Vấn đề quan tâm

Những lưu ý cần biết về tài khoản giao thông

Trang Nhi 06/10/2024 - 06:12

Chính phủ mới ban hành Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, trong đó nêu rõ quy định về mở, sử dụng, khóa tài khoản giao thông.

Quy định về mở, đóng tài khoản giao thông

Theo Nghị định 119, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ mở tài khoản giao thông và cung cấp tài khoản truy cập ứng dụng thanh toán điện tử giao thông đường bộ cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối.

khong-tien-mat-1.jpg
Tài khoản thu phí sẽ được nâng cấp lên tài khoản giao thông, mở rộng các đối tượng phí thanh toán

Tại thời điểm thực hiện giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ, tài khoản giao thông chỉ được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Mỗi tài khoản giao thông có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện tham gia giao thông thuộc sở hữu của chủ phương tiện; mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản giao thông.

Về sử dụng tài khoản giao thông, theo nghị định, chủ phương tiện phải bảo đảm đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông khi thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Trường hợp số tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với tài khoản giao thông không đủ để thực hiện thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc thì phương tiện không được đi qua trạm thu phí đường bộ trên đường cao tốc.

Nghị định cũng nêu rõ quy định về khóa tài khoản giao thông theo đề nghị của chủ tài khoản giao thông và khóa tài khoản giao thông theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Cụ thể: Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện khóa tài khoản giao thông khi có đề nghị của chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản giao thông hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản giao thông với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ.

Thời gian khóa tài khoản giao thông thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản giao thông hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản giao thông hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản giao thông với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông.

Trường hợp khóa tài khoản giao thông theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện khóa tài khoản giao thông theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024. Việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đã được thực hiện theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được thực hiện đến ngày 01/7/2026.

giao-thong(1).jpg
Tài khoản giao thông là tài khoản không có tiền.

Tiến tới thanh toán không tiền mặt trong hệ thống giao thông

Tại hội thảo “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông”, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, chủ phương tiện có 1 năm để chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán. Bộ GTVT sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để chia sẻ cho nhà cung cấp dịch vụ.

Trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2024 đến 1/7/2026, Bộ GTVT duy trì hình thức thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để chia sẻ thông qua tài khoản giao thông. Từ 1/7/2026, Bộ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Để tài khoản giao thông có thể kết nối trực tiếp tài khoản ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Napas, cho biết hiện hạ tầng thanh toán bán lẻ của ngân hàng có độ phủ sóng cao với số thẻ ngân hàng cả quốc tế, nội địa đã gấp 1,5 lần so với tổng dân số Việt Nam. Còn theo Ngân hàng Nhà nước, hơn 87% công dân Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng.

Các ngân hàng sẵn sàng hạ tầng cũng như kinh nghiệm triển khai trong nước và thế giới. Riêng ở Việt Nam, Napas đã có kinh nghiệm triển khai kết nối liên thông với một số đơn vị dịch vụ giao thông như VETC, Vinbus... Tuy nhiên, để đưa nghị định vào cuộc sống, các cơ quan liên quan cần bàn thảo xem hệ thống tài khoản giao thông vận hành theo phương thức như thế nào, quy chuẩn ra sao.

Số liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, đến nay đã có hơn 5,6 triệu phương tiện áp dán thẻ thu phí không dừng, chiếm tới 97% lượng xe lưu thông. Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, việc thu phí BOT qua thu phí tự động không dừng trên các cao tốc, quốc lộ đã giúp công khai minh bạch, chủ xe thanh toán thuận lợi.

Nghị định 119 hướng dẫn điều 43 Luật Đường bộ vừa được Chính phủ ban hành sẽ mở rộng ra các đối tượng được thanh toán qua tài khoản giao thông. Tiến tới vé xe buýt, vé metro, vé tàu hỏa, máy bay… cũng đều có thể sử dụng tài khoản giao thông để thanh toán.

Hiện nay, ngoài thanh toán điện tử với đường bộ, một số thành phố đã thí điểm thanh toán điện tử trong trông giữ xe nội đô, thu phí đỗ xe tại các sân bay lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những lưu ý cần biết về tài khoản giao thông