Những bài học đáng giá

Mộc Miên| 11/05/2021 21:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thừa nhận cuộc chiến chống lại COVID-19 còn song hành với sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện tại và tương lai, chúng ta không thể không nhìn thẳng, chỉ rõ và dám chịu trách nhiệm.

nhung-bai-hoc-dang-gia-1.jpg
Ảnh minh họa

Cả nước lại bước vào những ngày gồng mình chống dịch đầy nguy nan. Tính đến 6h ngày 7/5, Việt Nam có tổng cộng 1691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới do lây nhiễm tính từ ngày 27/4 đến nay là 121 ca.

Như vậy có thể thấy chỉ trong vòng một tuần, chúng ta đã liên tiếp có những ca bệnh lây lan nhanh chóng ra cộng đồng, kéo theo những chùm ca bệnh tại nhiều tỉnh khác nhau như: Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên, Đà Nẵng… Trong đó, đáng lưu ý là chùm ca bệnh COVID-19 do lây nhiễm trong khu điều trị bệnh nhân nội trú của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tại cơ sở Kim Chung đã khiến 61 trường hợp mắc COVID-19 ở hiện tại và chắc chắn số bệnh nhân sẽ còn tăng.

Không phải phân tích nhiều cũng thấy rõ, kết thúc đợt dịch thứ 3, Sau hơn một tháng không có lây nhiễm cộng đồng cho đến ngày 29/4 xuất hiện ca bệnh 2899 được ghi nhận như dấu mốc cả nước bước vào đợt dịch mới. Trong suốt thời gian đó, nhiều người chủ quan gần như đã quên chúng ta tạm bình yên, nhưng là bình yên trong trạng thái mới- trạng thái mà ngay cả khi nghỉ ngơi cũng không được quên virus SARS-CoV-2 có thể trỗi dậy nếu phút giây nào đó ta lơ là.

Trong bối cảnh đó, mặc dù hàng ngày Việt Nam vẫn liên tục có ca COVID-19 mới nhập cảnh, song ở một số nơi, một số bộ phận chống dịch đã chủ quan, không thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và trách nhiệm được giao. Thế mới có câu chuyện chuyên gia nước ngoài nhập cảnh đáng lý phải cách ly tại doanh nghiệp, lại đi khắp nơi, tiếp xúc với vô số người làm lây lan cả một ổ dịch cho cộng đồng. Thậm chí có cả thành viên tổ tuần tra kiểm soát COVID-19 cùng lực lượng Biên phòng còn làm “nội gián” đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép…

Trên thực tế, chúng ta không thiếu các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và từ trước đến nay, trong nhiều lần quán triệt trực tiếp, cũng như văn bản giấy tờ của lãnh đạo từ cấp cao nhất xuống các cấp ủy trong hệ thống chính trị đều đề cập không ít đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên mỗi khi một sự cố gây hậu quả trong phòng, chống dịch xảy ra, trong khi pháp luật đã xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân là bệnh nhân gây hậu quả nghiêm trọng làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, thì hầu như chưa có lãnh đạo cơ quan, địa phương nào nghiêm khắc chịu trách nhiệm, có chăng cũng dừng ở mức độ “nghiêm túc nhận lỗi”.

Có lẽ vì như vậy mà không phải không có những cán bộ đã không khỏi “giật mình” khi đang trong những ngày nghỉ lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã 2 lần triệu tập cuộc họp khẩn của Thường trực Chính phủ. Tại đây, Thủ tướng tuyên bố: “Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân”.

Không chỉ nói chung, Thủ tướng còn chỉ đích danh một số địa phương lơ là trong công tác chống dịch, đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Ngay sau đó, một số cá nhân như: Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái Nguyễn Trường Giang đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do đã có vi phạm trong việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài tại thành phố Yên Bái; kỷ luật cảnh cáo, rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu HĐND huyện Lý Nhân, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Ngụy Cao Phi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu HĐND xã và không giới thiệu tham gia ứng cử chức danh Chủ tịch UBND xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Phan Thanh Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Đạo Lý; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lương Thanh Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân…

Nhiều lỗ hổng được chỉ rõ, nhiều bài học đắt giá đã được rút ra. Tuy nhiên sự hời hợt, lỏng lẻo trong nhiều khâu là điều nhìn thấy rất rõ. Chúng ta đã từng nói rất nhiều về tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân trong phòng, chống dịch và thực tế điều này cũng đã gây ra những hậu quả không nhỏ trong thời gian qua, hệ lụy đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đối với lực lượng phòng chống dịch, đặc biệt là những người ở những vị trí nắm giữ trách nhiệm tại địa phương, tổ chức không thể chỉ nói là sự lơ là, mà phải khẳng định đó là sự chủ quan, thiếu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao phó, với sự tin tưởng của Đảng và kỳ vọng của nhân dân, gây ra hậu quả khôn lường khó có thể sửa chữa, khắc phục.

Từ những sự cố vừa qua đã nhìn rõ những điểm yếu, lỗ hổng trong vấn đề quản lý, Thủ tướng đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, ông luôn nhấn mạnh tinh thần phân cấp triệt để cho các cấp, các ngành chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường cũng như điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phòng chống dịch và khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất.

Đợt dịch này không còn là lời cảnh báo, mà thực sự cả nước đã bước vào cuộc chiến sinh tử khi chúng ta vừa trải qua đợt nghỉ lễ đi du lịch tập trung đông người, nguồn lây cả “bên trong, bên ngoài” đã phát tán nhanh, mạnh với những biến thế virus SARS-CoV-2 ngày càng phức tạp khó kiểm soát.

Thừa nhận cuộc chiến chống lại COVID-19 còn song hành với sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện tại và tương lai, chúng ta không thể không nhìn thẳng, chỉ rõ và dám chịu trách nhiệm. Hơn lúc nào hết, toàn hệ thống cần sốc lại tinh thần, coi đây là những bài học đáng giá để sửa sai. Có như vậy các bộ phận mới có thể ăn khớp nhịp nhàng, trên dưới mới có thể đồng lòng cùng người dân cả nước chống dịch thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bài học đáng giá