Phóng sự - Ghi chép

Những câu chuyện nghề của phóng viên thường trú

Gia Ân-Hải Yến 19/06/2024 - 08:45

Nghệ An - vùng đất “chảo lửa, túi mưa”, nơi mà thiên tai, bão lụt đã trở thành… “đặc sản” thì làm báo ở đây cũng nhiều vất vả và lắm gian nan. Nghề báo tuy gian khổ, hiểm nguy nhưng luôn mang lại cho tôi hạnh phúc, nhất là hiệu ứng xã hội tốt khi có những bài viết kịp thời, chính xác, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được nhiều người đón nhận.

untitled-1.jpg

Nghề báo luôn đối mặt với những khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm nhưng đổi lại, niềm vui, hạnh phúc luôn đong đầy khi chúng ta nhận thấy “đứa con tinh thần” kịp thời đến với bạn đọc, được độc giả trân trọng và hào hứng đón nhận.

Còn nhớ, trận lũ lụt lịch sử chưa từng có đã xảy ra vào ngày 27/9/2023 trên địa bàn huyện miền núi nghèo Quỳ Châu (Nghệ An) đã khiến cho hàng nghìn hộ dân bị ngập, cô lập, hư hỏng nhiều tài sản, công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện… ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo của huyện Quỳ Châu, trong trận lũ này, toàn huyện đã có khoảng 1.108 hộ bị ngập, tại thị trấn Tân Lạc có 4 khối bị ngập với khoảng 200 hộ, trong đó có hộ ngập nặng nhất gần 4 mét. Để đi lại qua các khối trên địa bàn thị trấn phải dùng thuyền, ca nô, các phương tiện khác không thể qua lại khu vực nội thị. Xã Châu Hạnh có 5 bản bị ngập với khoảng 146 hộ, xã Châu Tiến có 4 bản bị ngập với khoảng 566 hộ, xã Châu Bình có 5 bản bị ngập với khoảng 50 hộ…

1.1.jpg
Người làm báo chưa bao giờ ngại khó, ngại khổ. Họ sẵn sàng tác nghiệp ở mọi thời điểm, mọi nơi.

Đặc biệt, nguy hiểm nhất là tại tâm lũ lịch sử xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nơi đã xảy ra trận lũ quét kinh hoàng vào hồi tháng 10/2022. Đợt mưa lũ lần này, con suối chảy qua giữa bản Sơn Hà và Hoà Sơn thuộc xã Tà Cạ nước lại cuồn cuộn dâng cao, chảy xiết, đe dọa nguy cơ sập cầu, sạt lở và chia cắt các bản vùng trong…

Thế nhưng, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết đó, chúng tôi - những phóng viên, nhà báo vẫn lao vào tâm lũ để tác nghiệp, kịp thời chuyển tải đến bạn đọc những bức hình sắc nét, chân thực và tổng hợp những thiệt hại chính xác nhất để người dân sớm được động viên, giúp đỡ và cứu trợ kịp thời.

Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ nhìn quanh bốn bề chỉ thấy nước, những con đường, đồng ruộng nằm dưới bể nước mênh mông. Trên người chúng tôi là máy ảnh, máy tính, chỉ cần một chút sơ suất nhỏ là có thể ngã xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy đục ngầu ấy bất cứ lúc nào.

Khi chứng kiến hình ảnh những cụ già tuổi đã gần đất xa trời, những em bé đang tuổi bi bô phải ngồi trên chạn, trên nóc nhà giơ những cánh tay yếu ớt báo hiệu vẫn còn sự sống, lòng tôi thấy thương cảm vô cùng. Và cũng thật sự cảm kích trước sự xông pha, vất vả, hết lòng của lực lượng công an, bộ đội, biên phòng Nghệ An khi cố tìm cách tiếp cận vùng lũ, trao tận tay bà con gói mì, lương khô, nước uống...

Động lực để các anh em làm báo vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy lúc này chính là những ánh mắt thất thần, cầu cứu của người dân đang trong cơn hoạn nạn. Có nhiều người phải sống cảnh “màn trời, chiếu đất”, họ đang từng ngày, từng giờ mong ngóng, dõi theo sự cứu trợ, giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể và cá nhân.

3(1).jpg
Báo chí là cầu nối giúp phản ảnh từng hơi thở của cuộc sống đến với bạn đọc.

Và thật ấm lòng hơn khi những bức ảnh, video được đăng tải lên, ngay sau đó, là từng đoàn, từng đoàn về cứu trợ giúp người dân vượt qua khó khăn, thiếu thốn và sớm ổn định cuộc sống, sưởi ấm đúng nghĩa 2 chữ “đồng bào”… Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho các phóng viên, nhà báo ngày càng thêm yêu nghề và đam mê, cống hiến nhiều hơn.

2.jpg

Sau chuyến tác nghiệp đáng nhớ trên, nhiều tin, bài, ảnh chất lượng được đăng trên báo điện tử Công lý như: “Nghệ An: Tiếp tục mưa to, cảnh báo nguy cơ ngập lụt trên diện rộng”, “Nghệ An: Mưa lớn gây ngập lụt hàng ngàn ngôi nhà, hàng trăm hoa màu”, “Nghệ An: Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề”… được độc giả đón nhận và đánh giá cao. Nhờ đó, có thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kết nối để cùng chung tay hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm giúp bà con sớm ổn định cuộc sống…

Qua những chuyến tác nghiệp hiểm nguy nhưng đầy ý nghĩa khiến tôi càng cảm nhận rõ hơn về nghề “phu chữ” nhọc nhằn mà cũng rất đỗi vinh quang, muốn thành công cần lắm “lửa” say mê và cái Tâm của người cầm bút.

1(2).jpg
Với nhà báo, phóng viên, dù ở bất cứ đâu, chỉ cần người dân cần là họ sẵn sàng có mặt.

Đồng thời, càng trân quý hơn sản phẩm trí tuệ của những người làm báo, càng quý trọng những con người làm báo, yêu cái nghề như người đời thường gọi - nghề “thư ký của thời đại” đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.

Tuy nghề báo có những nhọc nhằn là thế nhưng đổi lại, nghề cũng đem đến rất nhiều niềm vui, hạnh phúc. Việc đi nhiều, tiếp cận địa bàn, cơ sở giúp chúng tôi có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết, gặp gỡ rất nhiều người, nhiều trường hợp, mảnh đời, số phận khác nhau, từ đó hiểu thêm và trân quý cuộc sống. Mỗi ngày, bản thân sống tích cực, yêu đời và làm được nhiều việc ý nghĩa hơn.

Đặc biệt, những bài viết, sản phẩm của mình đến với bạn đọc, được bạn đọc trân trọng, đón nhận là món quà vô cùng quý giá, hạnh phúc đối với người làm báo. Vui mừng và tự hào không kém là khi tác phẩm của mình đoạt giải trong một cuộc thi báo chí.

Trong chặng đường làm báo, có muôn vàn bài học về nghề mà chỉ có “trường đời” chứ không trường lớp nào dạy được. Những người đã, đang sống với nghề báo vẫn luôn tin yêu, tự hào và nhiệt huyết với nghề để góp sức thúc đẩy sự nghiệp báo chí cách mạng phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là binh chủng xung kích trên mặt trận tư tưởng và mãi khắc ghi, thấm nhuần lời dạy của Bác để luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những câu chuyện nghề của phóng viên thường trú