Những 'ông lớn' thu lỗ trong quý I/2021

Trang Nhi| 14/05/2021 15:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quý I/2021 đã qua, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ. Nhưng, cũng có những cái tên quen thuộc lỗ lớn trong quý này.

Trong danh sách này có những doanh nghiệp đáng chú ý là Vietnam Airlines (HVN) lỗ 4.890 tỷ đồng, Viettel Global (VGI) lỗ 106 tỷ đồng, Masan High-Tech Materials (MSR) lỗ ròng 293 tỷ đồng, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) lỗ 249 tỷ đồng, Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) lỗ ròng 104 tỷ đồng...

Trước hết, đứng đầu danh sách là Vietnam Airlines (HVN). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 của hãng, đơn vị có khoản lỗ kỷ lục 4.890 tỷ đồng. Kết quả này đào sâu khoản lỗ lũy kế tính đến 31/3/2021 lên đến 14.219 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ (14.183 tỷ đồng) khiến cổ phiếu HVN đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu không sớm khắc phục.

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, tình trạng mất cân đối tài chính của Vietnam Airlines ngày càng trầm trọng khi nợ ngắn hạn đã vượt hơn 29.000 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn, thậm chí hãng hàng không này còn sắp cạn tiền.

dn-lo-lon-1.jpg
Vietnam Airlines là một trong những "ông lớn" thu lỗ lớn quý I vừa qua.

Trên BCTC quý 1/2021, số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn cuối kỳ của công ty chỉ còn 2.077 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả lại tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 59.550 tỷ đồng trong đó nợ vay tài chính lên đến 34.334 tỷ đồng bao gồm 12.694 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 21.640 tỷ đồng nợ dài hạn.

Nguyên nhân là do tác động của COVID-19. Theo đó, việc làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 xuất hiện ngay trước Tết Âm lịch - mùa "kiếm ăn" cao điểm của ngành hàng không - đã khiến lưu lượng khách giảm mạnh. Để kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, Vietnam Airlines buộc phải giảm sâu giá vé, dẫn tới hậu quả chưa từng thấy xưa nay là hãng bị lỗ trong mùa Tết. Doanh thu dịp Tết của hãng giảm bình quân 70-80% so với cùng kỳ năm trước.

Vị trí tiếp theo là khoản lỗ của Vietttel Global (VGI). Tuy hoạt động kinh doanh tăng trưởng thuận lợi và lãi tới gần 2.000 tỷ đồng nhưng trong kết quả kinh doanh hợp nhất quý I vừa qua, Viettel Global vẫn báo lỗ 106 tỷ đồng.

Cụ thể, đơn vị có doanh thu thuần đạt 4.628 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Lãi gộp tăng tới 16%, từ 1.635 tỷ lên 1.900 tỷ đồng, đưa biên lãi gộp tăng hơn 3 điểm phần trăm lên 41,1%. Đây là quý thứ 2 trong vòng nhiều năm trở lại đây biên lãi gộp của Viettel Global đạt được mức trên 40%.

Hoạt động tài chính cũng có phần thuận lợi hơn khi giúp công ty có khoản thu nhập tài chính ròng (chênh lệch doanh thu/chi phí tài chính) 700 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ là 70 tỷ đồng.

Thế nhưng khoản lỗ của Viettel Global tới 106 tỷ đồng là do Viettel Global gặp sự kiện bất khả kháng lên quan đến những biến động chính trị tại Myanmar. Điều này đã gây tác động rất lớn đến việc quy đổi kết quả kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đây, trong đó có công ty liên kết của Viettel Global là Mytel.

Không lỗ lớn như Vietnam Airlines và Viettel Global, Masan High-Tech Materials (MSR) mặc dù có doanh thu thuần gấp 2,8 lần cùng kỳ đạt 2.963 tỷ đồng, phần lớn là doanh thu bán vonfram với tỷ trọng gần 89%. Nhưng giá vốn cũng tăng mạnh và chi phí đồng loạt tăng cao khiến công ty bị lỗ sau thuế 281 tỷ đồng và lỗ ròng 293 tỷ đồng, tăng lỗ so với kết quả cùng kỳ năm 2020.

Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) vẫn trong vòng xoáy thua lỗ khi tiếp tục lỗ thêm 249 tỷ đồng trong quý 1/2021và nâng lỗ luỹ kế vượt mốc 5.000 tỷ đồng. Trước đó, kết thúc năm 2020, DHB lỗ 1.462 tỷ đồng ghi nhận năm thứ 6 liên tiếp, Đạm Hà Bắc kinh doanh thua lỗ, mới đây ĐHĐCĐ đã thông qua con số lỗ dự kiến của năm nay là hơn 981 tỷ đồng.

Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) sau khi có KQKD 2020 ấn tượng với lợi nhuận sau thuế đạt 186 tỷ đồng vượt 173% kế hoạch đã quay đầu báo lỗ 110 tỷ đồng trong quý 1/2021 do kinh doanh dưới giá vốn.

Ngoài những khoản lỗ lớn kể trên có nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế âm trong quý I trong đó có doanh nghiệp báo lỗ 2 con số. Chẳng hạn như Điện lực Khánh Hòa (KHP) lỗ 77 tỷ đồng, Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) báo lỗ ròng 71,5 tỷ đồng, Vinasun (VNS) cũng lỗ quý thứ 5 liên tiếp, ước tính sang quý 2 công ty sẽ vẫn tiếp tục lỗ 21 tỷ đồng...

thua-lo.jpg
Ảnh minh họa.

Trước tình hình khó khăn hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm cho mình các phương án để vượt khó. Ví dụ như Suất ăn Hàng không Nội bài (NCS) đã lên kế hoạch mở rộng thêm một số lĩnh vực phục vụ, ví dụ như đối với khách hàng Non-Airlines. Công ty cũng tăng cường sản phẩm bánh trung thu, thực hiện bán bánh cho Vinschool trong tháng 9/2020, bán cơm văn phòng cho đoàn tiếp viên và các sản phẩm bánh lẻ. Ngoài ra, NCS cũng đẩy mạnh bán các sản phẩm online.

Vinasun đang dành khoản tiền mặt gần 250 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư xe mới khi tình hình dịch bệnh được khống chế và các điều kiện kinh doanh trở lại bình thường. Đồng thời công ty cũng lên kế hoạch phát triển việc thanh toán online trên Vinasun App kết hợp với các ví điện tử trên thị trường và các Mobile Money App sắp được triển khai và thay thế toàn bộ Pos thanh toán hiện nay bằng SmartPos.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những 'ông lớn' thu lỗ trong quý I/2021