Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, quyền tự do báo chí, quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động báo chí, tiêu chuẩn của phóng viên thường trú, liên kết trong hoạt động báo chí...
Đó là những nội dung trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) được các đại biểu đặc biệt quan tâm, góp ý kiến.
Sáng 21/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì hội thảo.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo
Dự hội thảo có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ; đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC; lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí các tỉnh, thành phố phía Bắc.
35 điều mới trong dự thảo Luật Báo chí
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh: Thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thông tin & Truyền thông được giao chủ trì xây dựng Luật Báo chí thay thế Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015. Ngày 13/5/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông đã ban hành Quyết định số 605/QĐ-BTTTT thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật Báo chí.
Qua tổng kết 15 năm thi hành và xu hướng phát triển của báo chí thời gian tới, đồng thời chế hoá các nguyên tắc, quan điểm của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; việc xây dựng Luật Báo chí lần này đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó có quy định mới hết sức quan trọng đó là “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Vì vậy, Luật Báo chí mới phải đảm bảo những quy định trong luật đáp ứng tốt hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của công dân phù hợp điều kiện phát triển của đất nước.
Thứ ba, các quy định trong Luật Báo chí cần khắc phục những bất cập, những vấn đề chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu do sự phát triển nhanh chóng của tình hình mới ở trong nước và trên thế giới; đồng thời đảm bảo sự thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho báo chí phát triển.
Thứ tư, khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí như trong thời gian qua do các quy định pháp luật còn thiếu hoặc chưa rõ ràng; đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, nhà báo; trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động báo chí.
Thứ năm, việc xây dựng Luật Báo chí mới trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí năm 1989; Luật sửa đổi, bổ sung năm 1999 và xu hướng phát triển của báo chí thời gian tới; cụ thể hóa và đưa vào luật các quy định đã thực hiện thời gian qua còn phù hợp mà trước đây được quy định tại các văn bản dưới luật; cố gắng cụ thế các quy định trong luật để có thể áp dụng ngay, tránh nhiều văn bản hướng dẫn...
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Luật Báo chí cho biết, dự thảo Luật Báo chí mới gồm 6 chương, 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi, bổ sung, dày dặn hơn rất nhiều về nội dung so với Luật Báo chí năm 1989 và Luật bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí năm 1999. Dự thảo Luật đề cập tới nhiều nội dung, vấn đề “nóng” của hoạt động báo chí đang được dư luận quan tâm như: Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; tiêu chuẩn của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; quyền tự do báo chí; vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí; tiêu chuẩn của phóng viên thường trú; thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí…
Báo chí là cơ quan sự nghiệp có thu, không phải doanh nghiệp
Tại hội thảo, lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí phía Bắc đã chỉ ra nhiều vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật.
Ông Võ Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đồng tình với việc xây dựng dự thảo Luật Báo chí là cần thiết, đồng thời góp ý kiến về việc không nên quy định cụ thể Bộ chủ quản (cơ quan quản lý nhà nước về báo chí) là Bộ Thông tin & Truyền thông vì để bảo đảm tính lâu dài của luật, nên quy định là Bộ chủ quản do Chính phủ quy định có phạm vi rộng hơn; đồng thời đề nghị không quy định Tổng Biên tập cơ quan báo chí phải có bằng đại học chuyên ngành báo chí, vì thực tế nhiều Tổng Biên tập hiện nay không học báo chí, vì vậy chỉ nên quy định là có trình độ đại học. Đặc biệt là cần xem xét hoạt động tác nghiệp của nhà báo có được coi là thi hành công vụ không nhằm bảo vệ quyền lợi cho người làm báo…
Ông Hoàng Minh Thái, Cục Pháp chế Bộ Thông tin & Truyền thông thì cho rằng phải phân biệt giữa các loại hình cơ quan báo chí để quy định phù hợp về độ tuổi Tổng Biên tập. Nếu chỉ quy định chung một độ tuổi là không phù hợp thực tế: Tổng Biên tập báo các Hội có người 88 tuổi vẫn làm việc...
Đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ đồng tình với dự thảo Luật Báo chí lần này có nhiều nội dung mới, nhiều điều luật quy định rõ ràng, minh bạch. Cụ thể là Điều 16 quy định rõ đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; các tổ chức khác của Nhà nước do Chính phủ quy định.
Toàn cảnh hội thảo
Nhiều đại biểu cũng băn khoăn cho rằng không nên đưa quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí vào luật, vì sẽ gặp khó khăn trong thực hiện, tương tự như Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang rơi vào tình trạng này; cần thiết bổ sung thêm chức năng giám sát và phản biện của báo chí tại Điều 5 của dự thảo Luật (Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí); cần có một chương riêng về báo chí điện tử và truyền thông đa phương tiện…
Một vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm đó là Điều 18 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí là cơ quan thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí quy định tại Điều 3 của Luật này và tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện”. Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: Báo chí là cơ quan sự nghiệp có thu, không phải doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có báo chí. Điều 43 Dự thảo Luật quy định rõ vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí. Hoạt động liên kết trong báo chí nhằm tạo điều kiện để cơ quan báo chí phát triển, là xu thế chung để tận dụng xã hội hóa. Tuy nhiên, liên kết phải có giới hạn, không ảnh hưởng tôn chỉ mục đích của báo chí. Ví như trong lĩnh vực xuất bản, chỉ liên kết khâu in, phát hành, sơ bộ bản thảo; chỉ liên sách sách khoa học kỹ thuật, giải trí, không liên kết xuất bản các ấn phẩm sách chính trị, tôn giáo...
Phóng viên thường trú phải có Thẻ nhà báo
Nhằm khắc phục những bất cập trong hoạt động của phóng viên thường trú, văn phòng đại diện cơ quan báo chí hiện nay, Điều 26 dự thảo Luật Báo chí quy định rõ tiêu chuẩn của phóng viên thường trú như sau: “Phóng viên thường trú thuộc văn phòng đại diện hoặc hoạt động độc lập phải có Thẻ nhà báo được cấp tại cơ quan báo chí xin đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú; không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong thời hạn 1 năm tính đến khi đề nghị đặt văn phòng đại diện hoặc cử phóng viên thường trú”.
Có ý kiến cho rằng việc quy định phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo như vậy sẽ hạn chế cơ hội làm báo của các bạn trẻ. Nếu phóng viên thường trú hoạt động độc lập tại địa phương khi chưa lập Văn phòng thường trú thì bắt buộc phải có thẻ nhà báo, còn nếu phóng viên thuộc Văn phòng đại diện thì có nhất thiết phải có thẻ nhà báo không cũng cần được quy định rõ trong luật…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, tiêu chuẩn đầu tiên đối với phóng viên thường trú là phải có thẻ nhà báo, bởi thực tế lâu nay có tình trạng nhiều cơ quan báo chí tuyển người không đủ tiêu chuẩn hoặc cử người chưa có thẻ nhà báo làm phóng viên thường trú. Nhiều người trong số này đã lợi dụng danh nghĩa báo chí gây phiền phức, quấy nhiễu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn thay mặt Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến góp ý xây dựng của các đại biểu để bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật Báo chí, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015 tới.