Có những phiên tòa, bị cáo đứng trước vành móng ngựa với ánh mắt vô hồn, khóc cười man dại khi khai báo hành vi sát hại người khác.
Nhiều vụ rơi vào ngõ cụt, bế tắc vì những triệu chứng bất thường từ sức khỏe tâm thần nhập nhèm thật giả của bị cáo. Ai tham dự những vụ án thương tâm đó đều không khỏi rùng mình lo lắng khi công tác quản lý người có dấu hiệu tâm thần còn quá lơi lỏng.
Trong thời gian Tòa nghị án, ông Huỳnh Tấn Minh, cha ruột bị cáo Huỳnh Tấn Thành (SN 1977) bị truy tố về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” đau khổ kể lại hoàn cảnh bi thương của con mình. Theo lời ông Minh, Thành từng là một người có sức khỏe tốt, thi đậu vào Trường Đại học thể dục thể thao. Cho đến một ngày, con ông bỗng trở nên lặng lẽ bất thường và thể hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Thành mắc bệnh rối loạn tâm thần hoang tưởng.
Gia đình ông Minh đưa Thành đi khám và điều trị tại bệnh viện. Sau một thời gian uống thuốc, bệnh tình thuyên giảm nên Thành được về sống cùng gia đình. Năm 2011, Thành có quan hệ tình cảm với chị Nguyễn Thúy Hương (SN 1967) và đây là bước ngoặt trong cuộc đời bị cáo.
Chiều 19/6/2011, Thành và chị Hương hẹn nhau đi nhậu tại quán trên đường Hoàng Sa, quận Tân Bình. Tại đây, Thành cãi nhau với bạn gái. Do chị Hương say rượu nên hai người đến một khách sạn tại phường 10, quận 3 để nghỉ qua đêm. Trên thực tế tại thời điểm này, sức khỏe tâm thần của Thành chưa bình phục. Thành vẫn bị rối loạn nhân cách dạng hoang tưởng.
Bị cáo Thành tỏ ra vô cảm khi ngồi trước vành móng ngựa
Khi xảy ra cãi nhau, Thành rất bực tức do bị chị Hương thách thức Thành giết mình và dùng tay cào cấu Thành. Do đó, Thành quyết định hạ sát người yêu. Khoảng 8 giờ sáng ngày 20/6/2011, Thành trở xuống quầy lễ tân, mượn một con dao để gọt trái cây. Khi quay trở phòng, thấy chị Hương đang nằm quay mặt vào tường, Thành liền dùng dao tấn công, sau đó, ngồi đè lên người chị Hương bóp cổ cho đến khi nạn nhân tắt thở. Sau đó, Thành lấy mền trùm lên người chị Hương rồi rời khỏi phòng xuống quầy lễ tân.
Bệnh tình trở nặng, Thành lấy xe máy của chị Hương chạy lang thang. Đến 18 giờ cùng ngày, Thành mới về nhà kể lại sự việc cho cha ruột và anh ruột nghe. Gia đình của Thành sau đó đã đưa Thành đến Công an quận 3 đầu thú.
Nhận thấy Thành lúc tỉnh lúc mê, thần kinh không bình thường nên Cơ quan điều tra đưa đi giám định pháp y. Kết quả cho thấy, Thành bị rối loạn nhân cách dạng hoang tưởng trước và trong thời gian gây án. Thành được đi điều trị bắt buộc, đến ngày 25/5/2014, cơ quan pháp y xác định bệnh tâm thần của Thành đã ổn định nên CQĐT phục hồi điều tra.
Trong các phiên tòa xét xử các bị cáo có tiền sử tâm thần, những người gia đình nạn nhân rất đau khổ, bất bình khi con em mình bị tước đoạt tính mạng một cách oan ức. Như trong vụ án Vắn Cóng Bảo (SN 1993 tại Đồng Nai), cha mẹ anh Lộc khóc nức nở khi nghe bị cáo khai lại quá trình phạm tội giết người.
Vắn Cóng Bảo cũng là một bệnh nhân có tiền sử tâm thần không bình thường. Bảo từng được điều trị tại Bệnh viện tâm thần TP. Hồ Chí Minh, sau đó Bảo xin làm công nhân tại Công ty bao bì nhựa Tài Vạn Phú, số A6/10B ấp 1A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh do anh Âu Tuấn Phương làm giám đốc.
Sáng 19/6/2015, Bảo lấy điện thoại của anh Lộc (công nhân cùng xưởng với Bảo) gọi điện thoại số 113 để quậy phá nên anh Lộc tức giận, cãi nhau với Bảo. Đến gần trưa, Bảo tiếp tục lấy điện thoại của anh Lộc đùa nghịch dẫn đến anh Lộc và Bảo xô xát với nhau. Anh Lộc đánh Bảo té ngã xuống nền kho và ngồi đè lên người Bảo tiếp tục đánh. Thấy Bảo xin tha, anh Lộc buông Bảo ra và quay lại làm việc.
Lúc này, Bảo tức giận, nảy sinh ý định đánh anh Lộc để trả thù. Bảo đóng cửa kho lại, lấy 1 ống kim loại dài 83cm tấn công vào đầu của Lộc. Mặc dù Lộc xin tha rồi tri hô cầu cứu nhưng Bảo quyết tâm phạm tội đến cùng, y lấy can dầu hỏa vào tưới lên người của Lộc rồi châm lửa đốt. Gây án xong, Bảo trốn ra Hà Nội rồi đến Công an phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm đầu thú.
Tại phiên tòa xét xử hai vụ án trên, các bị cáo Thành và Bảo đều thể hiện dấu hiệu tâm thần khi nói khi cười trong khi trả lời các câu hỏi của tòa. Bị cáo Bảo khai do sợ bị xử chết nên khai quanh co lòng vòng. Ông Âu Tuấn Phương, Giám đốc Công ty Tài Vạn Phú khai lại: Sau khi giết người, Bảo bỏ trốn và gửi “thông điệp” khiến anh lạnh gáy: “Đúng ra người em giết là anh đó, anh Phương!...”.
Khi nghe Tòa tuyên án 20 năm tù, Bảo bỗng bật khóc một cách vô hồn. Đối với Thành, khi đứng trước vành móng ngựa, bị cáo tỏ ra vô cảm, thỉnh thoảng ngoái lại nhìn người cha, ánh mắt không một chút cảm xúc. Nghe Tòa tuyên mức án 21 năm tù, Thành cũng chỉ đứng ngẩn ngơ.
Các bị cáo được Tòa cho hưởng tình tiết giảm nhẹ do hạn chế về nhận thức. Tuy nhiên, những người dự khán không khỏi ám ảnh trước những cử chỉ, thái độ còn đầy bệnh hoạn của các bị cáo. Cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý, phòng ngừa người có tiền sử bệnh thần kinh. Cần chấm dứt ngay những thảm kịch do người bị tâm thần và hạn chế nhận thức gây ra nhằm bảo vệ bình yên cho mọi người.