Ý kiến tham luận tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020

Nhóm PV| 06/01/2020 20:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương tập trung những vụ án lớn, trọng điểm, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm. Ý kiến phát biểu tham luận tại hội nghị của các đại biểu đã đã nêu bật những vấn đề trọng tâm.

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: TAND TP Hà Nội xét xử nhiều vụ án lớn, trọng điểm

Trong những năm qua, với vị trí là cơ quan xét xử nằm trên địa bàn Thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước, TAND TP Hà Nội được giao nhiệm vụ xét xử rất nhiều vụ án tham nhũng lớn, điển hình như: vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm; vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm... Tất cả các vụ án đều được tổ chức xét xử thành công, được dư luận trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ.

Ý kiến tham luận tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

Năm 2019, TAND TP Hà Nội tiếp tục được Trung ương và thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ xét xử nhiều vụ án lớn như: các vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Liên doanh Việt Nga Vietsopetro, Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin; vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm về các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Và gần đây nhất là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone được đưa ra xét xử từ ngày 16/12/2019 đến ngày 28/12/2019; vụ án Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ UBND thành phố Đà Nẵng.

Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, TANDTC và Thành ủy Hà Nội, sự cố gắng, nỗ lực của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo đơn vị cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng của Trung ương và của Thành phố, TAND TP Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, như tỷ lệ giải quyết án đạt 91%, trong đó có 07/ 09 vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi.

Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Phong: Án hành chính tại TP Hồ Chí Minh tăng cao

Trong thời gian gần đây số lượng khiếu kiện hành chính tại TAND TP Hồ Chí Minh tăng cao. Mặc dù Tòa án đã áp dụng nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ giải quyết nhưng nhiều khó khăn, vướng mắc đã làm cho tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính vẫn không cao.

Các khiếu kiện hành chính mà TAND TP Hồ Chí Minh phải thụ lý thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, nhưng thường liên quan đến các lĩnh vực như: Lĩnh vực quản lý đất đai (Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký cập nhật biến động về nhà đất…); lĩnh vực xây dựng (cấp giấy phép xây dựng, buộc tháo dỡ công trình xây dựng…); lĩnh vực thuế, hải quan (thu thuế, truy thu thuế, thu tiền sử dụng đất, áp giá hàng hóa nhập khẩu)…

Ý kiến tham luận tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020

Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Phong

Đặc biệt, trong 06 tháng cuối năm 2019, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, các cơ quan chức năng đã đồng loạt tiến hành các biện pháp cưỡng chế buộc tháo dỡ công trình xây dựng không phép hoặc trái phép nên số lượng các khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng đã tăng lên rất nhiều. Cùng với việc khởi kiện, người khởi kiện thường yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm đình chỉ thi hành quyết định hành chính, việc này đã làm phát sinh thêm nhiều khiếu nại đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc từ chối áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết các vụ án hành chính, phấn đấu đạt được chỉ tiêu giải quyết các vụ án hành chính theo Nghị quyết số 96/2019/QH-14 của Quốc hội, TAND TP Hồ Chí Minh đã và đang áp dụng các giải pháp khắc phục khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động tố tụng, tăng cường năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký.

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hành chính, đề nghị TANDTC kiến nghị với Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm chế định đối thoại, xét xử trực tuyến và xem đây cũng là hình thức trực tiếp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người bị kiện lẫn người khởi kiện;

Kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về việc một Tòa án chỉ được hợp đồng với một văn phòng thừa phát lại để thực hiện việc tống đạt; Sớm có hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật đối với các vướng mắc về thủ tục tố tụng trong việc áp dụng pháp luật; Tăng cường công tác tập huấn chuyên môn cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án; Tăng số lượng biên chế thư ký cho TAND hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh; Bổ sung kinh phí đầu tư, sửa chữa, trang bị các phòng đối thoại, phòng xử án cho TAND hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh...

Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng – Nguyễn Anh Tiến: Nâng cao hơn nữa chất lượng kháng nghị bản án theo thẩm quyền

Trong thời gian qua, chất lượng công tác kháng nghị bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm ngày càng được nâng cao, góp phần cho ngành Tòa án đạt nhiều kết quả, tạo niềm tin cho nhân dân, đặc biệt là tại TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Ý kiến tham luận tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020

Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Anh Tiến

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực mang lại thì không ít Kiểm sát viên khi thực hiện quyền kháng nghị ngang cấp nghiên cứu hồ sơ chưa sâu, chưa phân tích, đánh giá hết các chứng cứ, đề xuất còn chung chung. Chất lượng một số bản kháng nghị bản án của cơ quan cùng cấp chưa cao, phân tích, lập luận thiếu chặt chẽ, không nêu đầy đủ những vi phạm của bản án mà Tòa án đã tuyên, chưa đánh giá đúng về tính chất, mức độ vi phạm của Hội đồng xét xử…

Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo TANDTC xem xét, phối hợp cùng VKSNDTC nâng cao hơn nữa chất lượng kháng nghị bản án theo thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý kiến tham luận tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020