Tòa án địa phương

Một số giải pháp giải quyết án dân sự tồn đọng có hiệu quả

Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng 20/09/2023 - 11:19

Nhờ chỉ đạo sát sao và đưa ra nhiều giải pháp nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…thời gian qua, công tác giải quyết án dân sự tồn đọng của TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tồn đọng vì nhiều nguyên nhân

Tổng kết công tác năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng giải quyết các loại án đều đạt và vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội và TANDTC giao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh thẳng thắn thừa nhận TAND hai cấp vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, đặc biệt là số lượng án dân sự vẫn còn tồn nhiều (qua thống kê còn 1.049 vụ, việc), có nhiều vụ án thụ lý từ các năm trước nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Về khách quan là do số lượng án thụ lý ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước trong khi biên chế thiếu rất nhiều, chưa được bổ sung kịp thời, nhất là đội ngũ Thư ký Tòa án, một thư ký phải giúp việc cho 2 - 3 Thẩm phán, cá biệt có đơn vị 5 - 6 Thẩm phán nhưng chỉ có 1 Thư ký giúp việc.

z4709670034445_1d80432c9ea59d51e2090882f4bb36a5.jpg
Việc xác định nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng rất quan trọng, là căn cứ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ, xử lý

Đa số các vụ án tồn là án có nội dung tranh chấp rất phức tạp (liên quan đến đất đai, hợp đồng tín dụng có tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, bất động sản khác như xe cộ, tàu thuyền,….), có nhiều quan hệ tranh chấp đan xen nhau trong cùng một vụ án, đương sự ở nhiều địa phương khác nhau; đặc biệt là bị đơn và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường bỏ địa phương đi hoặc không hợp tác; UBND và các cơ quan chuyên môn ở một số địa phương chậm có văn bản trả lời hoặc cung cấp chứng cứ khi Tòa án có yêu cầu, từ đó dẫn đến vụ án kéo dài nhiều năm và tồn.

Về chủ quan, lãnh đạo một số đơn vị chưa quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thẩm phán trong giải quyết án, chưa chủ động phối hợp với UBND và các cơ quan chuyên môn cùng cấp để kịp thời tháo gỡ khó khăn; đối với thẩm phán thì chưa xây dựng được kế hoạch giải quyết án một cách khoa học, hợp lý… từ đó dẫn đến nhiều vụ việc tồn nhiều năm, không giải quyết dứt điểm.

Xử lý, tháo gỡ kịp thời

Nhận thấy được vấn đề cần giải quyết, khắc phục, ngay từ đầu năm công tác 2023, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng, đề ra một số giải pháp khắc phục, đó là: Đối với TAND tỉnh, chỉ đạo các TAND cấp huyện thống kê, báo cáo lại số lượng án dân sự còn tồn của từng Thẩm phán, của đơn vị mình, đặc biệt là những vụ tồn lâu năm đến nay chưa giải quyết dứt điểm, kèm theo báo cáo là giải trình từng vụ án, nguyên nhân tại sao chưa giải quyết dứt điểm.

Ban lãnh đạo TAND tỉnh phân công một đồng chí Phó Chánh án phụ trách chỉ đạo, cùng với Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án TAND tỉnh tiến hành làm việc với từng đơn vị, nghe lãnh đạo, thẩm phán của từng đơn vị báo cáo, giải trình từng vụ án, trình bày kế hoạch, đăng ký thời gian giải quyết dứt điểm từng vụ án cụ thể, từ đó để góp ý cách làm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thẩm phán cũng như của từng đơn vị (nếu có).

z4709670021262_d1b397846cd34a9d5c1e4f118c61edaa.jpg
Nhiều giải pháp đã được TAND tỉnh Sóc Trăng đưa ra để xử lý tình trạng án dân sự tồn đọng

Thành lập nhóm Zalo đối với các Thẩm phán có án dân sự tồn để theo dõi tiến độ giải quyết án của từng Thẩm phán, của các đơn vị. Hàng tuần, các Thẩm phán phải cập nhật, báo cáo kết quả giải quyết án tồn của mình lên nhóm Zalo để Phòng Kiểm tra nghiệp vụ nắm được.

Hàng tháng, các đơn vị phải báo cáo kết quả giải quyết án tồn, cũng như phản ánh khó khăn, vướng mắc (nếu có) của đơn vị mình trong quá trình giải quyết các vụ án về Phòng Kiểm tra nghiệp vụ để cập nhật, tổng hợp, báo cáo Ban lãnh đạo TAND tỉnh cũng như đồng chí Phó Chánh án phụ trách chỉ đạo, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có hướng chỉ đạo đối với những thẩm phán, các đơn vị giải quyết án không đúng kế hoạch đề ra.

Đối với những vụ án dân sự tồn nguyên nhân do UBND và các cơ quan chuyên môn chậm trả lời, chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc chậm cung cấp sơ đồ, bản vẽ, lãnh đạo TAND tỉnh giao cho Chánh án các đơn vị chủ động liên hệ, đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để họ cung cấp kịp thời theo yêu cầu của Tòa án.

Trường hợp Chánh án các đơn vị đã làm việc rồi mà UBND và các cơ quan chuyên môn vẫn chậm trả lời hoặc cung cấp không kịp thời thì lãnh đạo TAND tỉnh sẽ trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND và các cơ quan chuyên môn để yêu cầu trả lời, cung cấp tài liệu, chứng cứ sớm, giúp cho các Thẩm phán đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

z4709670063591_6d3131f4fd455e9232ee90aaa25b2184.jpg
Một phiên họp trao đổi nghiệp vụ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn của Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Sóc Trăng

Tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ, giám sát tiến độ giải quyết án của các Thẩm phán. Giao cho Phòng Kiểm tra nghiệp vụ xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề án tồn, án quá hạn, án tạm đình chỉ, thường xuyên kiểm tra đối với các Thẩm phán, đơn vị giải quyết án không đúng tiến độ, kế hoạch đã đăng ký, ít nhất 3 tháng một lần, để kịp thời phát hiện những vụ án Thẩm phán để quá thời hạn chuẩn bị xét xử không phải do nguyên nhân khách quan hay án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật, từ đó chỉ đạo các Thẩm phán khắc phục, giải quyết dứt điểm.

Phát động phong trào thi đua giải quyết án dân sự tồn ngay từ đầu năm, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những Thẩm phán giải quyết án tồn đạt hiệu quả, chất lượng cao.

Bên cạnh đó cũng cần phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với các Thẩm phán thiếu tinh thần trách nhiệm, để án quá thời hạn chuẩn bị xét xử do lỗi chủ quan, tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật và không xét thi đua đối với các thẩm phán này.

Xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị trong công tác lãnh, chỉ đạo giải quyết án dân sự tồn không hiệu quả và cũng không xét thi đua đối với người đứng đầu các đơn vị này.

Tăng cường công tác tự kiểm tra

Đối với TAND cấp huyện, người đứng đầu các đơn vị nắm chắc số lượng án dân sự tồn của đơn vị mình, của từng Thẩm phán, nhất là những vụ án tồn lâu năm chưa giải quyết dứt điểm, nguyên nhân chưa giải quyết dứt điểm là do đâu, chủ quan của Thẩm phán hay là do khách quan để kịp thời có hướng chỉ đạo. Hàng tuần, lãnh đạo phải làm việc với các Thẩm phán để nghe báo cáo tiến độ giải quyết án, báo cáo khó khăn, vướng mắc (nếu có) để cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ.

Đối với những vụ án phức tạp tổ chức họp các Thẩm phán trong đơn vị để bàn bạc, trao đổi, góp ý cách làm, hướng giải quyết; nếu qua trao đổi mà còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất được thì kịp thời làm văn bản báo cáo Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh để trao đổi nghiệp vụ.

Đối với những vụ án dân sự mà UBND và các cơ quan chuyên môn cùng cấp chậm trả lời, chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ, bản vẽ,…thì chủ động đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND và các cơ quan chuyên môn để cung cấp sớm; trường hợp qua công tác phối hợp mà còn gặp khó khăn nữa thì phải báo cáo lãnh đạo TAND tỉnh để làm việc với lãnh đạo UBND tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.

Chủ động tăng cường công tác tự kiểm tra tiến độ giải quyết án của các Thẩm phán, nhất là những vụ án Thẩm phán tạm đình chỉ hay để quá thời hạn chuẩn bị xét xử, để xem những vụ án Thẩm phán tạm đình chỉ có đúng hay không, quá thời hạn chuẩn bị xét xử do lỗi chủ quan hay khách quan; nếu tạm đình chỉ không có căn cứ hay án quá hạn do lỗi chủ quan thì phải chỉ đạo Thẩm phán khắc phục ngay, còn tạm đình chỉ đúng thì cũng phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Thẩm phán khắc phục lý do tạm đình chỉ, khi lý do tạm đình chỉ không còn thì phải đưa vụ án ra giải quyết dứt điểm.

Lãnh đạo các đơn vị phát động phong trào thi đua giải quyết án dân sự tồn trong đơn vị mình, giao chỉ tiêu giải quyết án tồn hàng tháng cho từng Thẩm phán, khuyến khích Thẩm phán tăng cường làm thêm giờ vào thứ Bảy, Chủ nhật, kịp thời biểu dương, khen thưởng, đề nghị khen thưởng đối với những Thẩm phán giải quyết án tồn đạt hiệu quả, chất lượng cao, đồng thời phê bình, xử lý trách nhiệm, không xét khen thưởng đối với các Thẩm phán giải quyết án không đúng kế hoạch cũng như thời gian đăng ký.

screenshot_1.png
Một phiên họp của TAND huyện Thạnh Trị, một trong những đơn vị có tỷ lệ giải quyết án dân sự tồn đọng đạt và vượt chỉ tiêu

Đối với các Thẩm phán, khắc phục tư tưởng ngại khó, hàng ngày phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy ý chí tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn, xem việc của nhân dân là việc của nhà mình để làm cho thật tốt và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Từng Thẩm phán xây dựng kế hoạch giải quyết từng vụ án một cách khoa học, hợp lý.

Đối với những vụ án khó khăn, phức tạp thì phải kịp thời báo cáo, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ trong tập thể đơn vị, Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh để có hướng giải quyết kịp thời, hạn chế được án bị hủy, sửa khi có kháng cáo, kháng nghị.

Đối với những vụ án sau khi thẩm định, định giá mà chậm có kết quả thì Thẩm phán chủ động hoặc báo cáo với lãnh đạo đơn vị liên hệ, phối hợp để họ cung cấp kịp thời, không được lợi dụng việc họ chậm cung cấp kết quả mà tạm đình chỉ rồi để đó, không đôn đốc, khắc phục lý do tạm đình chỉ.

z4709670041796_4460a0a8d07e080de6a70cede29d529c.jpg
TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã phát động phong trào thi đua giải quyết án dân sự tồn trong đơn vị mình

Đối với những vụ án UBND cùng cấp chậm trả lời, chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ thì Thẩm phán phải làm văn bản nhắc, đồng thời báo cáo lãnh đạo đơn vị đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND, báo cáo khó khăn với lãnh đạo UBND để họ hiểu, kịp thời cung cấp hoặc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp, từ đó đưa ra giải quyết dứt điểm vụ án, nhất là những vụ án thụ lý từ nhiều năm trước.

Từ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp nêu trên mà tỷ lệ giải quyết án dân sự tồn từ năm 2022 trở về trước ở các đơn vị có sự tiến bộ rõ rệt, cao hơn so với các năm trước, đặc biệt là có nhiều vụ án dân sự tồn lâu đã được các đơn vị khắc phục, đưa ra giải quyết dứt điểm.

Qua báo cáo tiến độ của các đơn vị thì tỷ lệ giải quyết án dân sự tồn từ năm 2022 trở về trước toàn tỉnh đạt trên 70%, trong đó có rất nhiều đơn vị đạt trên 70% như TAND các huyện (thị xã): Ngã Năm, Long Phú, Vĩnh Châu, đặc biệt có đơn vị đạt trên 90% đến 100% như TAND huyện Thạnh Trị, Kế Sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số giải pháp giải quyết án dân sự tồn đọng có hiệu quả