Phóng sự - Ghi chép

Nhớ về một phiên chợ

Hải Yến-Gia Ân 29/07/2024 - 08:06

Tại Nghệ An, có rất nhiều phiên chợ ở các huyện miền núi, trung du và các vùng ven biển, nhưng độc đáo và còn lưu giữ được những nét chân quê, thôn dã nhất có lẽ vẫn là chợ phiên Cầu Giát (TT. Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu). Với những người dân thôn quê, đi chợ phiên như niềm vui được tặng thưởng sau những ngày làm lụng mệt nhọc, vất vả.

Những phiên chợ Giát trong ký ức

Ngày xưa, chợ Giát không chỉ là nơi giao thương của người dân huyện Quỳnh Lưu, mà còn cho các vùng lân cận như Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An).

Vào năm 1989, khi đất nước ta mới bước vào giai đoạn đổi mới đầy khó khăn, thử thách, nhà văn tài hoa Nguyễn Minh Châu đã đắm say, thai nghén rồi cho ra đời tác phẩm “Phiên chợ Giát” làm mê hoặc bao độc giả trong cả nước.

2.jpg
3.jpg
Chợ Giát trong khoảng thời gian 1820 – 1935 (Ảnh tư liệu)

Cùng với “Mảnh trăng cuối rừng”, tác phẩm “Phiên chợ Giát” đã đưa nhà văn Nguyễn Minh Châu lên một tầm cao mới, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả cả nước. Đặc biệt, sau tác phẩm viết về quê hương xứ Nghệ, nhiều du khách trong và ngoài nước đã biết đến và tìm về “Phiên chợ Giát” để được trải nghiệm, hòa mình trong không gian phố chợ ngày nào.

Quỳnh Lưu là một huyện vùng duyên hải ven biển, thời bấy giờ, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nên cái đói, cái nghèo vẫn hiển hiện trên từng nếp nhà, trên từng khuôn mặt, dáng đi khắc khổ, lam lũ của người dân.

Lúc bấy giờ, ở chợ Giát có phân thành hai khu vực họp chợ rành rẽ là chợ hàng hóa và chợ bò (bán chủ yếu là trâu, bò). Người nông dân đi chợ chủ yếu là đi bộ, đi hàng năm bảy cây số đường đất. Chợ Giát vừa là chợ huyện của cả vùng, lại vừa mang rõ nét đậm đà sắc thái văn hóa của vùng quê lúa.

Các phiên chợ Giát ngoài rau quả lương thực, còn bán vật nuôi sống như gà, vịt, lợn, trâu bò. Ngày trước, bán lợn thường cho vào rọ mang hoặc quảy; trâu bò thì dắt bộ. Đàn bà thường đi chợ bán lợn, gà. Đàn ông chuyên mua bán trâu, bò. Người dân quê đi chợ mất gần một ngày.

Có khi người dân chỉ cắp một con gà trống lên chợ để bán, mua mấy cái bánh khô (bánh đa), hoặc mấy cái bắp ngô luộc về cho con trẻ; còn lại đong gạo, mua cá biển, mua dép, mua áo cho chồng cho con. Tuổi thơ cứ trông mẹ đi chợ về là thế. Hương vị bắp ngô nếp luộc cứ thơm nồng nàn, vương vấn mãi trong ký ức người xưa.

Tại phiên chợ Giát, những chú lợn trước khi mang đi bán được tắm rửa sạch sẽ, cho vào rọ tre, đáy lót tấm mê đan. Tấm mê đáy rọ cứng bạnh cái bụng cái hông lợn làm da thịt đùn ra cả ngoài ô đan, trông con lợn to, béo mập hẳn. Người xưa có câu “lợn rọ, chó thui” là thế.

4-1.jpg
3-1.jpg
Chợ Giát những năm 1920-1935 (Ảnh tư liệu)

Phiên chợ bò thì vui như hội. Chợ như một sàn diễn xướng dân dã mà đam mê. Đến phiên chợ, trâu bò từ khắp huyện Quỳnh Lưu và các huyện lân cận được dắt bộ nườm nượp trở về. Người ở xa đi chợ bò phải xuất phát từ bốn năm giờ sáng, khi mặt trời chưa mọc; đường đất còn mát mẻ, trâu không mệt, nhìn còn phương phi nhanh nhẹn…

Chợ Giát xưa còn là nơi để biểu diễn các bài hát xẩm chợ độc đáo. Nghe nói sau này có người từ hát xẩm chợ đã trở thành nghệ nhân ca kỹ dân gian nổi tiếng.

Chợ quê – nơi gìn giữ nét văn hóa người Việt

Theo thời gian, phiên Chợ Giát ngày nay đã có nhiều đổi thay, mới mẻ. Nhưng nhìn chung nơi đây vẫn giữ được những nét đơn sơ, giản dị; túp lều, ghế chõng ngày nào vẫn bày bán những thức ăn, đồ uống thôn quê phục vụ người nông dân chân lấm, tay bùn như ăn kẹo lạc, uống nước chè chát không bao giờ thiếu được. Các loại bánh dân gian thời xưa như bánh khoai, bánh đúc, bánh tày, bánh vo, bánh rán… vẫn bày bán trên các thúng mẹt của các bà mẹ chân quê.

5.jpg

Chợ phiên được họp vào các ngày chẵn trong tháng, khi ấy tất cả hàng hóa các nơi được tập trung đưa về để mua bán, trao đổi. Chợ không chỉ là nơi phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người dân, mà còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa, hồn quê có từ hàng trăm năm qua.

Đặc biệt, chợ Giát vào những dịp Tết đến Xuân về, khung cảnh càng trở nên nhộn nhịp, đặc trưng hơn với những ông đồ ngồi bên khay mực múa bút viết câu đối, thư pháp cho khách, những trò chơi dân gian thú vị, những sản vật đặc trưng của vùng duyên hải Quỳnh Lưu hay từ miền núi đưa về được bày bán đầy đủ. Người đi chợ Tết mua bán thì ít mà người đi dạo chơi, ngắm nghía thì nhiều.

Phiên chợ họp từ sáng tinh mơ cho đến gần trưa, người mua kẻ bán tấp nập nhưng chẳng thấy cảnh chen lấn, cãi vã như thường thấy ở một số nơi khác. Người bán hàng niềm nở, mời chào, khách mặc sức xem, ưng bụng thì lấy chứ ít khi cò kè, thách giá. Đi chợ phiên, có lẽ vui nhất là những đứa trẻ. Niềm vui lấp lánh trong đôi mắt thơ, chúng nhảy nhót, nũng nịu cha mẹ để được mua quà, chơi trò chơi.

Nép mình bên góc chợ là những thúng bánh đa, hàng trầu cau, mẹt thuốc lào, bánh trái dân dã của các bà cụ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Đi chợ phiên Cầu Giát, ngoài thưởng thức những món ăn dân dã của vùng quê còn có những món đặc sản như bánh mướt Phú Diễn nóng hổi, ăn ngay khi vừa tráng xong trên lò; tô cháo lươn, súp lươn thơm phức, béo ngậy, chỉ mới ngửi thôi đã muốn thưởng thức.

Qua thời gian, chợ Giát bây giờ đã đông đúc, sầm uất, có một số mặt hàng đúng phiên chợ truyền thống mới bán buôn như gia súc, trâu bò, hàng thủ công… còn lại đa số hàng hóa được bày bán quanh năm.

Trong cuộc sống hiện đại, tại các đô thị, trung tâm thương mại, siêu thị dần thay thế chợ truyền thống. Con người ta vội vã, tất bật hơn nên không còn dành nhiều thời gian cho việc đi chợ. Đi chợ không còn là thú vui, không để gặp gỡ, trao đổi thông tin mà chỉ để phục vụ nhu cầu mua sắm những thứ thiết yếu trong cuộc sống. Và nét đặc trưng văn hóa vùng miền cũng không còn được thể hiện ở những phiên chợ hiện đại.

Nhưng có lẽ, đối với những người “nhà quê”, chợ phiên vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Nó đã trở thành một cái gì đó gần gũi, đã đi vào tiềm thức, vào tâm hồn họ bằng những hình ảnh mộc mạc, thân quen.

Qua bao thăng trầm biến thiên của thời gian, đến nay, chợ Giát vẫn lưu giữ được những nét văn hoá đặc trưng của vùng quê dân dã, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt người mua bán, tham quan, trong đó có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến, ghé chợ phiên để tận hưởng không khí yên bình, thanh thản tại vùng đất Bắc xứ Nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ về một phiên chợ