Mới đây, Báo Công lý nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về những hoạt động bất thường trong việc thi và cấp chứng chỉ ngắn hạn của trường ĐH Dân lập Đông Đô, đặc biệt là hoạt động thi và cấp chứng chỉ tiếng Pháp trình độ B của trường này.
Nhu cầu lớn về chứng chỉ ngoại ngữ thứ 2
Theo quy định tại Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 18/8/2017 về quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập: Giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III, hạng III lên hạng II và hạng II lên I phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí làm việc của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi; Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi.
Chứng chỉ ngoại ngữ (ảnh minh họa)
Đối với kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I, từ hạng III lên hạng II, từ hạng IV lên hạng III, Thông tư quy định giáo viên thi 4 môn gồm: Kiến thức chung, môn thi chuyên môn, nghiệp vụ, môn thi Ngoại ngữ, môn thi tin học. Ngoại ngữ dự thi: giáo viên dự thi đăng ký thi một trong các ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc.
Đặc biệt, đối với giáo viên dạy một trong các ngoại ngữ nêu trên thì phải thi ngoại ngữ thứ 2 ở trình độ bậc 2, bậc 3 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
Trường học hay “chợ” đào tạo?
Để làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, trong vai một giáo viên có nhu cầu thi chứng chỉ Tiếng Pháp trình độ C, PV đã có những ghi nhận khá bất ngờ tại trường Dân lập ĐH Đông Đô.
Sáng ngày 25/10/2017, PV liên lạc tới số điện thoại 09869999XX thì được một người phụ nữ tên M cho biết, trường đang tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Pháp trình độ B và C. Khi PV bày tỏ rằng mình không có kiến thức gì về tiếng Pháp, chị M không ngần ngại khẳng định "yên tâm vì mình đã bao đỗ. Nếu bạn có nhu cầu chiều nay qua trường thi luôn, nhà trường tổ chức ôn chiều qua rồi (ôn một buổi), hôm nay thi luôn".
Địa chỉ 170 Phạm Văn Đồng nơi diễn ra kỳ thi có "bao đỗ"
Mục sở thị, PV đã đến một trong những cơ sở của trường ĐH Dân lập Đông Đô tại địa chỉ 170 Phạm Văn Đồng. Tại đây, PV được 1 nhân viên tên M tư vấn: “Trường có tổ chức thi môn ngoại ngữ thứ 2 đó là tiếng Pháp, thời gian tổ chức thi vào 14h00 ngày 25/10/2017 và ngày 28/10/2017, lệ phí thi trình độ B là 3.000.000 đồng, trình độ C là 3.500.000 đồng, chứng chỉ do trường Đại học Dân lập Đông Đô cấp và đã có hỗ trợ đỗ”.
Tuy nhiên, khi PV hỏi có văn bản thông báo thu tiền của trường không thì chị M cho biết: “Lệ phí gốc của trường thì không có, đây chỉ có lệ phí chống trượt hỗ trợ 100%, còn nộp lệ phí thi 1.200.000 đồng thì chị không thu, không thể người thì hỗ trợ người thì không được”. Khi PV thắc mắc do không biết gì về tiếng Pháp và muốn đi ôn thi thì chị M cho biết, nếu thi hôm nay 25/10/2017 thì lên thi luôn và không cần phải ôn, bên trường có hỗ trợ, còn không thì thi vào ngày 28/10/2017 sẽ tổ chức ôn thi trước 1 buổi vào ngày 27/10/2017".
Tiếp tục ghi nhận tại phòng thi chiều ngày 25/10/2017, trao đổi với thí sinh về lệ phí thi, một số thí sinh cho hay phải đóng lệ phí lên đến 4.000.000 đồng, cá biệt có thí sinh phải đóng tới 4.500.000 đồng.
Chính vì vậy, thí sinh chỉ cần nộp đủ số tiền quy định thì sẽ dễ dàng thi đỗ và lấy được chứng chỉ ngoại ngữ mà mình đang cần. Thậm chí có thí sinh không cần biết đến đề thi, đọc đề thi không hiểu nhưng vẫn dự thi lấy chứng chỉ C cấp quốc gia môn tiếng Pháp.
Hai nữ giám thị trong kỳ thi có bao đỗ (ảnh cắt từ video)
Như vậy, từ một chính sách nhằm nâng cao chất lượng, trình độ ngoại ngữ cho các giáo viên dạy môn ngoại ngữ lại được một số trường lợi dụng “mua bán tri thức” như bán rau ngoài chợ nhằm trục lợi bất chính.
Theo nguồn tin riêng của PV, hiện trường ĐH Dân lập Đông Đô đang làm đề án trình Bộ GD&ĐT đăng ký tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Pháp. Tuy nhiên tới ngày 25/10/2017, hồ sơ này vẫn đang trong thời gian thẩm định.
Đề nghị Bộ GD&ĐT, Thanh tra Bộ GD&ĐT sớm vào cuộc làm rõ việc trường ĐH Dân lập Đông Đô đã được Bộ GD&ĐT giao đào tạo Chứng chỉ trình độ B tiếng Pháp hay chưa? Những chứng chỉ mà trường ĐH Đông Đô đã và đang cấp liệu có giá trị pháp lý và đáp ứng đủ các điều kiện của Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT hay không?
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.