Những kết quả nổi bật và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giải quyết, xét xử của TAND TP Dĩ An

Mạnh Hùng - Ý Thơ| 21/12/2020 13:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại điểm cầu TAND TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021, đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Phó Chánh án TAND TP Dĩ An (Bình Dương) đã có những chia sẻ về những kết quả nổi bật và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giải quyết, xét xử các loại vụ việc tại đơn vị.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Thanh - Phó Chánh án TAND TP Dĩ An, việc thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ ngày 02/01/2020 của Ban Cán sự Đảng TANDTC, Chỉ thị số 01/2020/CT-CA ngày 09/01/2020 của Chánh án TANDTC về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Tòa án; trên cơ sở Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của TAND hai cấp tỉnh Bình Dương, trong năm 2020 TAND TP Dĩ An đã triển khai thực hiện tốt các mặt công tác, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại án.

toan-canh-hoi-nghi-moi.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2020, TAND TP TP Dĩ An đã giải quyết 2.554 vụ, việc/2.650 vụ, việc đã thụ lý các loại, đạt tỷ lệ 96,38%.

Những kết quả nổi bật trong công tác giải quyết, xét xử

Năm 2020, số lượng án thụ lý, giải quyết tăng so với năm 2019 (năm 2019 giải quyết 2.127 vụ, việc/2.628 vụ, việc thụ lý): số án thụ lý tăng 22 vụ, việc và số án giải quyết tăng 427 vụ, việc; tỷ lệ giải quyết tăng 15,44%.

Tất cả các loại vụ, việc thụ lý đều được xét xử, giải quyết kịp thời, trong hạn luật định và vượt chỉ tiêu thi đua do ngành đề ra (án hình sự vượt 9,51%, án dân sự vượt 10,43%, án hành chính vượt 35%). Tiến độ giải quyết án luôn đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, không có án quá hạn luật định, hàng năm có từ 90% số án được giải quyết khi chưa hết thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định.

Trong xét xử án hình sự, ngoài việc đảm bảo chỉ tiêu giải quyết số lượng án đã thụ lý trong năm, đơn vị còn hưởng ứng tích cực các Chương trình, kế hoạch phát động của ngành, của địa phương về các hoạt động thiết thực đấu tranh phòng chống tội phạm, như: Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, trong tháng 06/2020 đã tập trung đưa ra xét xử 25 vụ - 34 bị cáo phạm tội về ma túy; thực hiện kế hoạch thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông giai đọan 2018 - 2021 (theo Quyết định số 40/QĐ-TANDTC ngày 12/3/2019 của TANDTC), đơn vị đã lựa chọn và đưa ra xét xử 05 vụ án điểm về giao thông; lựa chọn và đưa ra xét xử lưu động 28 vụ - 35 bị cáo theo Công văn 309/TANDTC-V1 ngày 30/8/2019 của TANDTC.

Trong giải quyết, xét xử án dân sự, hành chính, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, đơn vị còn chú trọng công tác dân vận trong giải quyết án, tăng cường công tác hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau vừa rút ngắn được thời gian, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, vừa hạn chế tốn kém về tiền của, công sức của các bên, hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp gay gắt, kéo dài trong nhân dân. Năm 2020, hòa giải thành: 1.497/1.944 vụ án dân sự, chiếm tỷ lệ 77,01% so với số án đã giải quyết.

toa-an-nhan-dan-thanh-pho-di-an-trinh-bay-tham-luan.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Thanh - Phó Chánh án TAND TP Dĩ An (Bình Dương) trình bày tham luận

Những kinh nghiệm quý giá

Để đạt được những kết quả bổi bật như trên, đơn vị rút ra những kinh nghiệm sau:

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ đối với việc xây dựng Nghị quyết lãnh đạo, Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác, trong đóđặc biệt lưu ý đến các giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thật sự phù hợp và hiệu quả; đồng thời quán triệt chặt chẽ, sâu sắc đến từng Thẩm phán, Thư ký, nhân viên và các tổ chức đoàn thể để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Hai là, căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, hàng năm việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phải gắn liền với kế hoạch thực hiện các giải pháp đột phá của đơn vị; việc lựa chọn và thực hiện giải pháp đột phá phải phù hợp và sát với thực tế nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế của những năm trước.

Ba là, trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị, tập thể lãnh đạo nhất là người đứng đầu phải luôn nêu gương, tận tụy, trách nhiệm và sâu sát, tạo môi trường trao đổi hai chiều, kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong công tác giải quyết, xét xử để có những giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, tránh án tồn đọng.

Bốn là, phải nhận thức được vai trò quan trọng của việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, vì cán bộ tốt thì công việc mới xong. Trong thời gian qua, đơn vị luôn chú trọng công tác giáo dục về tư tưởng chính trị, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ; tập trung xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Thư ký.

Qua đó xây dựng tập thể Tòa án là những người có tâm huyết, thật sự yêu nghề, có trách nhiệm và biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Đồng thời, phải thường xuyên lắng nghe ý kiến, phản hồi của người dân về thái độ phục vụ của công chức, về chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án tranh chấp, từ đó lãnh đạo tổng hợp xem xét, đề ra các giải pháp chấn chỉnh, củng cố và nâng cao hiệu quả làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân.

Năm là, trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ việc phải luôn tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và đảm bảo thời hạn giải quyết theo quy định. Lãnh đạo luôn quan tâm nhắc nhở các Thẩm phán, Thư ký thực hiện đúng Quy chế Văn hóa công sở, Quy tắc ứng xử và đạo đức của Thẩm phán trong công tác tiếp công dân, tiếp xúc đương sự, hướng dẫn quy định pháp luật tố tụng về thủ tục khởi kiện, thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc, giúp người dân thực hiện đúng, đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình; giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo của công dân; đảm bảo được thời hạn giải quyết án nhanh chóng, tránh gây phiền hà cho đương sự. Qua đó, tạo niềm tin cho người dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án.

Những kết quả, kinh nghiệm hay và các giải pháp nổi bật

Về chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc: Trong năm 2020, án bị hủy do lỗi của Thẩm phán là 03 vụ (cấp phúc thẩm hủy: 03 vụ), chiếm tỷ lệ 0,12%; bị sửa do lỗi của Thẩm phán là 2,5 vụ, chiếm tỷ lệ 0,10%. So với cùng kỳ năm 2019 (hủy: 14,5 vụ; sửa: 05 vụ), án bị hủy giảm: 11,5 vụ; án bị sửa giảm 02 vụ.

Ngoài ra, trong năm 2020 đơn vị không có án tuyên không rõ, khó thi hành; không có án tạm đình chỉ không đúng pháp luật; không có án xử oan sai, bỏ lọt tội phạm. Chất lượng giải quyết án ngày càng được nâng cao, tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi của Thẩm phán luôn thấp hơn tỷ lệ cho phép của ngành, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số án đã giải quyết, năm sau giảm hơn năm trước và đa số là những vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, dân sự phức tạp, có liên quan đến đất đai.

Để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, trong năm 2020 đơn vị đã áp dụng một số giải pháp: Một là, nâng cao chất lượng các phiên tòa thông qua giải pháp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, trong năm đơn vị đã tổ chức được 49 phiên tòa rút kinh nghiệm/20 Thẩm phán.

Hai là, nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; đảm bảo các bản án, quyết định đã ban hành phải đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi.

Ba là, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm công tác xét xử, bồi dưỡng nghiệp vụ thông qua các hình thức: tổ chức các buổi tọa đàm về nâng cao kỹ năng tố tụng cho Thẩm phán, Thư ký; triển khai các văn bản pháp luật, án lệ, nghị quyết, văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong quá trình giải quyết án.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tỷ lệ các vụ án hòa giải thành trong giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những kết quả nổi bật và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giải quyết, xét xử của TAND TP Dĩ An