Dù kết quả 6 tháng đầu năm của ngành tôm rất khả quan nhưng còn nhiều thách thức cần giải quyết những tháng cuối năm.
Nhìn vào kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm, nhiều người lạc quan cho rằng, ngành tôm sẽ về đích sớm và vượt xa mục tiêu 4 tỉ USD trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), do thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu, nên xuất khẩu tôm trong tháng 5 và 6 có dấu hiệu chững lại so với 4 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 6, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ghi nhận chỉ ở mức 1 con số.
VASEP nhận định, 6 tháng cuối năm với ngành tôm có nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát giá và thiếu nguyên liệu chính là bài toán khó cho doanh nghiệp ngành tôm.
Việc thiếu tôm nguyên liệu dẫn đến giá cao, chi phí sản xuất tăng, tăng lương cho người lao động, lãi suất tăng, ngân hàng thắt chặt tín dụng… Ngoài ra, tôm Việt Nam còn gặp cạnh tranh lớn từ tôm của Ecuador, Ấn Độ ở thị trường Mỹ, nên ít nhiều tác động tiêu cực đến mặt bằng giá chung. Về vấn đề lạm phát, nguyên nhân này cũng tác động đến tâm lý người tiêu dùng làm sức cầu không tăng như kỳ vọng nên giá tiêu thụ cũng khó có thể cải thiện theo hướng tăng thêm.
Cao điểm của ngành tôm thường rơi vào 6 tháng cuối năm, kể cả thu hoạch và chế biến, xuất khẩu, có tính quyết định đến hiệu quả của cả mùa tôm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tình hình thu hoạch tôm vẫn diễn ra khá yên ắng.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, một số giải pháp cần được quan tâm phát triển hiện nay để giải bài toán chủ động nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu tôm chính là sự đổi mới của mảng nuôi nhỏ lẻ với chuỗi hợp tác mới và quy trình nuôi mới; vai trò của nuôi quy mô trang trại trong nỗ lực vươn tầm của toàn ngành; vai trò của mô hình tôm – rừng, tôm – lúa. Ba nguồn cung tôm nguyên liệu nêu trên là trọng điểm trong tương lai.
Nhìn về hiện tại thì nguồn cung từ nuôi nhỏ lẻ manh mún vẫn còn là chủ lực. Người nuôi nhỏ lẻ đối diện rủi ro rất cao là do nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch, nên tình trạng thiếu nguồn nước nuôi và không nơi xử lý nước thải nên xả ra kênh chung khiến tôm dễ nhiễm chéo là phổ biến. Ứng xử vấn đề này thiết nghĩ việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi là hết sức cần thiết và cấp thiết.
Kinh phí có hạn, tập trung vùng trọng điểm. Cơ sở hạ tầng quan trọng nhất là thủy lợi, kế tiếp là điện và đường. Tỉnh Bạc Liêu làm rất tốt, hệ thống kênh dẫn nước biển nuôi tôm được đào sâu, mở rộng với quy mô lớn, thiết nghĩ là bài học cho các tỉnh có nuôi tôm còn lại.