Những chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự

Trần Minh Giang| 11/11/2015 07:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Qua hai năm thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự trên cả nước, bảo đảm tính nghiêm minh của bản án.

Kết quả thực hiện Quy chế số 14/2013 của TAND các cấp

Hoạt động thi hành án những bản án, quyết định của Tòa án nói chung, hoạt động phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự nói riêng có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án phải được thi hành. Để công tác thi hành án dân sự ngày càng tốt hơn, ngày 9/10/2013, TANDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSNDTC đã ký kết Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự tại các TAND và các đơn vị trực thuộc TANDTC.

Ngay sau khi Quy chế được ban hành, lãnh đạo TANDTC và các TAND đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tòa án, các bài viết trên Tạp chí TAND, Báo Công lý, trang Thông tin điện tử TANDTC và các TAND cấp tỉnh. Đặc biệt trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khi xét xử, các Thẩm phán luôn giải thích trực tiếp để đương sự, công dân, cơ quan, tổ chức biết rõ quyền, nghĩa vụ của mình trong thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao, hạn chế khiếu kiện không có căn cứ.

Bên cạnh đó, TANDTC luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự. Ở địa phương, các TAND cũng chủ động công tác xây dựng Quy chế phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự, Công an, Viện kiểm sát cùng cấp thống nhất thực hiện theo quy chế do liên ngành cấp tỉnh và Trung ương ban hành. Các TAND đã tích cực phối hợp với liên ngành để trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự; việc cấp và chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện đúng theo quy định về thời hạn cấp, tống đạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự trong việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án. Công tác cưỡng chế thi hành án dân sự, thi hành án các vụ án lớn phức tạp được các ngành đặc biệt quan tâm thông qua các cuộc họp liên ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc, từ đó tìm ra hướng giải quyết.

Những chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự

Đại biểu đánh giá hiệu quả trong thực hiện Quy chế số 14/2013 đối với công tác thi hành án dân sự

TAND các cấp cũng chủ động tăng cường sự phối hợp với Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát các bản án dân sự chưa thi hành, để xác định trách nhiệm giữa các cơ quan và xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm của Tòa án. Đối với những bản án, quyết định không thể sửa chữa, bổ sung thì Tòa án kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Sau hai năm thực hiện Quy chế, chất lượng xét xử của Tòa án đang từng bước được nâng cao; công tác phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự đã đi vào nền nếp và đạt được những hiệu quả nhất định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phối hợp của liên ngành thực hiện công tác thi hành án vẫn còn gặp không ít những khó khăn, bất cập do khối lượng công việc ngày càng tăng. Mặt khác nhiều vụ án lớn, phức tạp còn có ý kiến chưa thống nhất giữa các cơ quan về quan điểm xử lý, giải quyết nên nhiều vụ, việc thi hành án dân sự bị kéo dài. Vẫn còn một số bản án, quyết định của Tòa án có sai sót, lỗi chính tả hay nhầm lẫn, nhưng việc giải thích, đính chính, sữa chữa, bổ sung bản án, quyết định của một số Tòa án đôi khi còn chậm làm ảnh hưởng đến công tác thi hành án dân sự. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án dân sự chưa tốt, người phải thi hành án chây ỳ, chống đối; pháp luật về thi hành án dân sự hiện còn bất cập...

Các giải pháp khắc phục

Đánh giá về tổng thể, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết: Quy chế phối hợp đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thi hành án dân sự, tăng số lượng vụ việc được thi hành lên nhiều hơn so với những năm trước;  tháo gỡ được những vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thi hành án. Việc thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong thời gian qua cơ bản đã khắc phục và hạn chế những sai sót trong việc ban hành bản án, quyết định của Tòa án; hỗ trợ cơ quan thi hành án thi hành được những vụ án phức tạp, khó thi hành. Nhiều địa phương tỷ lệ thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu, đạt hiệu quả cao hơn so với năm trước, phần nào thể hiện hiệu quả từ sự phối hợp chặt chẽ giữa liên ngành. Qua hai năm thực hiện Quy chế số 14/2013 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự trên cả nước, bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp liên ngành, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho rằng cần phải nghiên cứu những vấn đề mang tính quy phạm trong Quy chế để pháp điển thành văn bản pháp luật, đưa vào các quy định của Thông tư liên tịch về thi hành án dân sự nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và giá trị thi hành. Liên ngành cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án dân sự; thường xuyên trao đổi ý kiến hoặc cung cấp thông tin, để từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Cùng với đó, những cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, tố tụng dân sự, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nhằm bảo đảm sự minh bạch trong trình tự thủ tục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Đối với hệ thống TAND, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đề nghị mỗi đơn vị phải thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, không để xảy ra sai sót, hạn chế đến mức thấp nhất bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng gây khó thi hành. Các TAND phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định pháp luật về tố tụng dân sự, thi hành án dân sự; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến thi hành án; kịp thời giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định khi có yêu cầu chính đáng của Cơ quan thi hành án dân sự nhằm hỗ trợ công tác thi hành án dân sự được nhanh chóng, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án dân sự