Ngay khi bức ảnh xác em bé Syria, 3 tuổi bị chết đuối trôi dạt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ được công bố, hàng triệu người trên thế giới đã vô cùng choáng váng. Trước đó, nhiều bức ảnh cũng khiến lịch sử thế giới phải thay đổi như "Em bé Napalm", "Dust Lady".
Hình ảnh cậu bé 3 tuổi Aylan bị chết đuối, trôi dạt vào bờ biển, khi cùng cha mẹ và anh trai cố gắng thoát khỏi xung đột tại Syria để đi tìm miền đất mới đã khắc sâu vào trái tim và tâm trí người xem. Hình ảnh này đã khiến cả thế giới choáng váng và không khỏi giật mình trước cuộc khủng hoảng di cư nổ ra những tháng gần đây
Bức ảnh có tên "Dust Lady" là hình ảnh cô Marcy Borders dính bê bết bụi từ đầu đến chân được cho là hình ảnh ám ảnh nhất trong thảm họa 11/9/2001, tại Trung tâm Thương mại Thế giới. Cô Borders qua đời ở tuổi 42 sau nhiều năm chống chọi với ung thư dạ dày, được cho là hậu quả từ việc hít phải bụi và khói trong cuộc tấn công 11/9
Hình ảnh cảnh sát trưởng miền Nam Việt Nam Nguyễn Ngọc Loan bắn thẳng vào đầu một sĩ quan Việt Cộng bị còng tay bằng khẩu súng lục tại Sài Gòn trong cuộc Tổng tấn công Tết năm 1968, là hình ảnh không thể xóa nhòa về chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Eddie Adams, đã được nhận giải thưởng Pulitzer vì đã nêu bật được thực tế man rợ của chiến tranh. Sau khi được phát tán toàn cầu, nó đã gây những ảnh hưởng không nhỏ về chính trị cũng như thái độ của người Mỹ với chiến tranh tại Việt Nam
Bức ảnh trên ghi lại vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy đầy bí ẩn tại Dallas, Texas, ngày 22/11/1963, khi ông đang ngồi ở ghế sau chiếc limousine
Trung đoàn 28, Sư đoàn 5 của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ nâng cao quốc kỳ nước này trên đỉnh núi Suribachi, Iwo Jima, ngày 23/2/1945. Đây là vị trí chiến lược nằm trên các đảo Thái Bình Dương, chỉ cách Tokyo 660 dặm, và cũng là địa điểm diễn ra một trong những trận đánh đẫm máu nhất, nổi tiếng nhất Thế chiến II chống lại Nhật Bản. Nó nhóm lên hi vọng chiến thắng của hàng triệu người Mỹ
"Little Boy" - vũ khí nguyên tử đầu tiên của Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản, giết chết 140.000 người. Sau đó 3 ngày, quả bom thứ hai "Fat Man", thả xuống Nagasaki, giết chết 70.000 khác khiến Nhật phải đầu hàng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Mỹ đã thả bom để tránh một cuộc tấn công đẫm máu trên đất liền của Nhật Bản, sau trận chiến khốc liệt tại quần đảo Okinawa, cực nam Nhật Bản. Trận chiến đã khiến 12.520 người Mỹ và khoảng 200.000 người Nhật (khoảng 1 nửa trong số này là thường dân) thiệt mạng
Phi hành gia Buzz Aldrin của tàu Apollo 11 - người đầu tiên đặt chân xuống mặt trăng vào ngày 20/7/1969. Thành tựu này đã đánh dấu đỉnh cao cuộc chạy đua không gian với đồng siêu cường Nga - và giới thiệu những ưu việt của công nghệ Mỹ. Dự án Apollo được xem như một bức đi quan trọng trong việc khám phá hệ mặt trời
Sau 27 năm bị giam giữ, dưới sự cổ vũ của khoảng 2.000 người, Nelson Mandela (cùng với vợ, bà Winnie) bước ra khỏi nhà tù ở Paarl, gần Cape Town, Nam Phi, ngày 11/2/1990. Việc ông được thả ra khỏi tù đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên mới, dẫn tới cuộc bầu cử dầu tiên tại Nam Phi vào năm 1994, chấm dứt nhiều năm đàn áp chủng tộc và bạo lực. Khi đó, ông 71 tuổi, trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, sau nhiều thế kỷ người da trắng cai trị. Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông đã giành chiến thắng với 252/400 ghế
Cựu thủ tướng Iraq Saddam Hussein bị lật đổ và bị lực lượng Mỹ tấn công vào nơi ẩn náu (một cái hố sâu khoảng 2,5m tại một trang trại hẻo lánh gần Tirkit ), trong chiến dịch mang tên Operation Red Dawn, ngày 13/12/2003. Sau đó, Paul Bremer, người đứng đầu Chính quyền lâm thời liên minh (CPA) tại Iraq tuyên bố: "Thưa quý vị, chúng tôi đã bắt được ông ta!". Nhưng thay vì mở ra kỷ nguyên hòa bình, dân chủ tại khu vực, như chính quyền Bush từng hy vọng, cuộc nội chiến giữa người Sunni và Shia đã xảy ra sau đó, cuối cùng dẫn tới sự trỗi dậy của IS
Vào đầu những năm 1990, khi sự kích động và thành kiến đối với HIV và AIDS đang ở đỉnh cao, Công nương Diana đã trở thành người bảo trợ cho Quỹ phòng chống AIDS quốc gia vào năm 1991 và vận động không kỳ thị người nhiễm bệnh, cho tới khi bà qua đời vào năm 1997. Bức ảnh trên được chụp vào tháng 7/1992 khi Công nương Diana đến thăm trung tâm London Lighthouse AIDS. Bà đã đã gặp gỡ và bắt tay với một bệnh nhân, anh William Drake. Cái nắm tay đơn giản nhưng đã làm thay đổi thái độ của hàng triệu người đối với căn bệnh này
Một thủy thủ và một phụ nữ hôn nhau say đắm trong vòng ôm ấm áp trong lễ kỷ niệm Nhật đầu hàng vào cuối Thế chiến II, ngày 14/8/1945, tại Quảng trường Thời đại, New York. Bức ảnh do Alfred Eisenstaedt chụp lại. Tuy nhiên, cho tới nay, 70 năm trôi qua, vẫn chưa rõ 2 nhân vật chính trong bức ảnh là ai
Hình ảnh một con kền kền rình rập một bé gái gầy gò được nhiếp ảnh gia Kevin Carter chụp tại miền nam Sudan. Ngay khi được công bố vào năm 1993 trên tờ New York Times , bức ảnh đã khiến hàng trăm người phải giật mình và viết thư về tòa soạn hỏi thăm về tình hình của đứa trẻ trong bức ảnh. Tuy nhiên, Kevin Carter đã bị chỉ trích gay gắt khi không giúp đỡ cô bé. Sau khi công bố bức ảnh được 3 tháng, ông đã tự tử vì không chịu được áp lực dư luận
Khoảng 2 triệu người thiệt mạng khi Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu tại Campuchia từ năm 1975-1979. Các chính sách của Pon Pot về cơ bản đã biến cả Campuchia thành một trại lao động cưỡng bức. Hầu hết nạn nhân là tầng lớp trí thức, bị bỏ đói, tra tấn, hãm hiếp và giết hại. Nhiều người bị tra tấn bằng nhiều cách tại nhà tù diệt chủng Tuol Sleng. Khoảng 15.000 người Campuchia đã bị đưa vào đây trước khi đưa tới các nơi khác như Cánh đồng chết (The Killing Fields) bên ngoài thủ đô Phnom Penh. Sau đó, họ bị hành quyết chủ yếu bằng búa chim và bị chôn trong những ngôi mộ tập thể. Năm 1979, với sự giúp đỡ của Việt Nam, một phong trào kháng chiến và xâm lược, lật đổ Khmer Đỏ đã nổ ra. Campuchia sau đó phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi và giải quyết hậu quả thảm khốc từ Pol Pot
Bức ảnh "Em bé Napalm" được nhiếp ảnh gia người Việt, Nick Út chụp vào năm 1973 ghi lại được khuôn mặt sợ hãi của bé gái 9 tuổi, Phan Thị Kim Phúc, bị cháy hết quần áo, khi máy bay thả bom napalm vào quân đội và dân thường. Bức ảnh này đã khiến người dân khắp thế giới kinh hãi và một số người tin rằng nó đã thúc đẩy cuộc chiến tranh Việt Nam đi đến hồi kết
Hình ảnh khiến nước Mỹ phải xấu hổ với những hành vi tra tấn và ngược đãi tù nhân mà quân đội Mỹ thực hiện tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq. Sau khi bức ảnh được công bố, những hành vi này bị đưa ra ánh sáng. Những lời buộc tội về việc lạm dụng thể chất và tinh thần, hãm hiếp, tra tấn và giết người trong hậu quả của cuộc chiến tranh Iraq 2003 đã bị lên án khắp trong và ngoài nước Mỹ. 11 lính Mỹ đã bị kết án liên quan đến việc xỉ nhục và ngược đãi tù nhân
Tháng 4/1945, Fritz Klein, một bác sĩ của trại tập trung Đức quốc xã (người đã từng làm các thí nghiệm y tế trên các tù nhân trong các cuộc tàn sát mang tên Holocaust) đứng giữ các xác chết tại một ngôi mộ tập thể lớn sau khi Bergen-Belsen, Đức được giải phóng. Trong số 38.500 tù nhân được tìm thấy, hầu như không ai sống sót, khoảng 28.000 người đã chết sau đó. Trong ảnh, Klein buộc phải chôn những người đã chết. Vào tháng 12, ông bị kết án tử hình và treo cổ vì tội ác mà mình đã gây ra. Bergen-Belsen là trại tập chung đầu tiên của Đức quốc xã được giải phóng và đã cho toàn thế giới thấy bằng chứng bằng hình ảnh đầu tiên về sự kinh hoàng của Holocaust