Một trong những điểm nhấn của Sài Gòn là hệ thống kiến trúc cổ mang hơi thở của kiến trúc Pháp với nhiều trường phái, phong cách nghệ thuật khác nhau như Bưu điện Trung tâm TP.HCM, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát lớn TP.HCM.
Những công trình này thu hút rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về lịch sử phát triển của thành phố mang tên Bác.
Bưu điện Thành phố
Kiến trúc sư thiết kế Bưu điện Thành phố cũng là người thiết kế tòa tháp Eiffel nổi tiếng tại Pháp
Bưu điện TP.HCM (số 2, đường Công xã Paris, Q.1). Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng trong khoảng 1886 - 1891, với phong cách chiết trung hiểu nôm na là sự kết hợp giữa nhiều phong cách.
Tòa nhà nổi bật với sự bố cục cân đối của các hạng mục công trình mang tính thẩm mỹ cao. Mặt tiền có kết cấu hình khối, với vòm cung phía trên các cửa. Bên trong tòa nhà là hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Các điểm tiếp nối giữa trụ và kèo sắt được thiết kế công phu, chạm khắc thành những chi tiết có hoa văn đẹp. Với hệ thống vòm cung này, tòa nhà trở nên cao, rộng rãi và thoáng mát, thích hợp với một nơi thường có nhiều người ra vào.
Ông Paul Andrew (42 tuổi), một kiến trúc sư đến từ Úc, chia sẻ: “Tòa nhà này được thiết kế bởi ông Villedieu. Ông cũng là người thiết kế tòa tháp Eiffel và là thần tượng của tôi. Kiến trúc trong tòa bưu điện này rất đặc biệt, với mái vòm lớn và hệ thống đón gió, không cần máy lạnh mà vẫn mát quanh năm”.
Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà
Đối diện với Bưu điện Trung tâm là Nhà thờ Đức Bà - một công trình được khởi công xây dựng vào năm 1877 và khánh thành năm 1880. Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ nhà thờ từ mái đến tường là một màu đỏ gạch nung không tô trát. Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ Công giáo có quy mô lớn và đặc sắc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại TP.HCM. Sau Nhà thờ Chợ Quán được xây dựng vào năm 1674 thì Nhà thờ Đức Bà cũng được coi là công trình kiến trúc cổ kính nhất của TP.HCM. Với kiến trúc theo kiểu Roman (là phong cách kiến trúc của các vùng Trung và Tây Âu vào khoảng thế kỷ 11 và thế kỷ 12) cải biên pha trộn nét Gothic (một phong cách kiến trúc bắt nguồn từ châu Âu, chủ yếu là Pháp, khoảng thế kỷ thứ 12 nên được gọi là kiến trúc kiểu Pháp).
Với đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo thức Roman và Gothic, Nhà thờ Đức Bà cùng với Bưu điện Thành phố là địa điểm tham quan ưa thích của du khách đi bộ từ khu phố Tây. Anh Sebastian (quốc tịch Tây Ban Nha, 32 tuổi), một tín đồ công giáo, cho biết: “Trước khi đến Việt Nam, bạn bè tôi ai cũng giới thiệu về kiến trúc độc đáo của nhà thờ này. Tôi đã dành một buổi sáng để đến đây tham quan và dự lễ. Kiến trúc nhà thờ này vừa giống lại khác với những nhà thờ tôi đến tham quan bên Pháp, nhất là về vị trí xây dựng với 4 mặt là đường”.
Nhà hát Lớn TP.HCM
Nhà hát lớn với những buổi biểu diễn miễn phí thu hút rất nhiều du khách quốc tế
Nhà hát Lớn TP.HCM (hay còn gọi là Nhà hát Tây), nằm trên đường Đồng Khởi, Q.1, giữa hai khách sạn lớn Caravelle và Continental. Nhà hát được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên biểu diễn nghệ thuật, đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn.
Nhà hát ngoài tầng trệt, còn hai tầng lầu tổng cộng 1.800 chỗ ngồi. Với kiến trúc Gothic đặc trưng của Pháp trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đây là nhà hát cổ nhất tại TP.HCM. Đặc trưng của lối kiến trúc này là sự phối hợp khéo léo giữa kiến trúc và điêu khắc. Trang trí điêu khắc được xem trọng, từ hình thức kiến trúc mặt ngoài đến nội thất đều đắp nhiều phù điêu và tượng nổi.
Điều khiến du khách quốc tế lưu lại Nhà hát chính là các buổi buổi diễn miễn phí của các ban nhạc trong nước lẫn quốc tế vào mỗi sáng Chủ nhật. Chị Nadiah Syafiqah (quốc tịch Malaysia, 20 tuổi) trầm trồ: “Kiến trúc nhà hát và phong cách của các ban nhạc chơi tại đây rất ấn tượng. Tại đất nước tôi rất ít những ban nhạc đánh đàn miễn phí mà hay thế này”.
Chính những tòa nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc này đã đem lại nét độc đáo cho TP.HCM, xen lẫn những tòa nhà cao tầng hiện đại tạo cho thành phố mang tên Bác một thần thái vừa hiện đại, vừa cổ xưa, đa dạng trong mắt du khách nước ngoài.