Tiêu điểm

Những bông hoa lan toả niềm tin công lý

Tuyết Nhung 20/10/2024 06:04

Trong hệ thống tư pháp nghiêm túc và khắt khe, hình ảnh những người phụ nữ công tác tại Tòa án luôn gợi lên sự đối lập mềm mại nhưng đầy kiên cường. Họ được ví như những "bông hồng thép" – vừa mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng đầy tinh tế và nhân ái. Không chỉ bảo vệ công lý, họ còn là tấm gương sáng ngời trong việc lan tỏa niềm tin về một xã hội công bằng, thượng tôn pháp luật.

20-thang-10.jpg

Trong hệ thống tư pháp nghiêm túc và cứng rắn, hình ảnh những người phụ nữ công tác tại Tòa án luôn gợi lên một sự đối lập mềm mại nhưng đầy kiên cường. Họ được ví như những "bông hồng thép" – vừa mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng đầy tinh tế và nhân ái. Không chỉ bảo vệ công lý, họ còn là tấm gương sáng ngời trong việc lan tỏa niềm tin về một xã hội công bằng, thượng tôn pháp luật.

Thẩm phán – Phó Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Yên Bái Đỗ Thu Hương: Cán bộ Toà án là sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và cảm xúc

Tình yêu với nghề của nữ Phó Chánh toà Hình sự đến từ những giờ lén đi nghe xét xử. Đang độ tuổi ăn, tuổi chơi nhưng cô gái nhỏ nhắn đã đến toà lén nghe những phiên điều trần của Hội đồng thẩm phán. Hình ảnh những vị quan toà uy nghi với những lời lẽ lập luận đanh thép đã thôi thúc chị theo học ngành Luật. Bỏ qua việc bố mẹ định hướng với nghề giáo viên, bỏ qua những mông lung về nghề khi học luật ở thời điểm đó. Đến nay, dù đã có 30 năm gắn bó với nghề, với vô vàn những khó khăn, thử thách nhưng Thẩm phán – Phó Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Yên Bái Đỗ Thu Hương chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình.

Thẩm phán Đỗ Thu Hương chia sẻ: “Thẩm phán là một trong những nghề chịu nhiều áp lực, đôi khi phải đối diện với những nguy hiểm. So với thẩm phán nam, nữ thẩm phán gặp khó khăn hơn rất nhiều, trong khi bản thân còn có thiên chức của một người phụ nữ là làm vợ, làm mẹ; không những đòi hỏi chuyên môn phải nắm chắc, bản lĩnh phải vững vàng mà còn phải dung hòa được giữa việc nước và việc nhà. Các chị vừa phải cân bằng giữa công việc chuyên môn vừa phải thực hiện các công việc gia đình. Tuy nhiên, nữ cán bộ Tòa án vẫn đảm nhiệm công việc với những đòi hỏi về chuyên môn như nam giới.

z5944766988897_57d4e93a7794f94882df87d1842279f6.jpg
Thẩm phán – Phó Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Yên Bái Đỗ Thu Hương.

Vì là người cầm cân, nảy mực, mỗi phán quyết của thẩm phán sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời, số phận một con người. Để đưa ra những quyết định đúng đòi hỏi người thẩm phán phải nắm vững pháp luật và phải luôn tỉnh táo, linh hoạt, khách quan và công tâm. Dù vậy, nhưng khi phải chứng kiến, đứng trước việc kết tội, các thẩm phán nữ đều có cảm giác chạnh lòng và nhiều suy tư, nhiều khi là sự ám ảnh.

Tôi nhớ mãi việc xét xử vụ án bị cáo mua bán trái phép chất ma túy với trọng lượng hơn 01kg Heroine. Tại phiên tòa, con trai của bị cáo cầu xin Hội đồng xét xử cho bị cáo (là cha mình) được thoát án tử hình. Tuy nhiên, bị cáo phải chịu mức hình phạt cao nhất là bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. Những tiếng gào khóc, giọt nước mắt của người con trai đã khiến tất cả những người có mặt tại phiên toà không khỏi xót xa.”

Với 30 năm gắn bó với nghề, xét xử nhiều vụ án, trong đó có rất nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, Thẩm phán – Phó Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Yên Bái Đỗ Thu Hương luôn giữ bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghiệp vụ tinh thông và hơn hết là tinh thần “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Các vụ án do Thẩm phán Hương xét xử không có trường hợp nào oan, sai và bỏ lọt tội phạm; luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng, chính xác, để mỗi phán quyết đưa ra phải thật sự công tâm, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Luôn tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thẩm phán phải “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, Thẩm phán Hương và các cán bộ Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái còn rất tích cực trong công tác xã hội. Đặc biệt là trong thời gian toàn tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.

“Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, trụ sở làm việc và chỗ ở của nhiều cán bộ, công chức công tác tại hệ thống tòa án hai cấp tỉnh Yên Bái nằm trong khu vực bị ngập lụt nặng, bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở phải di dời. TAND tỉnh Yên Bái có 37 cán bộ, rất may mắn không có thiệt hại về người, nhưng hầu hết các cán bộ, công chức và người thân đều bị thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng của lũ bão. Trong đó, 22/37 cán bộ có nhà ở bị ngập lụt và sạt lở, 3 Thẩm phán có nhà ở bị ngập nặng. Nhiều phương tiện và tài sản bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, gây thiệt hại trực tiếp tới cán bộ, công chức TAND tỉnh Yên Bái. Theo thống kê, có khoảng hơn 10 xe ô tô, vài chục xe máy và các thiết bị gia dụng như tivi, tủ lạnh, hệ thống điện trong nhà bị hư hỏng. Ngay sau khi mưa lũ giảm, nước rút, TAND tỉnh Yên Bái đã thành lập 4 tổ công tác, lực lượng nhân sự là cán bộ, công chức của Tòa với tinh thần “Đoàn kết, tương trợ vượt qua bão lũ, nhà thiệt hại ít hỗ trợ nhà thiệt hại nhiều” để giúp các đồng nghiệp, người dân dọn dẹp nhà cửa, bùn đất để nhanh chóng ổn định cuộc sống.”, Thẩm phán Thu Hương chia sẻ.

Thẩm phán - Chánh tòa dân sự TAND tỉnh Lai Châu Nguyễn Thị Thu Hà: Luôn kiên định trước những thách thức

Nhìn người con gái với dáng hình nhỏ nhắn, đôi vai gầy, ít ai ngờ rằng Thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hà lại là một phụ nữ mạnh mẽ. Một khi đã xác định được ước mơ, định hướng thì tất cả mọi ngã rẽ cũng sẽ về đúng nghề mà chị lựa chọn. Với tự ti học không giỏi, bị ngọng nên chị Hà đã năm lần, bảy lượt khổ sở trong chọn nghề. Một là sư phạm, hai là sẽ theo ngành luật. Bỏ qua mọi khó khăn, thách thức, việc theo nghề Thẩm phán với chị Hà như một định mệnh. Thi đến năm thứ hai chị mới đỗ, nhưng đỗ cả hai nguyện vọng Sư phạm và Luật. Cũng không cần do dự, chị Hà chọn học Luật như thử một vận may vì chị không đủ tự tin làm cô giáo. Vậy mà, ngã rẽ đó đã làm thay đổi cả cuộc đời chị. 22 năm công tác, người Thẩm phán ấy chưa bao giờ hối hận với con đường mình đã chọn.

Ngay cả khi nhiều người cho rằng phụ nữ làm Thẩm phán sẽ rất vất vả. Vì công việc đòi hỏi sự chịu đựng áp lực, sự quyết đoán, những điều không phải thế mạnh của chị em “chân yếu, tay mềm”. Thế nhưng, Thẩm phán - Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Lai Châu Nguyễn Thị Thu Hà lại quan niệm: “Đó không hẳn là thử thách hay vất vả quá đối với phụ nữ. Vì các chị em nhiều khi có sự mềm mỏng, suy nghĩ trước sau thấu đáo hơn. Cộng với bản lĩnh, kiến thức được đào tạo trong trường và thực tế thì sẽ giải quyết vụ việc rất cẩn thận và đôi khi còn tốt hơn cả nam giới.”

z5946381285106_1c76e2f47152ef3783cb668d8d248862.jpg
Thẩm phán - Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Lai Châu Nguyễn Thị Thu Hà

Nghe Thẩm phán Hà chia sẻ, tôi giật mình và rất tự hào: “Đây mới thực sự là bình đẳng giới từ trong suy nghĩ cho đến việc làm. Dù ở bất cứ nghề nghiệp, lĩnh vực nào cũng chẳng thể làm khó được chúng tôi. Biến hạn chế thành đặc điểm riêng, lấy nhu thắng cương một cách linh hoạt, khéo léo. Đâu phải đấng mày râu nào cũng làm được như vậy.” Nhưng tôi chợt nhận ra sau giọng nói đanh thép đó, có gì đó phảng phất nỗi niềm của Thẩm phán Hà. Một người phụ nữ mạnh mẽ, kiên định, luôn sẵn sàng với những khó khăn, thách thức dù ở bất cứ vị trí nào. Nhưng chị cũng có những góc khuất riêng mà rất khó để tôi được nghe chị chia sẻ.

Môi trường Toà án đã kết duyên Thẩm phán Hà và người bạn đời của mình. Với sức trẻ, nhiệt huyết, hai anh chị luôn tiên phong tới những Toà án thuộc các huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh. Vợ chồng trẻ nhưng cũng có lúc cả tháng mới được gặp nhau. Đến năm 2008, khi sinh bé thứ 2, anh chị mới về cùng toà Phong Thổ. Năm 2013, anh lại tiếp tục vào TAND huyện Nậm Nhùn để nhận nhiệm vụ. Và lần này, anh đã ra đi mãi và để lại chị và hai đứa con thơ. Những nỗi đau, ngổn ngang phía trước khiến người phụ nữ ấy cũng đã có lúc mệt mỏi. Đôi vai gồng gánh đôi khi cũng thấy đau. Nhưng bản lĩnh của một nữ cán bộ Toà án đã giúp chị vượt lên tất cả. Những sóng gió cuộc đời đã tôi luyện nên người phụ nữ ấy. Chị không chỉ một mình nuôi hai con khôn lớn. Trong sự nghiệp, chị đã luôn cố gắng, phấn đấu để trở thành một trong những nữ Thẩm phán tiêu biểu của TAND tỉnh Lai Châu. Tháng 3 năm 2017, chị giữ chức vụ Phó Chánh án TAND huyện Phong Thổ; tháng 11 năm 2019 là Thẩm phán Trung cấp - Phó Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh; từ tháng 3 năm 2022 đến nay là Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh.

tho-1-.jpg

Ủy viên Ban cán sự Đảng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng TAND tỉnh Sơn La Trần Phương Thảo: Cán bộ Toà án - những người lan tỏa niềm tin công lý

Là một người phụ nữ đại diện cho thế hệ trẻ, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng TAND tỉnh Sơn La Trần Phương Thảo có chút may mắn hơn với các chị thế hệ đi trước. Tốt nghiệp đại học năm 2013 tại Trường Đại học Luật Hà Nội, sau đó học Thạc sĩ nên Thảo được đào tạo bài bản về những kiến thức, kỹ năng của cán bộ Toà án. Cùng với sức trẻ, sự nhiệt huyết và tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các bà, các mẹ, các chị đi trước, Thảo đã làm việc, cống hiến tâm huyết cho TAND tỉnh Sơn La. Trong quá trình công tác, Thảo đã tham mưu giúp Chánh án TAND tỉnh trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ; bổ nhiệm, luân chuyển, kỷ luật, xử lý trách nhiệm cán bộ; thực hiện chính sách đối với công chức và người lao động; xây dựng, thực hiện kế hoạch tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh công chức khác; thực hiện các nhiệm vụ về thanh tra và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật; giải quyết tố cáo đối với Thẩm phán, cán bộ của TAND tỉnh và các TAND cấp huyện thuộc quyền quản lý theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân và quyết định phân cấp của Chánh án TANDTC; tham mưu, phụ trách công tác đảng vụ của Ban cán sự Đảng và Đảng ủy TAND tỉnh…, góp phần nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ, chú trọng xây dựng tổ chức đảng và hệ thống TAND hai cấp tỉnh Sơn La vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ giữ chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.

Không chỉ thực hiện tốt công tác chuyên môn mà Thảo cùng các cán bộ của TAND tỉnh Sơn La còn tích cực trong công tác từ thiện xã hội. “Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 - Yagi, nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc chịu ảnh hưởng rất nặng nề, trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng có nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng, với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã vận động các đồng chí lãnh đạo và công chức TAND hai cấp tích cực tham gia hưởng ứng, góp phần chia sẻ, chung tay, góp sức cùng các cơ quan, ban ngành của tỉnh và cả nước thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ. Đặc biệt, thường xuyên quan tâm, hỏi thăm và kịp thời động viên công chức, người lao động trong hệ thống TAND ở các địa phương chịu thiệt hại sau cơn bão vừa qua.

z5946220350943_12a090681d626944aa1f200d86c3d390.jpg
Ủy viên Ban cán sự Đảng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng TAND tỉnh Sơn La Trần Phương Thảo

Đoàn công tác của TAND tỉnh Sơn La và Chi bộ TAND huyện Mộc Châu đã tổ chức chương trình thiện nguyện tặng quà trung thu cho các điểm trường mầm non và hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với tổng giá trị quà tặng là 20.000.000₫.

TAND tỉnh phối hợp với Báo Công lý tổ chức thành công chương trình trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm cho 02 hộ gia đình tại xã Hua Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La và trao tặng quà cho các em học sinh tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hua Trai với tổng trị giá 116.200.000 đồng.”

Những nữ cán bộ Tòa án không chỉ làm tốt vai trò của mình trong hệ thống tư pháp mà còn là những người tạo dựng và lan tỏa niềm tin công lý cho xã hội. Họ giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về vai trò của luật pháp và tầm quan trọng của sự công bằng. Trong những vụ án phức tạp, họ không ngại đối diện với dư luận, chứng minh cho công chúng thấy rằng pháp luật luôn đứng về phía lẽ phải và con người. Nhiều người trong số họ đã vượt qua các định kiến xã hội về giới, phá bỏ rào cản để khẳng định vai trò của phụ nữ trong ngành Tòa án. Những phán quyết của họ không chỉ giải quyết vấn đề pháp lý mà còn mang tính giáo dục cao, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về công lý và đạo đức.

Xin được lấy những câu thơ trong bài Viết cho em – Cô gái Tòa án…!!! Để thay lời kết

Tòa án!
Em chọn rồi có hối hận hay không?
Tuổi 23 em bước vào đời nhiều hoài bão.
Những nhiệt tình – sức trẻ - nhiệt huyết – đam mê
Đi qua ghập ghềnh trên suốt chặng đường xa.
Tòa án mình…em biết được những điều chi?
Xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội.
Nghiên cứu hồ sơ kỹ càng…không được vội.
Nhân danh nước mình tuyên bản án công minh

Hãy cố gắng không chỉ hôm nay
Cho ngày mai và nhiều ngày mai nữa
Hãy là một cán bộ Tòa đầy nhiệt lửa
Sống cùng nghề tiếp bước thế hệ cha anh
Nghề em chọn dẫu lắm gian truân
Những giọt nước mắt chưa khô, nụ cười không tròn trịa
Sự công tâm của người giữ lửa
Cán cân công lý giữ sao không nghiêng về một phía
Đạo đức - Lương tâm - Trách nhiệm - Tình người
Lời Bác dạy vững bước nẻo đường đời...

Thực hiện: Tuyết Nhung

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bông hoa lan toả niềm tin công lý