Cải cách tư pháp

Những giải pháp đột phá trong công tác giải quyết án của TAND TP. Hồ Chí Minh năm 2023

Mai Đỉnh 27/10/2023 09:44

Trong bối cảnh biên chế không tăng nhưng số lượng án thụ lý hằng năm ngày càng tăng, làm thế nào để nâng cao chỉ tiêu giải quyết án, kéo giảm tỷ lệ án hủy sửa? Trước những trăn trở đó, Ban lãnh đạo TAND TP. Hồ Chí Minh đã đưa một số giải pháp mang tính đột phá vào quá trình công tác và thực tế những chương trình này đã đạt được những thành quả nhất định.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2023, TAND TP. Hồ Chí Minh đã đưa một số giải pháp như: quy trình giải quyết án dân sự, án hành chính, đề án tống đạt điện tử, chương trình phiên tòa, phiên họp trực tuyến và đề xuất các bản án làm án lệ...

Năm công tác 2023 thực hiện 433 phiên tòa, phiên họp xử lý hành chính trực tuyến

Công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến, phiên họp trực tuyến, giai đoạn dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, TAND TP. Hồ Chí Minh có ý tưởng xét xử bằng phương thức trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/9/2023, Tòa án Thành phố đã tổ chức được tổng cộng 433 phiên tòa, phiên họp xử lý hành chính trực tuyến (bao gồm: 65 phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính trực tuyến; 368 phiên họp xử lý hành chính trực tuyến), Tòa án quận, huyện và TP. Thủ Đức đã tổ chức được tổng cộng 2.173 phiên tòa, phiên họp xử lý hành chính trực tuyến (bao gồm: 352 phiên tòa; 1821 phiên họp xử lý hành chính trực tuyến).

phien-hop-truc-tuyen.jpg
Một phiên họp trực tuyến áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, điểm cầu là TAND huyện Nhà Bè.

Đặc biệt, các phiên họp xử lý cai nghiện trực tuyến đã mang lại hiệu quả rất cao bằng đường truyền kết nối tới cơ sở cai nghiện, TAND hai cấp Thành phố đã giải quyết rất nhiều trường hợp đưa người nghiện đi cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không cần phải đến trực tiếp cơ sở cai nghiện mất nhiều thời gian như trước đây.

Thực hiện 460 lần tống đạt điện tử trong vòng 4 tháng

Trong công tác tống đạt điện tử, Ban lãnh đạo Tòa án Thành phố nhận thấy số lượng vụ việc phải tống đạt theo phương thức trực tiếp, tống đạt qua người thứ ba, hoặc niêm yết, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Hằng năm, khoản chi phí này ở các Tòa đều cao hơn ngân sách được cấp.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh là thành phố có kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước, các doanh nghiệp có trụ sở, văn phòng đại diện của công ty nước ngoài, đơn vị hành chính sự nghiệp và phần lớn công dân tại TP. Hồ Chí Minh sử dụng các giao dịch điện tử như hộp thư điện tử, ứng dụng điện tử như Zalo, Viber để liên lạc, thông tin. Do đó, nếu áp dụng hình thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua phương tiện điện tử thì sẽ giảm thời gian, công chức cho cán bộ, công chức Tòa án Thành phố, cũng như cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ công tác, làm việc với đơn vị và tiết kiệm được ngân sách nhà nước rất lớn.

Về cơ sở pháp lý, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Giao dịch điện tử, Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP đã có quy định về hình thức tống đạt điện tử. Do đó, TAND TP. Hồ Chí Minh đã soạn thảo “Đề án tống đạt thông báo văn bản tố tụng qua phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại TAND TP. Hồ Chí Minh” và xin ý kiến của TANDTC.

Ngày 12/5/2021, TANDTC đã có Công văn số 63/TANDTC-PC chấp thuận cho TAND TP. Hồ Chí Minh xây dựng Đề án nói trên. Đơn vị đã phối hợp với công ty phần mềm để viết riêng phần mềm để tống đạt qua email cho TAND TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, phương thức tống đạt dựa trên nguyên tắc đương sự phải đồng ý cung cấp cho Tòa án địa chỉ email và số điện thoại. Sau đó, Thẩm phán sẽ sử dụng địa chỉ email của Sở Thông tin truyền thông cung cấp để tống đạt cho các đương sự.

Qua số liệu thống kê trên phần mềm tống đạt điện tử, từ ngày 01/6/2023 đến ngày 30/9/2023, TAND TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện được 460 lần gửi, tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức này. Hầu hết các đương sự là nguyên đơn, người khởi kiện, người bị kiện là cơ quan hành chính nhà nước đều phản hồi tích cực và ủng hộ phương thức tống đạt mới này.

nguyen-thi-thuy-dung-pca-tphcm.jpg
Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thuỳ Dung chia sẻ những giải pháp đột phá trong công tác giải quyết án của TAND TP. Hồ Chí Minh năm 2023.

Hai bản án được phát triển làm án lệ

Đối với công tác đề xuất, phát triển án lệ, thực tiễn, số lượng bản án của TAND TP. Hồ Chí Minh ban hành là rất lớn nhưng số lượng được lựa chọn phát triển làm án lệ là rất ít. Điều này xuất phát từ tâm lý Thẩm phán ngại việc đề xuất bản án, cũng như chưa biết cách lập luận để bản án, quyết định được chọn làm án lệ.

TAND Thành phố đã phối hợp với Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh xây dựng Kế hoạch số 561/KH-ĐHL-TATP ngày 25/7/2022 về việc tổ chức Hội thảo “Áp dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh”. Hội thảo đã được tổ chức diễn ra sôi nổi trong không khí trao đổi trên tinh thần khoa học với nhiều phản biện có chiều sâu và chất lượng, cũng như giúp cho Thẩm phán Tòa án hai cấp TP. Hồ Chí Minh có thể hiểu, vận dụng và đề xuất phát triển án lệ.

Từ tháng 9/2022 cho đến tháng 10/2023, TAND Thành phố đã đề xuất phát triển 14 bản án, quyết định làm nguồn phát triển án lệ. Trong đó, TAND thành phố đã có hai bản án được phát triển làm án lệ là Án lệ số 57/2023/AL về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội “Cướp giật tài sản” và Án lệ số 69/2023/AL về thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh.

Hai bản án được phát triển án lệ trong một năm 2023 là nỗ lực rất lớn của Tòa án thành phố trong công tác tuyển chọn và phát triển án lệ, đồng thời sự tin tưởng của Hội đồng tư vấn án lệ đối với các bản án của Tòa án TP. Hồ Chí Minh là sự động viên rất lớn về mặt tinh thần, cũng như đã chứng minh cho chất lượng công tác xét xử của Tòa án Thành phố trong những năm qua đã có những bước tiến nổi bật.

Phân công cụ thể thành các nhóm Thẩm phán trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, đảm bảo đạt tỷ lệ giải quyết và thời hạn giải quyết các vụ án, Ban lãnh đạo Tòa án Thành phố đã xây dựng quy trình giải quyết án hành chính, quy trình giải quyết án dân sự. Quy trình được tổ chức triển khai cho lãnh đạo các Tòa chuyên trách, Trưởng các bộ phận và Thẩm phán các đơn vị thuộc TAND TP. Hồ Chí Minh với ý nghĩa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thẩm phán và trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong công tác giải quyết án.

Thực tiễn công tác cho thấy tỷ lệ giải quyết án dân sự, hành chính hằng năm của Tòa án TP. Hồ Chí Minh chưa đạt chỉ tiêu của TANDTC. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, đồng chí Phó Chánh án phụ trách và Ban lãnh đạo Tòa Hành chính đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể.

Trong đó, quy trình giải quyết án hành chính được xác định là giải pháp chính để nâng cao tỷ lệ giải quyết. Theo quy trình này, Thẩm phán khi nhận hồ sơ được phân công trong thời hạn 15 ngày phải lập được Kế hoạch giải quyết án, trong đó, đánh giá các tiêu chí về điều kiện thụ lý vụ án như đối tượng khởi kiện, quyền khởi kiện, thời hiệu, cũng như hướng thu thập chứng cứ đối với hồ sơ đó. Nhờ vậy mà ngay từ đầu, Thẩm phán đã định hướng được hướng giải quyết hồ sơ nếu rơi vào các căn cứ đình chỉ vụ án thì phải xử lý ngay.

Ngoài ra, phân công các Thẩm phán theo nhóm nghiên cứu hồ sơ như nhóm chuyên nghiên cứu về thuế, về quản lý đất đai, về hải quan, về bồi thường hỗ trợ tái định cư, về xử phạt vi phạm hành chính để từ đó các nhóm Thẩm phán này giải quyết vụ án hành chính mà tính chuyên sâu hơn và trao đổi nghiệp vụ thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, trong công tác giải quyết án hành chính, các cơ quan hành chính chậm cung cấp ý kiến và cung cấp chứng cứ cho Tòa án. Vì vậy, Ban cán sự đảng TAND TP. Hồ Chí Minh đã ký Quy chế phối hợp số 190-QCPH/BCSĐ/UBND-TP ngày 13/5/2022 với Ban cán sự đảng UBND TP. Hồ Chí Minh. Tòa TP. Hồ Chí Minh thường xuyên gửi văn bản kèm theo danh sách các đơn vị chậm nộp để đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức sớm phản hồi, có ý kiến và cung cấp chứng cứ cho Tòa án.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời chấn chỉnh tình trạng và chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức để kịp thời đưa vụ án ra xét xử.

Kết quả năm 2023, Tòa Hành chính đã giải quyết 671/1032 vụ án hành chính, đạt tỷ lệ giải quyết là 65,02%, tăng 20,42% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt chỉ tiêu do Quốc hội và TANDTC đặt ra. Cùng với tỷ lệ giải quyết án cao, tỷ lệ án hủy sửa do lỗi chủ quan của Tòa án Thành phố là 1,7% (án hủy: 07, án sửa: 05), giảm 1,9% sao với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quá trình thực hiện giải pháp, TAND TP. Hồ Chí Minh rút ra bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, vai trò của người đứng đầu, sự ủng hộ của Tòa án cấp trên và sự ủng hộ của cấp ủy địa phương giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của đơn vị.

Thứ hai, về sức mạnh của tập thể, khi tập thể đã đồng lòng, ủng hộ chủ trương, đường lối của cấp trên thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

Thứ ba, về phương pháp thực hiện, để nâng cao chỉ tiêu giải quyết án thì cần có giải pháp mang tính đột phá, thậm chí, người thực hiện phải dám chịu trách nhiệm đối với các giải pháp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giải pháp đột phá trong công tác giải quyết án của TAND TP. Hồ Chí Minh năm 2023