Cuộc họp phòng chống dịch của tỉnh Bắc Giang kết thúc lúc 23h40, chúng tôi theo chân BS Lâm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Bắc Giang) về trụ sở. Giữa đêm tối toà nhà CDC Bắc Giang nổi bật bởi những ánh đèn toả ra từ các phòng làm việc.
Kém mười phút là sang ngày hôm sau thế nhưng ở đây dường như không có giờ giấc, cũng chẳng có khái niệm đêm, ngày. Nhân viên y tế làm việc không ngơi tay phân loại mẫu bệnh phẩm từ các huyện gửi về. Người nào việc ấy tập trung cao nhất để hoàn thành phần việc của mình.
BS Tuấn khuôn mặt bơ phờ vì suốt từ ngày có dịch đến nay không được ngủ, điện thoại liên tục gọi. Anh thành thật: “Bây giờ các bạn có hỏi Trung tâm bao nhiêu nhân viên, tôi cũng chẳng nhớ. Tôi còn không phân biệt được ai vì anh em gặp nhau lúc nào cũng trong tình trạng kín mít. Lượng công việc thì nhiều, Trung tâm đã huy động hết các bộ phận từ hành chính từ kế toán đến lái xe, văn thư mỗi người một tay ai tham gia được việc ở khâu nào thì làm khâu ấy”.
Thấy 2 nhân viên y tế dáng mệt mỏi đang ngồi ở hàng ghế phía ngoài, chúng tôi ra bắt chuyện, được biết họ mang mẫu bệnh phẩm từ TTYT huyện chuyển lên để làm xét nghiệm. Nhưng vì mẫu về một lúc nhiều quá nên các anh chị em ở CDC chưa làm ngay được.
Điều dưỡng tên Nguyễn Thị Ngân cho biết, ở TTYT huyện họ thay nhau lấy mẫu, hết đêm rồi sang ngày quay cuồng. Nhiều lúc cũng oải lắm, nhưng nghỉ ngơi tý một chút lại đứng dậy làm.
“Mấy hôm trời nóng, mặc bộ đồ bảo hộ kín như bưng, nước cũng không dám uống nhiều vì sợ phải đi vệ sinh, một ngày có khi chỉ dám đi một lần, bởi đồ bảo hộ khi đã ra là phải bỏ nên nếu mà liên tục như thế vừa mất thời gian mà lại tốn kém”, chị Ngân nói.
Bước lên phòng nhập số liệu ở tầng 2 dãy nhà sâu bên trong, chúng tôi thấy hộp cơm trên bàn đã nguội ngơ nguội ngắt, ngước lên nhìn đồng hồ đã 0h25. Như hiểu ý, mấy chị em điều dưỡng đang ngồi làm việc quay ranói, bữa tối của “người không cần ngủ đấy anh chị ạ”. Người không ngủ ấy là cử nhân Đặng Đình Nguyên.
Cả 2 tuần qua Nguyên gần như thức trắng đêm, nếu có chỉ chợp mắt được 1-2 tiếng rồi lại làm việc. Công việc của Nguyên như mọi người nói là không ai thay thế được. Hàng ngày, Nguyên chịu trách nhiệm phân chia mã hoá các mẫu bệnh phẩm trước khi đến khâu chạy xét nghiệm.
“Công việc này đỏi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nên nếu cậu ấy không làm thì các ở phòng xét nghiệm không có mẫu để chạy. Vì vậy, gần như Nguyên không được ngủ, có khi chỉ gục xuống bàn cho hết cơn rồi lại bị gọi dậy”, một chị tổ trưởng nói.
Chúng tôi quay sang nhìn Nguyên, cậu chỉ tủm tỉm cười và còn định không dùng bữa tối vì… nhà có khách. Khuôn mặt quắt lại, da sạm là biểu hiện rõ nhất của những đêm thức trắng cùng hàng nghìn mẫu xét nghiệm gửi về. Nguyên khá kín tiếng và dễ xấu hổ nên thường bị các chị em trêu đùa.
Cô kỹ thuật viên ngồi cạnh nói với chúng tôi: Chúng em gọi anh ấy là người không phải ngủ, chúng em thi thoảng còn chợp mắt chứ anh ấy thì gần như thức xuyên đêm. Hôm sinh nhật con trai, nhà cách có 2 km mà anh Nguyên cũng không về được. Sau đó chị vợ gọi điện qua facetime để anh dự sinh nhật cùng con. Chị ấy còn hỏi, bao giờ anh mới về nhà, em nhớ anh lắm rồi đấy, con sắp quên mặt anh rồi!
Cô kỹ thuật viên lại kể tiếp, chị ấy nói nghe giọng có vẻ giận dỗi vậy thôi chứ thương và chia sẻ cho anh ấy. Biết tin chồng mệt còn mua thuốc gửi ở cổng cho chồng.
Mặc dù là đã nửa đêm nhưng câu chuyện của Nguyên vẫn chưa hết lôi cuốn. Được biết, năm nay gia đình Nguyên có kế hoạch xây nhà nên đã phá nhà cũ. Thế mà nhà vừa phá xong thì Covid-19 ập đến nên chưa biết lúc nào sẽ xây.
Nguyên chia sẻ: “Nhà phá xong rồi nhưng tôi thì ở trong cơ quan suốt mà dịch như thế này không biết thế nào nên cứ chờ thôi”.
Tạm biệt Nguyên và các anh chị em, chúng tôi bước sang nơi đặt phòng xét nghiệm Covid-19. Qua tấm cửa kính, các cán bộ y tế của Trung tâm trong bộ đồ bảo hộ kín mít nhìn thấy chúng tôi cũng chỉ kịp đưa ánh mắt và gật đầu chào.
Câu nói của các cô gái ở CDC Bắc Giang về “người không cần ngủ” có lẽ không chỉ Nguyên mà hầu hết họ, những ngày này cũng không có một giấc ngủ trọn vẹn. Bởi trung tâm hoạt động 24/24h. Họ miệt mài tận dụng thời gian, chắt chiu từng giờ, từng phút để thực hiện nhiệm vụ.
BS Tuấn cho biết, ở đây anh em chia thành các ca để làm và mọi người có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng thực tế, dù hết ca trực thì anh chị em vẫn ở lại hỗ trợ nhau thực hiện xét nghiệm và làm nhiều công việc bếp núc khác... Có người tan ca từ sớm nhưng phải đến 1h đêm mới về nhà và hôm sau lại đến sớm…
Chúng tôi không có thời gian để nói chuyện nhiều với các nhân viên y tế, bởi người nào việc ấy ai ai cũng tập trung vào công việc đếm mẫu, chia mẫu, nhận mẫu, nhập mẫu… Và chắc chắn sẽ còn nhiều câu chuyện trong mùa dịch về họ.
Ngoài cổng lại có mấy chuyến xe cấp cứu hướng về phía trung tâm, xe thì lấy mẫu mang đi để gửi xét nghiệm nơi khác, xe thì mang mẫu về để tập hợp mã hoá và phân loại. Những chiếc xe đến rồi đi vội vã lao vào màn đêm đặc quánh, để lại nơi đây bóng áo trắng, áo xanh lặng lẽ âm thầm...