Báo cáo tài chính quý III/2021 của các ngân hàng đang dần hé lộ. Mặc dù chưa có con số đầy đủ nhưng gần như chắc chắn là kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dẫn tới bức tranh lợi nhuận của ngân hàng trong quý III/2021 dần có sự phân hóa.
Bức tranh trái ngược về tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng 9 tháng
9 tháng đầu năm, đã có 6 ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 3 ngân hàng.
Mặc dù có một số dự báo cho rằng Techcombank sẽ vượt Vietcombank về lợi nhuận trong quý III/2021, nhưng trên thực tế, "ông lớn" Vietcombank cho thấy rằng, vị trí "quán quân" lợi nhuận của nhà băng này vẫn còn rất vững vàng.
Quý III/2021, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Techcombank tăng 40% và ghi nhận lãi trước thuế quý III ở mức 5.562 tỷ đồng, kém Vietcombank chưa đến 200 tỷ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận Vietcombank đạt 19.311 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ và duy trì vị trí "quán quân" lợi nhuận. Trong khi đó, "á quân" Techcombank có lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 ở mức 17.098 tỷ đồng.
3 ngân hàng tiếp theo có mặt trong Top 5 vẫn là những cái tên quen thuộc VietinBank, MB, VPBank với lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 13.911 tỷ đồng, 11.885 tỷ đồng và 11.736 tỷ đồng.
5 ngân hàng còn lại trong Top 10 ngân hàng cổ phần lãi cao nhất gồm BIDV (10.733 tỷ đồng), ACB (8.968 tỷ đồng), HDBank (6.085 tỷ đồng), VIB (5.339 tỷ), SHB (5.055 tỷ).
Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại ghi nhận lợi nhuận quý III sụt giảm so với cùng kỳ như Bản Việt giảm 36%; VietBank giảm 21%, hoặc tăng rất thấp như LienVietPostBank chỉ tăng 4%, SaiGonBank tăng 11%, ABBank tăng 16%.
Nhóm NHTM gốc quốc doanh được cho là khó có sự đột phá trong quý III này, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm lại, mà diễn biến giá cổ phiếu của nhóm này thời gian qua liên tục đi xuống đã phần nào phản ánh những dự báo này.
Cụ thể, trong nhóm “Big 4” mới chỉ có VietinBank công bố lãi 32%, ba ngân hàng còn lại chưa công bố. Trong khi đó, theo ước tính của SSI Research, trong quý III/2021, lợi nhuận của Vietcombank chỉ tăng 0,3%. Ước cả năm, Vietcombank tăng lợi nhuận 5,4%. Nguyên nhân doanh thu của ngân hàng bị ảnh hưởng liên tiếp do giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng. Trong năm nay, Vietcombank cũng dự kiến giảm 7.100 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ khách hàng.
Trong khi đó, lợi nhuận của Agribank chắc chắn cũng chỉ tăng ở mức rất thấp do ngân hàng này ước tính cắt giảm khoảng 7.000 tỷ đồng lợi nhuận năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ tính khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến 31/8, tổng số tiền lãi mà Agribank cắt giảm cho khách hàng đã lên tới 4.726 tỷ đồng, cao nhất trong các ngân hàng.
BIDV cũng là ngân hàng có mức giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng tương tự các ngân hàng còn lại, song do xuất phát từ nền thấp của năm 2020, có thể năm nay, lợi nhuận BIDV tăng trưởng tốt hơn các ngân hàng còn lại.
Yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận các ngân hàng
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng khiến lợi nhuận giữa các ngân hàng có sự phân hóa trong quý III vừa qua.
Đầu tiên, nhóm NHTM gốc quốc doanh từ trước đến nay ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn có nhiệm vụ chính trị là hỗ trợ cho nền kinh tế giữ được sự ổn định, cũng như luôn là "đầu tàu" thực thi những định hướng chính sách của cơ quan quản lý.
Vì vậy, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng vừa qua, các ngân hàng gốc quốc doanh phải đi đầu trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và khách hàng nói riêng. Thực tế là trong hơn một năm qua, các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank hay BIDV đã phải hy sinh một phần lợi nhuận đáng kể thông qua các chính sách hỗ trợ giảm, miễn lãi cho khách hàng.
Ngoài ra, không như các NHTM tư nhân khi giảm lãi suất cho vay thường có sự chọn lọc khách hàng, hoặc chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay mới, nhóm NHTM gốc quốc doanh luôn mạnh tay cắt giảm lãi suất cho vay nhiều hơn trong thời gian qua, và những mức cắt giảm hay lãi suất ưu đãi thường áp dụng luôn cho cả khách hàng hiện hữu.
Yếu tố thứ hai là phân khúc khách hàng mà các ngân hàng theo đuổi cũng có sự tác động khác nhau lên kết quả kinh doanh giữa các ngân hàng trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Với những ngân hàng bán buôn như nhóm NHTM gốc quốc doanh, rõ ràng dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ điêu đứng và do đó buộc các ngân hàng này phải có chính sách hỗ trợ kịp thời, không chỉ là giảm, miễn lãi mà còn phải tái cơ cấu nợ với số lượng lớn, theo đó không thể tiếp tục ghi nhận lãi dự thu cũng như gây áp lực lên chi phí trích lập dự phòng.
Ngược lại, những NHTM tư nhân lại tập trung vào phân khúc bán lẻ với nền tảng là phát triển khách hàng cá nhân trong suốt nhiều năm qua, do đó mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ thấp hơn.
Đơn cử những ngân hàng như Techcombank hay VIB có thế mạnh về các sản phẩm cho vay mua nhà, mua ô tô, với phân khúc khách hàng cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu, làm việc văn phòng, và nhóm khách hàng này lại ít bị ảnh hưởng nhất trong dịch bệnh vừa qua do vẫn có thể làm việc tại nhà và duy trì được nguồn thu nhập thường xuyên.
Yếu tố thứ ba đến từ quá trình số hóa trong hoạt động. Theo đó những ngân hàng như VPBank, TPBank, OCB cũng như cả Techcombank... những năm gần đây đã đẩy mạnh các dịch vụ, kênh giao dịch trực tuyến, do đó giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua trở thành cơ hội tuyệt vời cho những ngân hàng này bứt phá, chiếm lĩnh khách hàng, cũng như giảm được chi phí hoạt động.
Một yếu tố quan trọng khác là một số NHTM tư nhân trong quý III đã tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiền gửi, theo đó càng kéo giảm chi phí vốn đầu vào, tạo cơ hội cho hệ số biên lãi ròng tiếp tục được mở rộng. Cụ thể tính đến thời điểm cuối tháng 9, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn, đơn cử như kỳ hạn một tháng, của các ngân hàng như Techcombank, MBBank, Sacombank hay MSB còn thấp hơn cả nhóm ngân hàng gốc quốc doanh.
Ngoài ra, với việc tăng mạnh được vốn điều lệ thông qua các hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, cũng như phát hành các trái phiếu kỳ hạn dài 2-3 năm với lãi suất còn thấp hơn lãi suất huy động trong những tháng qua, nhóm NHTM tư nhân lớn không chỉ giảm sự phụ thuộc quá lớn vào kênh huy động tiền gửi, mà còn có điều kiện tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
Ngược lại, việc tăng vốn của nhóm NHTM gốc quốc doanh lẫn các NHTM tư nhân nhỏ thường mất nhiều thời gian hơn, do đó đã ảnh hưởng lên hệ số an toàn vốn cũng như tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này.