Tòa án địa phương

Nhiều trăn trở phía sau bản án

Nguyễn Sự 09/07/2023 - 15:45

Số lượng vụ án hình sự giảm so với cùng kỳ, song tính chất, mức độ phạm tội ngày càng phức tạp. Đa số các bị cáo phạm tội tuổi đời rất trẻ nên để đưa ra bản án nghiêm minh, có tác dụng giáo dục, răn đe, cải tạo và phòng ngừa chung luôn là nỗi trăn trở đối với các Thẩm phán đang công tác tại TAND huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

tand_huyen_cam_thuy1.jpg
Đa số các bị cáo phạm tội ở độ tuổi còn trẻ, chủ yếu là các thanh niên không có công ăn việc làm ổn định, ham chơi, bỏ học sớm, nhận thức pháp luật còn hạn chế dễ dẫn đến phạm tội.

Theo Thẩm phán Nguyễn Trọng Sơn, Chánh án TAND huyện Cẩm Thủy cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND huyện Cẩm Thủy đã thụ lý 263 vụ việc các loại, đã giải quyết, xét xử 232 vụ, đạt tỷ lệ 88%.

Về án hình sự, đơn vị đã thụ lý 23vụ/38 bị cáo (giảm 3 vụ, 10 bị cáo so với cùng kỳ), đã giải quyết, xét xử 20 vụ, 33 bị cáo, đạt tỷ lệ 87%. Trong đó, tội “Mua bán trái phép chất ma túy” chiếm tỷ lệ cao nhất 5 vụ, 12 bị cáo; “Trộm cắp tài sản” là nhóm tội có tỷ lệ cao thứ hai với 3 vụ, 6 bị cáo; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 3 vụ, 5 bị cáo; “Cố ý gây thương tích” 1vụ, 1 bị cáo; “Hủy hoại tài sản” 1 vụ, 1 bị cáo; còn lại là các tội “Giao cấu với người đủ 13 tuổi dưới 16 tuổi”, “Cố ý gây thương tích” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

tand_huyen_cam_thuy2.jpg
Thẩm phán Nguyễn Trọng Sơn, Chánh án TAND huyện Cẩm Thủy.

“Số lượng vụ án hình sự trên địa bàn huyện Cẩm Thủy giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chất, hành vi, đối tượng phạm tội ngày càng phức tạp. Đa số các bị cáo phạm tội trên địa bàn huyện ở độ tuổi còn trẻ, chủ yếu là các thanh niên không có công ăn việc làm ổn định, ham chơi, bỏ học sớm, nhận thức pháp luật còn hạn chế dễ dẫn đến phạm tội.

Qua công tác xét xử các vụ án hình sự cho thấy, nhóm tội xâm phạm sở hữu, tội phạm về ma túy vẫn chiếm tỷ lệ cao. Số vụ về xâm hại tình dục trẻ em giảm, tuy nhiên tội phạm này vẫn là vấn đề nhức nhối đòi hỏi gia đình và xã hội quan tâm. Nguyên nhân của tội phạm phần lớn xuất phát từ mối quan hệ yêu đương giữa bị hại và bị cáo. Đa số trẻ em trong các vụ án này đều có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố mẹ đi làm ăn xa, để con ở nhà với ông bà dẫn đến không có sự quản lý chặt chẽ đối với các cháu từ phía gia đình. Do đó, đòi hỏi các nhà trường, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục để sớm ngăn chặn tình trạng này”, Thẩm phán Nguyễn Trọng Sơn chia sẻ.

tand_huyen_cam_thuy4.jpg
Tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, người lao động TAND huyện Cẩm Thủy đoàn kết, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Cẩm Thủy luôn quan tâm, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án, đưa ra xét xử kịp thời trong hạn luật định. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo bảo đảm tính nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và nhân thân của người phạm tội, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn. Không có án oan sai, bỏ lọt tội phạm, không có án hủy, sửa.

Đối với loại án vay tài sản, chủ yếu là các tranh chấp giữa các Ngân hàng tín dụng với cá nhân, hộ gia đình và cho vay giữa các cá nhân với nhau, đối tượng cho vay đều có mối quan hệ quen biết, tình cảm. Mục đích cho vay để kiếm lời, nhưng sau đó do bên vay hoặc chây ì nhằm trốn tránh việc trả nợ hoặc kinh doanh thua lỗ lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mất khả năng thanh toán nên dẫn đến tranh chấp, cá biệt có trường hợp thực tế vay mượn với nhau với lãi suất cao, dẫn đến các đương sự không có khả năng trả nợ. Tuy nhiên giấy vay nợ thì các bên không thể hiện lãi suất, do đó Tòa án không có căn cứ để xem xét về hành vi cho vay lãi cao.

tand_huyen_cam_thuy5.jpg
Thẩm phán Vũ Thị Dung, Phó Chánh án TAND huyện Cẩm Thủy.

Về án hôn nhân và gia đình, đơn vị thụ lý 169 vụ, đã giải quyết 152 vụ, đạt tỷ lệ 90%. Trong đó, xét xử 23 vụ, hòa giải để các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án 39 vụ, đình chỉ 4 vụ, tạm đình chỉ 4 vụ, ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án 82 vụ việc.

Thẩm phán Nguyễn Trọng Sơn bày tỏ trăn trở: “Án hôn nhân và gia đình năm nào cũng chiếm tỷ lệ cao nhất so với các loại án. Nguyên nhân ly hôn là do mâu thuẫn vợ chồng xuất phát từ việc bạo lực gia đình, ngoại tình, nghiện hút ma túy, rượu chè, bài bạc phát tán tài sản. Mặt khác, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, một bên đi làm ăn xa, vợ chồng xa nhau lâu ngày dẫn đến tình cảm gia đình rạn nứt, đặc biệt rất khó khăn cho công tác hòa giải.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn là một vấn đề đáng lo hiện nay. Theo quyết định thì Tòa án giao con cho bố hoặc mẹ chăm sóc nuôi dưỡng nhưng thực tế thì đa phần sau khi ly hôn con cái sẽ do cho ông bà nội, ngoại nuôi dưỡng, còn bố mẹ đi làm ăn xa hoặc lấy vợ chồng mới ra ở riêng. Điều này dẫn tới việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn không bảo đảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý, sự phát triển bình thường của trẻ vị thành niên”.

Về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, TAND huyện Cẩm Thủy đã phối hợp cùng hai cơ quan tố tụng cùng cấp tổ chức thành công 3 phiên tòa trực tuyến.

Với việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực như: tăng cường công tác đào tạo, tập huấn qua hệ thống truyền hình trực tuyến của ngành; tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến, phiên tòa lưu động; Thực hiện việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ... Qua đó, công tác giải quyết xét xử các loại vụ việc tiếp tục đạt kết quả cao, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

tand_huyen_cam_thuy3.jpg
Tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, người lao động TAND huyện Cẩm Thủy.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà TANDTC đề ra, trong 6 tháng cuối năm 2023, TAND huyện Cẩm Thủy quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa lưu động tại địa phương; Phối hợp với VKSND tổ chức các phiên tòa theo yêu cầu của cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng việc rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa, không làm chiếu lệ, hình thức.

Thực hiện nghiêm túc việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND; Phấn đấu 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được đăng tải theo quy định; Thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì Công lý” bảo đảm thực chất, sáng tạo, bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều trăn trở phía sau bản án