Dù làm mẹ lần đầu hay đã có mấy đứa con, nhưng việc dạy con theo cách nào thì cũng không phải là điều dễ dàng. Nhất là trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, nhiều người để trẻ phát triển tự do mà ít can thiệp nhất.
Giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn nền móng cho cuộc đời của mỗi con người, là giai đoạn mà trí não của trẻ có khả năng tiếp thu nhiều nhất. Năng lực cơ bản giúp trẻ học tập sau này đều hình thành từ chính những trải nghiệm mà trẻ được trải qua trong thời kỳ ấu thơ này.
Nhưng trên thực tế nhiều bố mẹ lại để con mình tự do phát triển trong gia đoạn này vì nghĩ rằng: chúng còn quá nhỏ và không hiểu gì về sự việc xung quanh. Tuy nhiên đó là một quan niệm sai lầm. Không chỉ là giai đoạn nền móng mà có rất nhiều năng lực của trẻ chỉ có thể nuôi dưỡng và phát huy ở độ tuổi này mà thôi.
Một trong những năng lực mà trẻ vô cùng nhạy bén đó chính là “năng lực quan sát”. Việc trẻ có cách nhìn đối với những sự vật khi quan sát ở công viên,vườn hoa, vườn thú khác cách nhìn của người lớn chính là một năng lực quan trọng cần được nuôi dưỡng ở thời kỳ này.
Chính vì vậy thay vì ép trẻ học những gì trẻ không thích hãy cố gắng nuôi dưỡng những gì trẻ có hứng thú, cho trẻ được thỏa sức đắm mình trong tự nhiên để trải nghiệm. Hãy để trẻ cảm nhận thiên nhiên bằng đôi mắt của mình mới chính là những nền móng cơ bản giúp cho quá trình học tập của trẻ sau này.
Hãy để trẻ được trải nghiệm những bí ẩn của thiên nhiên và sự vật để kích thích trí tò mò của trẻ như vì sao chạm tay vào áo len thì bị giật, thổi hơi vào kính thì kính mờ…Bởi vì thời kì ấu thơ còn là thời kì nuôi dưỡng cảm giác hay cảm thụ khoa học.
Bố mẹ nuôi dưỡng năng lực cảm thụ cho trẻ bằng cách nói với trẻ những tính từ chỉ cảm xúc như bày tỏ sự ngạc nhiên, hay cảm thán trước một cảnh đẹp…
Hãy ôm ấp và có những cử chỉ thân mật với con thật nhiều để trẻ học được cách tiếp xúc với mọi người mà không sợ hãi. Ôm ấp với mẹ cũng chính là một trải nghiệm tuyệt vời nuôi dưỡng tính nhân văn trong con người bé sau này.