Với các hoạt động hợp tác quốc tế diễn ra sôi động, năm 2022 được đánh giá là năm gặt hái nhiều thành công trong hoạt động đối ngoại của TAND.
Mối quan hệ hợp tác của TAND với các tổ chức quốc tế và Tòa án các nước trong khu vực cũng như trên thế giới không ngừng được đẩy mạnh.
Những kết quả đạt được không chỉ nâng cao vị thế, uy tín của TAND Việt Nam trong khu vực và trên trên thế giới mà còn góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng như các điều kiện vật chất phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của TAND.
Tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế
Một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022 của TAND là nhiệm vụ “Tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế theo đúng định hướng công tác đối ngoại của Đảng; Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hoạt động đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế. Chủ động, tích cực tham gia vào các thiết chế tư pháp quốc tế; thực hiện tốt các điều ước quốc tế, các hoạt động tương trợ tư pháp”.
Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trên bình diện đa phương và song phương của hệ thống TAND vẫn đạt kết quả tốt, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc độc lập về chủ quyền và định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất quán với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực cho việc thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa nhằm nâng cao vị thế Việt Nam nói chung và TAND Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
TANDTC đã tích cực, chủ động tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao trong khuôn khổ các hiệp hội, diễn đàn trong lĩnh vực tư pháp, tạo cơ hội cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án Việt Nam trao đổi thông tin với Tòa án các nước trên thế giới; tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để vận dụng vào thực tiễn tư pháp Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác với Tòa án các nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Quản lý Tòa án quốc gia, Tòa án tối cao Hàn Quốc Kim Sang-Hwan
Việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác, dự án hỗ trợ kỹ thuật đã đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện nhiệm vụ của TAND như tăng cường kiến thức và năng lực chuyên môn, nhất là kiến thức mới và kỹ năng nghề nghiệp tiên tiến cho đội ngũ Thẩm phán, công chức Tòa án để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm 2022, TANDTC đã tổ chức các đoàn đại biểu cấp cao đi thăm, làm việc với đối tác nước ngoài. Với tinh thần chủ động thích ứng với tình hình mới, hệ thống TAND đã tăng cường ứng dụng CNTT để trao đổi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phục vụ cho việc nâng cao hoạt động xét xử, cải cách tư pháp.TANDTC đã thành lập một số đoàn đại biểu cấp cao, cấp Vụ và cử cán bộ tham gia các đoàn liên ngành tham dự các hội nghị quốc tế do nước ngoài tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Đặc biệt, trong năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã có thăm và làm việc tại Đức và Pháp, tham dự Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào tại Lào, tham dự Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 10 tại Malayxia.
Ngoài ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã hội đàm với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào và tham dự Diễn đàn pháp luật về kinh tế số do Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Các hoạt động đối ngoại song phương của Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã tham khảo, học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước về cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án và tăng cường mối quan hệ hợp tác.
Bên cạnh đó, sự tham gia của đồng chí Chánh án TANDTC tại các hội nghị, diễn đàn nêu trên đã đóng góp vào sự thành công của hội nghị, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Tòa án Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.
Cũng trong năm 2022, TANDTC đã đón đoàn đại biểu cấp cao Tòa án nhân dân tối cao Lào do đồng chí Chánh án dẫn đầu và Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án tối cao Hàn Quốc do Ngài Bộ trưởng Bộ Quản lý Tòa án làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc.
Ngoài ra, TANDTC đã đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với mục đích tăng cường mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin về tư pháp vị thành niên, thực tiễn xét xử các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, tội phạm xuyên quốc gia và nhiễu lĩnh vực quan trọng khác.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình hội đàm trực tuyến với Chánh án TANDTC Lào Viengthong Siphandon
Đối với Hội đồng Chánh án ASEAN, kể từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, TANDTC Việt Nam luôn tham gia tích cực, hiệu quả vào việc xây dựng thể chế và triển khai các hoạt động hợp tác của Hội đồng Chánh án các nước ASEAN.
Việc tăng cường mối quan hệ hợp tác trong khuôn khổ các hoạt động của Hội đồng Chánh án đã giúp hệ thống TAND nước ta tham khảo được nhiều kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.
Nghiên cứu pháp luật quốc tế và tương trợ tư pháp
Năm 2022, TANDTC đã tăng cường công tác nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về mô hình, tổ chức hoạt động của Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử và cải cách tư pháp của Tòa án một số nước, đặc biệt là các quốc gia có hệ thống pháp luật, tư pháp tương đồng với Việt Nam để tham khảo, phục vụ cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND.
Trong đó, TANDTC tập trung nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động của các tòa chuyên trách, tòa chuyên biệt, án lệ, pháp luật về phá sản, các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa và xét xứ trực tuyến.
Đồng thời, căn cứ các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022, TANDTC đã tập trung chỉ đạo các TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác tương trợ tư pháp trong 4 lĩnh vực: dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Trong đó, TANDTC đặc biệt chú trọng đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự theo Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và Kế hoạch triển khai Công ước thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 25/QĐ-TANDTC ngày 9/03/2017 và Quyết định số 213/QĐ-TANDTC ngày 10/8/2020 của Chánh án TANDTC.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình và bà Najat Maalla M'jid, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) về vấn đề bạo lực đối với trẻ em, đến thăm và làm việc với TANDTC.
Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của TANDTC, các TAND cấp cao và TAND cấp tỉnh đã nỗ lực triển khai hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Từ đó, kết quả đạt được là cơ sở để Tòa án hoàn thành công tác giải quyết, xét xử vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về tố tụng dân sự và thi hành án hình sự.
Ngoài ra, TANDTC đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến đàm phán một số điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với các nước: Lào, Belarus, Angola, Indonesia, Argentina, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, hoàn thiện hồ sơ đề nghị ký Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam với Thái Lan theo quy định cua Luật Điều ước quốc tế.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Trưởng đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam tham dự Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 10 diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia
Thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế
Việc thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế tiếp tục được triển khai kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện hiệu quả các mục tiêu trước mắt và lâu dài của hệ thống TAND.
Năm 2022, TANDTC thực hiện các hoạt động do Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc và một số đối tác tài trợ, trong đó nổi bật các dự án như: Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam” của Hàn Quốc; Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Quỹ nhi đồng của Liên hợp quốc đồng tài trợ; Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình làm việc với Đại sứ EU và Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam
Những năm gần đây, tiếp tục thực hiện yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết này đã đặt ra; với tinh thần đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, đưa quan hệ hợp tác với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, công tác hợp tác quốc tế về tư pháp đã được TANDTC thực hiện kịp thời, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.
Trên cơ sở các định hướng về đối ngoại được nêu tại Quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của hệ thống TAND (Ban hành kèm theo Quyết định số 750/QĐ-TANDTC ngày 29/11/2016 của TANDTC) và căn cứ vào tình hình thực tiễn, ngay từ đầu năm, TANDTC đã đề ra phương hướng, kế hoạch đối ngoại trong đó xác định những nhiệm vụ trọng tâm, điều kiện đảm bảo và các giải pháp thực hiện.
Có thể nói, năm 2022 TANDTC đã hoàn thành tốt công tác đối ngoại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng của Đảng, Nhà nước nói chung và của hệ thống TAND nói riêng.