Trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức được quy định trong các Thông tư về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là căn cứ vào Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Theo như Báo Chính phủ, việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ được quy định tại Công văn số 3755/BGĐT-GDTX ngày 3/8/2016 về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và Công văn số 6089/BGDĐT-GDTX ngày 27/10/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phúc đáp công văn số 4453/BNV-CCVC ngày 22/10/2014 của Bộ Nội vụ.
Theo đó, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức được quy định trong các Thông tư về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là căn cứ vào Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014).
Trong khi chờ xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý để tổ chức, triển khai hoạt động của hệ thống khảo thí ngoại ngữ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu 10 đơn vị được tổ chức rà soát, thi, cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tương đương 6 bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tại các Thông báo số 826/TB-BGDĐT ngày 5/8/2011, số 896/TB-BGDĐT ngày 24/8/2011, số 42/TB-BGDĐT ngày 11/1/2013).
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Về việc xem xét mức độ tương đương của chứng chỉ tiếng Anh thực hành A, B, C ban hành theo Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30/1/1993 với Khung tham chiếu châu Âu về ngôn ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 6089/BGDĐT-GDTX ngày 27/10/2014 gửi Bộ Nội vụ.
Cụ thể, Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành ban hành theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT ngày 2/12/2008 và Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 (khung 6 bậc) đều được xây dựng tương thích với Khung tham chiếu châu Âu (CEFR).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng thẩm định để xét giá trị tương đương của chứng chỉ Chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C ban hành theo Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30/01/1993 với khung CEFR. Theo khuyến nghị của Hội đồng thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất như sau:
- Trình độ A theo Quyết định số 177/QĐ-TCBT và trình độ A1 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 1 của khung 6 bậc.
- Trình độ B theo Quyết định số 177/QĐ-TCBT và trình độ A2 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 2 của khung 6 bậc,
- Trình độ C theo Quyết định số 177/QĐ-TCBT và trình độ B1 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 3 của khung 6 bậc.
- Trình độ B2 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 4 của khung 6 bậc.
- Trình độ C1 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 5 của khung 6 bậc.
- Trình độ C2 theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT tương đương bậc 6 của khung 6 bậc.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng có thể xem xét các chứng chỉ khác như TOEFL, IELTS hoặc TOEIC… để đánh giá năng lực tiếng Anh của cán bộ, công chức và viên chức.
Theo đó, việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ/chứng nhận là do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (nếu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền) xem xét, quyết định dựa theo yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với vị trí công việc.