Nhiều lãnh đạo Nhà nước tham gia khai hội xuân trên cả nước

Ngọc Mai| 13/02/2016 23:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (13/2) - tức ngày 6 tháng Giêng năm Bính Thân, nhiều lễ hội truyền thống nổi tiếng, thu hút du khách gần xa của dân tộc đã được tổ chức tưng bừng tại nhiều địa phương trên toàn quốc có sự tham gia của Lãnh đạo Nhà nước.

Trong sáng nay (13/2) đã diễn ra lễ Khai hội chùa Bái Đính 2016. Dự lễ Khai hội chùa Bái Đính 2016 có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và đại diện một số Bộ, ngành. 

Chùa Bái Đính có lịch sử hàng nghìn năm tuổi, là nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Đến nay, chùa được đầu tư, tôn tạo, mở rộng với nhiều hạng mục công trình đạt kỷ lục quốc gia, tầm cỡ quốc tế, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới.

Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm, các tăng ni, phật tử cùng du khách thập phương lại nô nức kéo về chùa Bái Đính để chiêm bái, lễ phật, cầu nguyện cho năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội truyền thống chùa Bái Đính diễn ra từ ngày mồng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Lễ hội là sự kiện văn hóa gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử trọng đại, với các danh nhân của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Với nhiều hoạt động có ý nghĩa, lễ hội chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp các thế hệ ngày hôm nay hiểu được công lao của tổ tiên, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, làm giàu thêm lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước

Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ có các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Phần hội có các trò chơi dân gian và chương trình nghệ thuật đặc sắc, thu hút rất đông du khách từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước đến dâng hương lễ Phật, chiêm bái cảnh quan ngôi chùa. 

Nhiều lãnh đạo Nhà nước tham gia khai hội xuân trên cả nước

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh trống khai hội

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh trống, đánh chiêng khai hội. Tiếp đó, các đại biểu cùng các chư tôn đức dâng hương tại chùa thượng, thả chim phóng sinh cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...

Lễ hội chùa Hương được coi là một trong những lễ hội lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ và kéo dài nhất trong năm.

Thông tin từ Ban lãnh đạo quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết: "Dự kiến, mùa lễ hội chùa Hương 2016 sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách. Nhưng năm nay, du khách đến với chùa Hương tăng đột biến. Ngay từ những ngày đầu năm mới, chùa Hương đã đón khoảng 5 vạn khách trẩy hội, du xuân mỗi ngày, đến hết ngày khai hội sẽ là 180 nghìn lượt khách. Mặc dù mọi công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay hết sức chu đáo nhưng tình trạng tắc nghẽn vẫn xảy ra cả ở đường bộ và cáp treo vì du khách trẩy hội Chùa hương tăng.

Toàn bộ số cáp treo tại chùa Hương có 45 cabin, mà mỗi cabin 6 người, chạy hết công suất thì một tiếng cũng chỉ chở được gần 3000 người. Nên ngày đón 5 vạn lượt khách thì tình trạng xếp hàng, chờ đợi cáp treo là không thể tránh khỏi".

Tuy nhiên, về cơ bản, công tác đảm bảo an ninh phục vụ lễ hội năm nay vẫn được ban tổ chức (BTC) làm tốt, siết chặt hiện tượng chèo kéo khách, khắc phục những tồn tại, hạn chế của những mùa lễ hội trước. Giá vé trông xe được BTC niêm yết đối với xe con là 40.000/ngày và 60.000/ngày với xe to. Về giá vé cho mỗi du tham quan du lịch lễ hội chùa Hương năm 2016 là 50.000 đồng/khách, vẫn giữ nguyên giá bằng năm 2015.

Tại Hà Nội, lễ Kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2016 đã trang trọng diễn ra tại đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự và dâng hương.

Nhiều lãnh đạo Nhà nước tham gia khai hội xuân trên cả nước

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2016

Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm tri ân công lao Hai Bà Trưng, những nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc và tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt.

Lễ kỷ niệm diễn ra với các màn trống hội, chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng do Nhà hát Chèo Hà Nội thực hiện. Đặc biệt, lễ hội đền Hai Bà Trưng có nghi lễ rước kiệu độc đáo, lễ tế cộng đồng theo nghi lễ cổ truyền của các địa phương có đền thờ Hai Bà Trưng. Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa truyền thống.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra đến hết ngày 17/2 (tức mùng 10 tháng Giêng Âm lịch).

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn (Hà Nội) khai hội ngày hôm nay do được tổ chức tốt hơn nên cũng không còn tái diễn tình trạng bạo lực trong tranh cướp lộc hoa tre và lễ phẩm trầu cau. Kết thúc lễ rước và lễ tế của các thôn làng, người dân kéo về hội Gióng ngày càng đông hơn. Theo ước tính, riêng ngày khai hội, lượng người trẩy hội lên tới 3-4 vạn.

Hội Gióng đền Sóc Sơn diễn ra đến hết ngày 15/2 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng).

Tại Khu Văn hóa núi Bài Thơ, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh và UBND thành phố Hạ Long phối hợp tổ chức Lễ khai bút, khai ấn đầu xuân Bính Thân 2016. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã dự lễ.

Nhiều lãnh đạo Nhà nước tham gia khai hội xuân trên cả nước

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện nghi thức khai ấn tại Khu Văn hóa núi Bài Thơ, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) 

Khai bút đầu năm là nét đẹp văn hóa của dân tộc có từ lâu đời, thể hiện ước vọng về những điều tốt lành, hanh thông trên con đường học hành thi cử, mưu cầu công danh sự nghiệp. Kế thừa truyền thống đó, từ năm 2009, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh đã tổ chức lễ khai bút đầu xuân lần đầu tiên nhằm phát động phong trào sáng tác Văn học Nghệ thuật cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, góp phần tạo không khí phấn khởi vui tươi trong nhân dân.

Riêng lễ khai ấn Hội Tao Đàn, niên hiệu Hồng Đức được Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, dựa trên sự kế thừa tinh thần từ Tao đàn Nhị thập bát tú, một tổ chức thi ca do đức vua Lê Thánh Tông sáng lập vào cuối thế kỷ XV. Cũng từ mùa xuân Giáp Ngọ 2014, Lễ khai bút và khai ấn được lồng ghép vào ngày mùng 6 tháng Giêng, với ý nghĩa mở ra một năm mới có nhiều thành tựu về văn chương nghệ thuật, học hành khoa cử.

Lễ khai bút  và khai ấn năm nay được tổ chức kéo dài trong 3 ngày từ mùng 6 đến hết mùng 8 Tết với tiêu chí dần dần biến hoạt động này thành một lễ hội hiện đại để tưởng nhớ tiền nhân, tôn vinh sự học và thi đua sáng tạo mỗi dịp xuân về. Sau lễ khai mạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sẽ tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, ngâm thơ, hát chèo, ca trù v.v.

Cũng trong sáng nay, hàng nghìn người dân biển xã Tam Quang và Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã đến tham dự Lễ hội cầu ngư hay còn gọi là “Lễ hội cá Ông”, để cầu cho một năm trời yên biển lặng, một mùa đánh bắt trên biển được thuận lợi.

Theo như tục lệ hàng năm của ngày đầu xuân, việc tổ chức lễ hội cầu ngư có ý nghĩa về mặt tâm linh, mang đậm văn hóa vùng biển. Ngư dân trong xã chuẩn bị các lễ vật tế lễ cầu mong trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa. Lễ hội cầu ngư lưu giữ tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ này gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau và mang đậm đặc trưng văn hóa vùng biển.

Ngoài việc cầu mong ghe thuyền đầy ắp cá, lễ hội còn nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc.

Một lễ hội khác được nhiều người quan tâm trong những năm gần đây là lễ hội truyền thống làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức diễn ra theo nghi lễ truyền thống vào ngày hôm nay. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nghi thức chém lợn giữa sân đình đã không diễn ra mà “ông ỉn” được đưa vào khu vực kín đáo làm thịt tế Thánh.

Những năm trước, lễ hội làng Ném Thượng vẫn tổ chức nghi lễ chém lợn giữa sân đình trước sự chứng kiến của nhiều người gây phản cảm. Năm 2016, để chấm dứt tình trạng trên và bảo đảm yếu tố truyền thống, tỉnh Bắc Ninh đã vận động nhân dân làng Ném Thượng điều chỉnh tục chém lợn giữa sân đình vào một khu vực riêng để làm thịt và làm cỗ ngọc tế Thánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lãnh đạo Nhà nước tham gia khai hội xuân trên cả nước