Tiêu điểm

Nhiệm vụ trọng tâm công tác TAND năm 2024

Mai Đỉnh 28/02/2024 06:00

Nghị quyết số 512-NQ/BCSĐ ngày 12/12/2023 của Ban cán sự đảng TANDTC về lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 của TAND. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, tình hình thực tiễn của từng đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được đề ra.

1. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp; các nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và những văn bản chỉ đạo của Trung ương về cải cách tư pháp; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QD/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

2. Hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án; bảo đảm hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội và TANDTC đề ra.

Chú trọng tập trung làm tốt công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện. Tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp và giảm áp lực công việc của các Tòa án.

Nâng cao chất lượng tổ chức các phiên tòa, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm. Tuân thủ nghiêm thời hạn tố tụng theo quy định; khắc phục dứt điểm tình trạng để các vụ án quá thời hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, đôn đốc các Tòa án xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế. Chủ động xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Tiếp tục làm tốt công tác kiếm tra, giám đốc việc xét xử để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ, việc. Nâng cao chất lượng quyết định kháng nghị; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải có căn cứ, đúng pháp luật; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự.

3. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử

Hoàn thành Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và các dự án luật, các pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo đảm bảo tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Chủ động nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các vãn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh được Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ. Đổi mới quy trình lựa chọn và công bố án lệ theo hướng rút ngắn về thời gian và thủ tục, nâng cao chất lượng của án lệ.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp; hoàn thành và trình cơ quan có thẩm quyền thông qua các đề án để thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được Bộ Chính trị giao; rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật về tố tụng điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo làm tiền đề để vận hành Tòa án điện tử.

4. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh

Làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường đoàn kết trong Đảng; quan tâm củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị. Căn cứ quy định mới của Trung ương, rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy định, quy chế về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, hoạt động, đội ngũ cán bộ chuyên trách của Đảng ủy TANDTC.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ, tăng cường sinh hoạt chuyên đê; chú trọng việc đánh giá, xếp loại tố chức đảng, đảng viên thực chất hơn; công tác khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên phải chặt chẽ, đúng đối tượng và phải gắn với kết quả công tác chuyên môn, công tác xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Hoàn thành tổng kết 05 năm về công tác xây dựng Đảng và 15 năm thi hành Điều lệ Đảng tại các tổ chức đảng của TAND.

Triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 14 giải pháp đột phá trong công tác tổ chức, cán bộ; rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định, quy chế trong công tác tổ chức, cán bộ theo quy định mới của Đảng, đặc biệt là các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và công tác cán bộ. Trên cơ sở tổng kết việc thí điểm, hoàn thiện và trình Chánh án TANDTC quyết định ban hành Quy chế đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động trong TAND.

Căn cứ tình hình thực tiễn, số lượng các loại vụ việc phải giải quyết và các điều kiện đặc thù, thực hiện điều chỉnh biên chế, số lượng Thẩm phán đối với từng Tòa án.

Rà soát, chuẩn bị nhân sự Chánh án TAND để giới thiệu tham gia cấp ủy cùng cấp nhiệm kỳ 2026-2031, gắn với thực hiện chủ trương của Đảng về người đứng đầu giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ và không phải người địa phương.

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với yêu cầu quy hoạch, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là các chức danh tư pháp và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đa dạng các hình thức tập huấn, bồi dưỡng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến; chú trọng đào tạo thông qua việc rút kinh nghiệm công tác xét xử; thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, công nghệ thông tin và các kiến thức bổ trợ khác cho công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng Hòa giải viên.

Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhằm nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận số 21- KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; làm tốt công tác giám sát Thẩm phán, thực hiện nghiêm Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán Việt Nam; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực của công chức, viên chức gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đề ra các biện pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND.

Tích cực triển khai phong trào thi đua “Vì công lý” bảo đảm thực chất, sáng tạo. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước (Hội diễn văn nghệ, cuộc thi sáng tác ca khúc về TAND...) hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống TAND.

Chủ động nghiên cứu, sửa đổi các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm công tác của TAND; tổ chức tổng kết phong trào thi đua và thực hiện bình xét, đề nghị khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác.

Quan tâm khen thưởng đối với công chức, viên chức và người lao động trực tiếp; việc khen thưởng các cá nhân lãnh đạo phải gắn liền với thành tích của cơ quan, đơn vị.

5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng các phần mềm ứng dụng trong hoạt động của Tòa án, bảo đảm sự tương thích, tích hợp giữa các phần mềm, hướng tới thực thi và nâng cao năng lực quản trị Tòa án trên nền tảng số.

Vận hành hiệu quả hệ thống giám sát điều hành, tiếp tục phát triển “Trợ lý ảo” để cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác. Đẩy mạnh tích hợp, chia sẻ các dịch vụ công trực tuyến của Tòa án trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đảm bảo vừa có kiến thức cập nhật về công nghệ số, vừa hiểu biết pháp luật và hoạt động của Tòa án. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin. Làm tốt công tác xét xử trực tuyến; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thí điểm thực hiện xét xử trực tuyến hoàn toàn trên nền tảng số.

6. Chủ động, tích cực hợp tác chặt chẽ với Tòa án các nước, các đối tác nhằm mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực. Thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tranh thủ nguồn tài trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Tích cực tham gia vào các thiết chế tư pháp quốc tế; thực hiện tốt các điều ước quốc tế, các hoạt động tương trợ tư pháp.

7. Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận Hành chính - tư pháp để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tố chức, công dân trước và sau các phiên tòa.

8. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tăng cường phố biến, giáo dục pháp luật; kịp thời thông tin, truyền thông các chủ trương, chính sách mới của Đảng và việc quán triệt, tổ chức thực hiện trong TAND.

9. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước.

Nghiên cứu, xây dựng và bảo đảm kinh phí cho việc triển khai thực hiện các đề án, chương trình trọng điểm của TAND, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Hoàn thành việc xây dựng trụ sở TAND cấp tỉnh, quan tâm xây dựng trụ sở các TAND cấp huyện khi có điều kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ trọng tâm công tác TAND năm 2024