Thói quen sinh hoạt từ xa xưa của đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành những luật tục mà không ai dám làm trái. Đó cũng chính là những hủ tục cho đến bây giờ vẫn còn nhiều hệ lụy đau lòng.
Chôn sống con cùng mẹ
Theo hủ tục của người dân miền núi xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, sau khi sinh con, nếu người mẹ không may bị chết thì đứa bé phải bị chôn theo mẹ. Theo họ, nếu để cháu bé lại thì “hồn ma người mẹ sẽ về tìm con”, cháu bé sẽ là điềm gở mang đến nhiều điều xấu cho bản làng.
Chị Hồ Thị Hiếu đã vượt qua hủ tục để cứu sống đứa bé
Sau khi sản phụ Hồ Thị Yên (sinh năm 1978, trú nóc Tắk Giang, thôn 6, xã Trà Cang) chuyển dạ và sinh tại nhà riêng được bé trai nặng 2,5kg. Chị Yên bị băng huyết và tử vong tại nhà. Gia đình chị Yên và người trong làng có ý định mang bé trai vừa mới ra đời đi chôn sống cùng với chị Yên theo tập tục của người Xê Đăng.
Nhận được tin này, chị Hồ Thị Hiếu (sinh năm 1987, y tá xã Trà Cang) đã gọi điện cho em ruột mình là Hồ Thị Hoàng đến can ngăn, không cho dân làng đem chôn đứa trẻ. Chị Hoàng chạy tới gặp anh Hồ Văn Xếp, chồng sản phụ Yên để khuyên nhủ nhưng anh Xếp một mực không nghe.
Nhiều người dân trong làng biết chuyện nhưng vẫn không ủng hộ chị Hoàng và quyết định đưa bé trai này theo mẹ về… cõi âm. Tuy nhiên, lợi dụng người dân không để ý trong lúc chuẩn bị đám tang, chị Hoàng đã âm thầm bế đứa bé băng rừng, vượt suối để giao cho chị Hiếu chăm sóc.
Ông Trần Xuân Mố, Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết: “Việc chôn sống đứa trẻ khiến chúng tôi hết sức bàng hoàng, nhưng không thể can thiệp vào phong tục của người dân. Do vậy, hễ nghe sản phụ nào không may tử vong sau khi sinh con, chúng tôi lập tức tìm già làng thuyết phục, vận động, thậm chí phải cầu cứu để giành mạng sống cho cháu bé. Trường hợp trên, chị Hiếu cũng là người dân tộc Xê Đăng nhưng chị được đi học dưới thành phố, tiếp nhận nhiều cái hay, cái đẹp nên đã góp phần xóa bỏ hủ tục này”.
Ly kỳ tục nối dây
Đến xã Atiêng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) hỏi anh Biah’Trơn (sinh năm 1966, thôn Arồng) không ai mà không biết. Anh Biah’ Trơn nổi tiếng bởi “sở hữu” một lúc hai bà vợ, và điều đặc biệt hai bà vợ là chị em ruột của nhau.
Biah’ Trơn sống hạnh phúc bên hai người vợ là chị em ruột
Sau khi cưới, vợ chồng anh Trơn ăn ở với nhau được 1 năm thì chị Lâm ngã bệnh. Tuy liên tục mời thầy cúng này đến thầy cúng khác mà bệnh của chị Lâm vẫn không khỏi, ngược lại còn nặng thêm. Chờ đợi chị Lâm lành bệnh không được, được sự đồng ý của ba mẹ chị Lâm, đến năm 1993, anh Trơn cưới Hối Thị Linh (sinh năm 1979, em gái Lâm) làm vợ hai.
Cũng kể từ đó, Trơn có đến hai vợ. Dù có vợ mới nhưng Trơn vẫn thương yêu và lo cho vợ cũ. Niềm vui lại đến khi sau thời gian điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng, chị Lâm khỏi bệnh. Từ năm 1995 đến 2005, chị Lâm sinh cho Trơn 3 người con. Không thua người chị mình, trong 3 năm Linh cũng đã sinh cho Trơn 2 người con, một trai và một gái. Như vậy hai chị em Lâm đã sinh cho người chồng chung 5 đứa con.
Tục nối dây của người Cơ Tu là một tập tục lâu đời. Theo tục lệ này, khi người vợ qua đời, người chồng muốn tái hôn buộc phải lấy một người con gái trong gia đình nhà vợ. Người đó có thể là em gái vợ còn rất nhỏ tuổi hoặc người chị vợ già hơn mình rất nhiều, miễn là người đó chưa có chồng.
Trường hợp của anh Trơn lại khá đặc biệt, bởi theo tục truyền của Cơ Tu khi nối dây thì người chị đã qua đời, hoặc người chị không sinh được con. Thế nhưng Trơn đã cưới luôn hai chị em trong khi người vợ cả chưa qua đời và cả hai bà vợ đều có thể sinh con cho anh Trơn. Hiện giờ, ba vợ chồng anh Trơn đều cùng sống chung trong một nhà.
“Cái chết xấu” và nỗi đau mồ côi
Sau khi tàn tiệc rượu tại nhà, lúc này hai vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Sơn (1972, thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) xảy ra mâu thuẫn với nhau. Trong lúc cãi vã, xô xát, Sơn đã dùng dao đâm vợ là chị Hồ Thị Xoa (1979) khiến chị Xoa tử vong. Vì đã từng có tục “mạng đền mạng” nên sợ bị gia đình nhà vợ và dân làng trả thù nên Sơn đã trốn chạy vào rừng treo cổ tự sát.
Thời điểm đó, gia đình anh Sơn thuộc diện khá giả trong thôn. Thế nhưng sau khi an táng vợ chồng Sơn xong, người dân trong thôn đã họp bàn và thống nhất đốt nhà cửa, tài sản của gia đình anh Sơn khiến 3 người con nhỏ của anh Sơn không có nơi để ở, kể cả quần áo, giày dép cũng bị đốt cháy.
Người dân phá nhà, bỏ làng đi vì những “cái chết xấu”
“Người Ca Dong quan niệm vợ chồng anh Sơn chết là do “con ma ám” chứ không phải say rượu. Theo phong tục của người Ca Dong, một khi chết xấu thì không nên để lại ngôi nhà và tài sản vì con ma xấu sẽ có chỗ trú ngụ. Người đã chết thì mang theo tất cả, nếu để lại thì con ma sẽ làm hại dân làng”, Trưởng thôn 3 Hồ Văn Vinh nói như thế.
Một người dân trong làng kể thêm, 5 năm trước, cũng vì mâu thuẫn gia đình mà ông Hồ Văn Xao, cha của chị Xoa đã giết bà Hồ Thị Xong, mẹ của chị Xoa. Đó cũng là “cái chết xấu” và là nguyên nhân để 5 năm sau, sự việc đau lòng lại lặp lại và diễn ra đối với chị Xoa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó Bí Huyện ủy Nam Trà My cho biết, thực tế ở Nam Trà My và một số huyện miền núi khác vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu cần loại bỏ. Nhiều năm nay, huyện cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho đồng bào dân tộc, cử cán bộ đến tận các thôn bản để tuyên truyền, vận động người dân.
Tuy nhiên, việc vận động bà con bỏ những phong tục lạc hậu còn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, người dân thiếu hiểu biết và những hủ tục này đã in sâu vào tâm trí của họ.
Hiện nay, huyện đang cho mở các con đường từ trung tâm huyện đến các xã với hy vọng mang lại điều kiện kinh tế cho người dân, từ đó hy vọng các hủ tục dần được loại bỏ.