Nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, chủ yếu lây qua đường tình dục

Thảo Nguyên| 18/11/2022 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù về tổng thế số ca mắc mới HIV tiếp tục giảm trong cộng đồng, nhưng lại diễn biến phức tạp, tăng ở nhóm MSM (đồng tình nam), thanh thiếu niên và còn xa so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Trên thế giới hiện có 38 triệu ca mắc HIV/AIDS. Ước tính trong năm 2021 đã có 1,5 triệu người nhiễm mới và 650.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Xu hướng nhiễm HIV mới và số tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm qua hàng năm, nhưng tốc độ chậm hơn rất nhiều so với những năm trước đây, tốc độ tử vong cũng giảm chậm hơn. 

img_8789.jpg
Ông Võ Hải Sơn cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện hơn 9.000 ca nhiễm HIV mới

Tại Việt Nam, theo ThS.BS Võ Hải Sơn - Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm - Cục phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay có khoảng 242.000 người nhiễm HIV/AIDS. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022, có 9.000 ca phát hiện mới và có 1.378 trường hợp đã tử vong.

"Các tỉnh phía Nam đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM là 2 khu vực phát hiện nhiều người nhiễm mới HIV/AIDS nhất trong năm 2022 với tỷ lệ lần lượt là 36% và 28%", BS Sơn cho hay.

Tỷ lệ HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm từ 84-86%). Đường lây HIV chủ yếu hiện nay là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính.

"Dịch HIV đã thay đổi hình thái, nếu như trước đây lây chủ yếu qua đường tiêm chích ma tuý, thì nay 50% người nhiễm mới rơi vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); bạn tình của người nhiễm HIV trong nhóm này là những người có nguy cơ rất cao.

Tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM rất lớn, từ năm 2015 đến nay đã tăng gấp đôi, đây là quan ngại lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Dự báo HIV trong nhóm này tiếp tục gia tăng trong thời gian, bởi nhóm này lớn, các nguy cơ khác vẫn tồn tại và độ bao phủ điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) mới có 30.000 người”, BS Sơn bày tỏ lo lắng.

Mặc dù công tác phòng chống HIV đạt được nhiều kết quả, nhưng theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận. Việc nghiện các chất ma túy tổng hợp và ma túy dạng kích thích đang gia tăng. Việt Nam chưa có thuốc điều trị nghiện cũng như hướng dẫn chi trả cho xác định tình trạng nghiện. Bên cạnh đó, việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV, quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm cũng nhiều vướng mắc, quá trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng rất khó khăn.

img_8788.jpg
PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Để nâng hiệu quả công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS, PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam cũng đã từng bước tự chủ tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS: Chuyển đổi điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Theo lãnh đạo Cục phòng chống HIV/AIDS, để đạt mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, có 11 giải pháp được đề ra, trong đó trước hết cần thực hiện mục tiêu 95-95-95: 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV; 95% người biết tình trạng HIV được điều trị ARV; 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

"Cần tăng cường truyền thông mạnh mẽ tới người dân, đặc biệt ở nhóm MSM và nhóm thanh niên có quan hệ tình dục không an toàn. Từ việc phát hiện hình thái lây nhiễm mới ở nhóm MSM, thời gian tới, công tác phòng, chống dịch đưa vào những lộ trình, chiến lược mới để triển khai dự phòng và điều trị được cho nhóm MSM và nhóm chuyển giới nữ", PGS.TS Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS chính thức được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) phát động từ năm 2008.

Từ đó đến nay, Ủy ban Quốc gia đã lấy thời gian từ ngày 10/11-10/12 là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.

Tháng hành động đã trở thành sự kiện quan trọng hàng năm thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và người dân; huy động cả cộng đồng vào cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, chủ yếu lây qua đường tình dục