cho cơ quan thuế các cấp…
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: Thực hiện rà soát, tổng hợp đầy đủ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa phù hợp, làm giảm nguồn thu ngân sách để báo cáo, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản hướng dẫn, đảm bảo cơ sở pháp lý để thu đúng, thu đủ các khoản thu vào NSNN.
Ngoài ra, theo dõi, phân tích kim ngạch XNK, kết quả thu và tác động của hoạt động kinh tế xã hội để đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả; tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu, phát hiện kịp thời các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng, loại hình kinh doanh có khả năng thu lớn để kịp thời để xuất, tham mưu các cấp trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2014, xây dựng dự toán thu NSNN năm 2015.
Tập trung lực lượng xây dựng, cập nhật, ứng dụng Danh mục hàng hóa rủi ro về trị giá, Danh mục hàng hóa rủi ro về phân loại, Danh mục hàng hóa miễn thuế hàng đầu tư; cập nhật dữ liệu để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp thực hiện không đúng quy định.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ xây dựng các biện pháp thanh tra, kiểm tra mới để phù hợp với cải cách thủ tục hành chính như: thanh tra, kiểm tra thông qua hệ thống tiêu chí rủi ro phù hợp; thông qua hệ thống tài khoản giao dịch, vòng luân chuyển dòng tiền… để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi gian lận, trốn thuế. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các DN có nhiều rủi ro cao về thuế, các DN có dấu hiệu chuyển giá, thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực còn nhiều dư địa về thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng chính sách chế độ về thuế, các chế tài xử lý vi phạm về thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra nhằm củng cố vai trò răn đe, các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và tội phạm nảy sinh trong việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế.