Đó là một chuyên án rất đặc biệt, tôi tin rằng, những người đã tham gia và cả quần chúng nhân dân thời ấy không dễ gì quên được. Bởi tuy chuyên án không được đặt tên, nhưng mỗi khi nhắc đến, người ta đều nhớ ngay đến hai chiến sĩ đã anh dũng hy sinh".
Đại tá Triệu Văn Điện, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn kể cho tôi nghe như vậy về tấm gương hi sinh của hai chiến sĩ Công an tỉnh Lạng Sơn trong cuộc mật phục triệt phá băng cướp cực kì manh động và rất thích sử dụng hàng nóng do tên Phùng Văn Nam cầm đầu.
Gây án táo tợn
Đại tá Điện trầm ngâm: “Bây giờ đi trên những con đường trải nhựa phẳng lì từ Hà Nội lên Lạng Sơn, chỉ có những người thường xuyên đến xứ Lạng mấy chục năm trước mới thấy được nỗi cực nhọc. Khoảng thời gian ấy, quãng đường hơn trăm cây số khập khiễng toàn ổ trâu, ổ voi, trong đó có đoạn đi qua Quỷ Môn Quan nổi tiếng là nỗi hoang mang của hành khách. Cánh lái xe tải, xe khách ở cung đường này nhiều người khiếp vía phải bỏ nghề sau vài lần bị những khẩu súng AK lạnh ngắt của những toán cướp chĩa thẳng vào đầu”.
Các chiến sĩ Công an tỉnh Lạng Sơn trong lần gặp mặt các Anh hùng lực lượng Công an nhân dân.
Thời điểm đó, ở khu vực thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) hình thành một băng cướp có 6 tên do Phùng Văn Nam cầm đầu. Dưới chướng Nam còn có các bộ hạ như Nguyễn Tiến Quốc (ngụ tỉnh Lạng Sơn), Vũ Văn Vinh (ngụ tỉnh Quảng Ninh), Vi Quý Hoà, Vi Thị Dần (cùng ngụ tỉnh Lạng Sơn) và Nông Thị Oanh (ngụ huyện Tam Thanh, tỉnh Lạng Sơn). Địa bàn hoạt động của băng cướp này chủ yếu trên tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn (đoạn qua Quỷ Môn Quan) và được biết đến là một băng cướp cực kì thông minh và manh động.
Về phương thức hoạt động của băng cướp do Nam cầm đầu cũng rất tinh vi. Hồi ấy, những băng cướp lập địa bàn ở khu vực Quỷ Môn Quan chủ yếu đều là nam giới, nên với việc băng mình có hai “nữ quái” là Dần và Oanh, Nam cho đó là một lợi thế rất lớn. Lợi dụng vẻ ngoài xinh đẹp, yêu kiều của hai cô gái, Nam bố trí hai đàn em trong vai những người khách qua đường thường xuyên xin đi nhờ trên những xe chở hàng để dò xét tình hình. Khi thấy con mồi béo bở, Dần và Oanh sẽ có ám hiệu riêng để cho Nam cùng những đối tượng khác trong nhóm tiến hành cướp.
Thiếu uý Triệu Văn Phong, người đã hi sinh để bảo vệ sự bình yên nơi Quỷ Môn Quan
Trong mỗi lần “ăn hàng”, Nam đều họp đàn em, bàn bạc chi tiết tình hình cũng như đánh giá mức độ thành công rồi mới cho thực hiện. Trong nhóm của Nam, ngoại trừ Dần và Oanh còn lại tất cả các thành viên đều được trang bị hàng nóng bao gồm súng và lựu đạn. Nam bảo: “Bây giờ đi cướp chúng nó chỉ sợ nhất là súng. Đoàng cái là mất mạng nên bố bảo chúng nó cũng không dám chống cự”.
Có súng ống, băng của Nam lao vào những vụ “ăn hàng” táo tợn, và sẵn sàng nổ súng khi nạn nhân chống cự. Ngày 20/4/1986, nhận được tin báo của Dần và Oanh có xe khách từ Hà Nội lên, trên xe có rất nhiều dân buôn lên cửa khẩu lấy hàng, Nam cho đàn em lăm lăm súng nấp vào những bụi cây ven đường. Khi chiếc xe chở khách rơi vào ổ phục kích, Nam cho đồng bọn chạy ra mở cửa, dí súng uy hiếp tài xế và hành khách cướp đi khoảng 50 triệu đồng. Xong xuôi mọi việc, chúng kéo nhau chạy mất hút vào khu rừng gần đó.
Một ngày cuối năm 1986, giáp Tết, hàng từ biên giới vận chuyển về xuôi để bán nhiều. Nam tập hợp đồng bọn để đánh mẻ cuối cùng trước khi chia tay về quê ăn tết cùng gia đình. Hôm đó, phát hiện thấy chiếc xe khách hướng từ Hà Nội lên, Nam ra hiệu cho đàn em làm theo kế hoạch. Tuy nhiên, vừa thấy bóng dáng toán cướp lăm lăm súng ống chặn trước mũi xe, tài xế xe khách hoảng hốt đạp ga bỏ chạy khiến một tên trong nhóm bị húc văng sang bên đường. Tức mình Nam rút ngay quả lựu đạn đeo bên hông ném đuổi theo chiếc xe khách. Một tiếng nổ chát chúa vang lên, nhưng hành khách trên xe không bị thiệt hại gì.
Chuyên án “không tên” và sự hy sinh của hai Cảnh sát trẻ
Trước sự nguy hiểm của băng cướp do Nam cầm đầu, Công an tỉnh Lạng Sơn quyết định lập chuyên án nhằm xoá xổ tận gốc băng cướp nguy hiểm này. Tuy nhiên, do địa hình miền núi hiểm trở, phức tạp, băng của Nam lại có hành tung rất bí ẩn, nếu thấy động, chúng sẽ tẩu thoát ngay. Trước tình hình này, các chiến sĩ lực lượng vũ trang Công an tỉnh Lạng Sơn phải đau đầu tìm mọi cách để triệt phá.
Tất cả cán bộ của đơn vị được tung vào cuộc, Thiếu uý Triệu Văn Phong cũng nằm trong số đó. Suốt gần một tuần Thiếu úy Phong cùng đồng đội nằm gai nếm mật, ăn đói mặc rách, nằm chốt chặn tại Quỷ Môn Quan để dò la tin tức của băng cướp. Dựa vào những nguồn tin cơ sở báo về cho biết, băng cướp của Nam đang ẩn nấp tại một chiếc hang nằm sâu trong rừng và chắc chắn một hai ngày nữa chúng sẽ ra tay.
Tin báo về hồi chiều thì ngay buổi tối, Thiếu úy Phong cùng một đồng đội nữa là Trung uý Nguyễn Thành Tấn tức tốc lên đường. Giả làm những người buôn bán, những gã buôn hàng lậu, các anh trà trộn vào trong những chuyến xe chở khách từ dưới xuôi lên. Đúng như dự đoán, gần 3 giờ sáng ngày 29/10/1987, vào lúc mọi người đang ngủ mê mệt, gió đông thổi buốt giá nhất, chiếc xe chở gần 70 người đang ì ạch leo lên đoạn dốc cua nguy hiểm nhất thì trên xe có tiếng hô: “Cướp đây! Ai có tiền vàng bỏ hết ra…”. Tiếng hô khiến mọi người hốt hoảng tỉnh giấc.
Hai tên cướp, một tên lăm lăm khẩu K54 còn tên kia một tay cầm quả lựu đạn đã rút chốt, lục soát tiền vàng của khách hàng. Phong ngồi cạnh lái xe, Tấn ngồi phía cuối, bằng ánh mắt ra hiệu cả hai bắt đầu nhích dần, nhích dần tiếp cận hai tên cướp. Bất chợt có tiếng một hành khách thốt lên: “Công an!” khiến hai tên cướp giật mình. Tên cướp cầm trái lựu đạn lớn tiếng: “Thằng Công an nào có giỏi bắn đi! Hôm nay tao tận số thì cũng là ngày giỗ chung của cả chiếc xe này”.
Nhanh như cắt, sau cái đưa mắt, Tấn lao vào bóp chặt cánh tay đang cầm lựu đạn rồi ôm hắn lao xuống triền núi. Khi quả lựu đạn với hàng trăm viên bi sát thương có thể hạ chết tất cả hành khách trên xe chưa kịp rơi xuống, ngay lập tức bằng cú bay người ra khỏi hàng ghế, Phong đá quả lựu đạn ra xa, văng vào triền núi. Ánh chớp lửa xanh lè vụt bung ra, kèm theo tiếng nổ vang trời như xé toạc màn đêm, đá rơi ào ào nhưng hành khách trên xe vẫn bình yên vô sự.
Khi hành khách chưa kịp hoàn hồn thì lại giật mình bởi hai tiếng nổ khô khốc vang lên. Tên cướp phía sau đã bắn vào lưng Phong và Tấn. Tên cướp cầm lựu đạn sau cú ngã thập tử nhất sinh đã lồm cồm bò dậy, hắn như một con thú đang say máu, rút súng trong người ra định bắn tiếp thì Tấn gượng dậy ngẩng đầu cầm súng hướng vào hắn bóp cò. Đến lúc đó Tấn mới từ từ nằm xuống trong gió lạnh nơi Quỷ Môn Quan.
Cả hai anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Trung uý Nguyễn Thành Tấn, sinh năm 1961, người xã Chí Hoà, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), có hai con. Thiếu uý Triệu Văn Phong, sinh năm 1965 người xã Tri Lê, huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) chưa lập gia đình. Cả hai tấm gương hi sinh anh dũng của các anh nơi Quỷ Môn Quan đã để lại niềm tiếc thương không chỉ với gia đình, đồng đội mà còn là niềm thương xót với người dân nơi miền biên ải này. Ngày 3/7/1989, cả hai anh đó được nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.
"Gần 30 năm trôi qua, thời kỳ cướp bóc đã lui vào quá khứ, nhưng hình ảnh của hai đồng chí Tấn, Phong và những người chiến sĩ đã góp phần xương máu và tính mạng để đổi lấy cuộc sống bình yên hôm nay, sẽ sống mãi trong sự tiếc thương và nể phục của chúng tôi" - Trong lời kết của câu chuyện, giọng kể của Đại tá Triệu Văn Điện đã không kìm được xúc động. |