Mặc dù các phương tiện truyền thông đã đưa tin, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã thực hiện tuyên truyền về các hành vi mua bán người của các đối tượng tội phạm, nhưng trên thực tế, thực trạng mua bán người ngày càng trở nên khó lường.
Đầu năm 2013, sau khi đi thăm chị gái ở Bản Bún, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, cháu G.T.D (sinh năm 1999, tại bản Suối Lóng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) có gặp mà làm quen với Mùa A Giàng. Sau đó cháu G.T.D và Mùa A Giàng có trao đổi số điện thoại và thi thoảng gặp gỡ.
Khoảng tháng 04/2013, Mùa A Giàng bỏ học và đi làm thuê tại xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Trong thời gian này, Giàng quen một người quốc tịch Trung Quốc tên là Ru và được Ru nhờ tìm một người phụ nữ Việt bán cho Ru làm vợ.
Mùa A Giàng nảy sinh ý định bán cháu D cho Ru. Để thực hiện ý định này, Giàng đã liên tục dùng điện thoại tán tỉnh cho đến khi cháu D đồng ý yêu thì hẹn gặp và nói muốn lấy D làm vợ. D đồng ý lấy và theo Giàng làm vợ. Sau đó, Giàng nói với cháu D về việc lên Lào Cai làm thuê để lấy tiền làm đám cưới. Cả hai lên Lào Cai rồi Giàng lừa cháu D qua cửa khẩu biên giới Việt Trung theo đường tiểu ngạch, gặp Ru Giàng lấy 10.000.000 đồng, lừa cháu D lên ô tô có người nhà của Ru rồi nhanh chóng chuồn về nước ăn tiêu hết số tiền đã bán cháu D.
May mắn cho cháu D, sau một thời gian sinh sống cùng Ru, lợi dụng sơ hở khi được đưa đi chơi, D đã nhanh chóng chạy vào đồn công an Trung Quốc khai báo và được giải cứu, đưa về Việt Nam. Đến ngày 12/07/2015, khi Mùa A Giàng sang nhà chị gái chơi thì bị gia đình cháu D phát hiện, tố cáo với cơ quan chức năng và nhanh chóng bị đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật. Bị cáo Giàng A Mùa bị xử phạt 3 năm tù về tội mua bán người.
Nhiều đối tượng mua bán người đã bị lực lượng chức năng bắt giữ (Ảnh minh họa)
Những kẻ mua bán người không chỉ xuất hiện đơn lẻ như trên vụ án Mùa A Giàng kể trên, chúng còn có sự liên kết bài bản với nhau, chủ động đi “tìm hàng”, lừa con mồi vào tròng với nhiều thủ đoạn.
Khi cháu N.T.H (sinh năm 1992, tại Lang Chánh, Thanh Hóa) đứng đón xe khách tại thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thì gặp đối tượng Nguyễn Thị Hoa Linh cũng đang bắt xe tại đây. Sau khi lân la hỏi chuyện, đối tượng nhận thấy cháu H là người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết nên đã nói dối và dụ dỗ cháu đi trông hàng và sẽ trả công cao. Cháu H tưởng thật nên nhanh chóng đồng ý.
Linh đón xe khách đưa cháu H đến nhà Bùi Văn Long (sinh năm 1956) tại làng Cò Mót, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây Linh và Long đã trao đổi với nhau về việc tìm được “hàng” để đưa sang Trung Quốc. Sau khi thỏa thuận Long trả trước cho Linh 500.000đ, Linh và Long lừa cháu H về việc đi trông hàng, bắt xe lên Quảng Ninh, chở cháu H qua biên giới Việt Trung và bán lấy 100 nhân dân tệ.
Sau khi bị bán sang Trung Quốc, cháu H đi theo một người phụ nữ lạ mặt đã mua cháu, sau đó chị ta mới nói cho H rằng đã bị bán làm gái bán dâm hoặc làm vợ người Trung Quốc. Lúc này, cháu H mới biết mình bị Long và Linh lừa bán. Lợi dụng sơ sở cháu H đã bỏ trốn và nhờ người dân địa phương báo Công an, cháu H may mắn liên lạc được với gia đình và được gia đình đưa về nhà.
Sau khi về nhà, cháu H đã làm đơn tố cáo hành vi của Nguyễn Thị Hoài Linh và Bùi Văn Long với cơ quan Công an. Bị cáo Linh bị xử phạt 12 năm tù về tội “Mua bán trẻ em”, bị cáo Long sau khi bỏ trốn sang Trung Quốc, đến ngày 27/09/2014 thì bị bắt, bị đưa ra xét xử và tuyên phạt 14 năm tù giam về tội “Mua bán trẻ em”
Có thể thấy rằng trẻ em luôn là đối tượng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, luôn là “miếng mồi béo bở” cho những tên buôn người xuyên biên giới. Vì vậy, không chỉ có các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương mà cần có sự vào cuộc của từng gia đình, từng tế bào của xã hội từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật, hiểu biết xã hội cho thế hệ học sinh từ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.